Theo Chủ tịch Quốc hội, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế.

Chủ tịch Quốc hội: Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế

Lam Thanh | 13/07/2021, 17:00

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế.

Đừng đổ thừa cho cơ chế

Ngày 13.7, trong chương trình làm việc tại phiên họp thứ 58, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính-ngân sách, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

quoc-hoi.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Về đầu tư công, một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần có tổng kết việc thực hiện đầu tư công theo kế hoạch 5 năm, rút ra các bài học, nhận định rõ tồn tại, hạn chế và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công.

Về kế hoạch tài chính trung hạn, cần thể hiện rõ kết quả giải quyết xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, nhất là chúng ta đã rất thành công trong tái cơ cấu nợ và rút ra được bài học kinh nghiệm trong điều hành.

Một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần thể hiện rõ việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển, bảo đảm cân đối giữa kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, cải cách tư pháp, đối ngoại…

Về quản lý nhà nước, Chính phủ cần thực hiện thí điểm với các chủ trương mới, sau khi có tổng kết mới nhân rộng ra cả nước, gắn chặt với việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, tránh tình trạng phải xử lý các vụ việc liên quan tới xã hội hóa, tự chủ trong lĩnh vực y tế như thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại Hội nghị Trung ương 3, Trung ương đã thảo luận và thống nhất các quan điểm, mục tiêu trong 5 năm tới, nhấn mạnh các yếu tố nhanh, bền vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu quay trở lại. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải bàn kỹ định hướng, phương hướng tổ chức thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, về thể chế, trước hết phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết Đại hội 13.

Đây là vấn đề rất lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập, nhất là những vấn đề rất mới lần đầu tiên được đề cập và cả những vấn đề đã có nhưng được tiếp cận theo quan điểm mới như: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cơ chế thử nghiệm, phát triển đô thị; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tiếp tục rà soát để sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, bao gồm cả các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn…

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần khắc phục cả hai khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế.

“Tôi thấy khuynh hướng thứ 2 dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Vướng chỗ nào thì phải chỉ ra, xác định rõ là sửa cái gì, sửa như thế nào…, không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế. Ví dụ, tại sao giải ngân đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ 98%, trong khi trước đó đều đạt thấp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thí điểm cơ chế mới phải cẩn trọng

Nhất trí với đề nghị của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm, thử nghiệm các cơ chế, chủ trương mới cần phải hết sức chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các vấn đề thử nghiệm bây giờ phải được báo cáo Bộ Chính trị, rồi Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, sau đó mới tiến hành.

Ngoài ra, cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như các dự án thua lỗ, yếu kém, các hạn chế về quản lý đất đai…

“Chúng ta phải tập trung giải quyết những tồn đọng này trước khi tạo ra năng lực sản xuất mới”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi chính sách thu mới tạo ra nguồn lực để phát triển hoặc ban hành chính sách mà không thực hiện được.

quoc-hoi-2.jpg
Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhấn mạnh yêu cầu cần triển khai sớm và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử, giao dịch xuyên biên giới…, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng. Các luật thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu.

Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia phải đẩy mạnh hơn nữa vì “không chuẩn bị tốt, không có danh mục thì có tiền cũng không giao vốn được”.

Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm có những nhiệm vụ chi của địa phương nhưng trung ương vẫn phải lo, như chi giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc.

Về tỷ lệ điều tiết, Chủ tịch Quốc hội nhất trí sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 cùng với kế hoạch năm 2022, giai đoạn 2022-2025, nhưng lưu ý cần bám sát Luật Ngân sách nhà nước.

Thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỉ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 5 năm tới như sau: Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỉ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn 2016-2020, tương ứng với mức tăng của giai đoạn trước. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 16%, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,4%.

Tổng chi giai đoạn 2021-2025 là 10,26 triệu tỉ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 28%, trong tổ chức thực hiện thì phấn đấu đạt 29%, chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỉ đồng, phấn đấu vào khoảng 60%.

Về tỷ lệ bội chi, bình quân là 3,7% GDP, trần nợ công không quá 60%, nợ chính phủ không quá 50% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách bình quân không quá 25%.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến tổng mức vốn của giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỉ đồng. Trong đó, dự kiến bố trí 100.000 tỉ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỉ đồng, chương trình xây dựng nông thôn mới 30.000 tỉ đồng và chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỉ đồng).

Với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 183,253 nghìn tỉ đồng từ ngân sách trung ương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trong đó dành 65,795 nghìn tỉ đồng cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Đó là giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc-Nam tuyến phía đông giai đoạn 1; dự án hồ chứa nước Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Còn khoảng 38.000 tỉ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. Số vốn còn lại khoảng 78,79 nghìn tỉ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác.

Bài liên quan
Cử tri mong muốn nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng
Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội: Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế