Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cử tri mong muốn nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng

Lam Thanh | 13/07/2021, 15:38

Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tại phiên họp thứ 58 diễn ra ngày 13.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15.

ngo-sach-thuc.jpg
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại cuộc họp

Khẩn trương giải ngân gói 26.000 tỉ đồng

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao việc tổ chức thành công cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%; bầu một lần đủ đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh thành, và cơ bản đủ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao hiệu quả những biện pháp phòng chống tình trạng lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt là tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, các khu cách ly tập trung, khu công nghiệp.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước; khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn dân, phấn đấu đạt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.

Về phát triển KT-XH, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH.

Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các bộ ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế động lực, địa bàn còn nhiều khó khăn. Cần tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo lắng về tình hình dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, dẫn đến việc một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh; mong muốn các ngành chức năng tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm tới đời sống người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đồng thời, nhân dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ, góp phần duy trì, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân cũng mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, có biện pháp kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền".

Đồng thời, cần loại bỏ ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất; sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Không để tham nhũng, lãng phí vắc xin

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các đại biểu quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; phát huy trí tuệ, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân: Tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ.

Đồng thời, cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; quan tâm sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân…

MTTQ cũng đề nghị Chính phủ sớm có đề án tổng thể và nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với nền kinh tế số. Cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Chính phủ cũng cần quan tâm chỉ đạo để sớm ban hành các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Kịp thời bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đủ mạnh để góp phần phát triển KT-XH, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực, hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Cần chú trọng xây dựng các chính sách và biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Ngoài ra, MTTQ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Chính phủ cần quản lý và kiểm soát tất cả các hoạt động mua sắm và phân phối vắc xin; quy định rõ việc phân cấp cho địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mua và sửa dụng vắc xin; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, thẩm định chất lượng, nguồn vắc xin; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Đây là báo cáo định kỳ được trình bày trước Quốc hội, do đó cần cố gắng tổng hợp trung thực, đầy đủ, chắt lọc các ý kiến có được qua tiếp xúc vận động bầu cử, dư luận của nhân dân qua các kênh; lưu ý phân loại được các nhóm ý kiến, ý kiến đa số và ý kiến khác.

Báo cáo đã phản ánh được đánh giá của cử tri và nhân dân về cuộc bầu cử vừa qua, việc kiện toàn nhân sự ở các cấp chính quyền địa phương và trung ương; vấn đề phòng chống dịch bệnh, việc ban hành và triển khai các nhóm chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, về chiến lược vắc xin...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo để bảo đảm chất lượng trình bày trong phiên họp toàn thể được phát thành hình trực tiếp tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội.

Bài liên quan
Tổng biên tập tạp chí lâu đời nhất nước Mỹ từ chức vì xúc phạm cử tri bầu ông Trump
Đài CNN đưa tin Tổng biên tập tạp chí Scientific American Laura Helmuth vừa thông báo từ chức sau khi đưa ra lời lẽ không hay về những cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri mong muốn nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng