Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt và biện pháp này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật, không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm.

Chủ tịch Quốc hội: Không áp dụng biện pháp đặc thù tùy tiện, hợp thức hóa sai phạm

Hoài Lam | 11/04/2023, 10:45

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt và biện pháp này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật, không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm.

Sáng 11.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng’’.

Có sai phạm trong mua sắm, thậm chí phải xử lý hình sự

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, công tác huy động nguồn lực phòng chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.

Theo đó, đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

anh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu tồn tại, hạn chế như hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng chống dịch.

“Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự. Vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Không áp dụng chính sách đặc thù một cách tùy tiện

Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19…, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước.

“Làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không, việc quản lý, sử dụng nguồn lực cụ thể cho phòng chống dịch ra sao, lượng vắc xin thừa, quá hạn cụ thể là bao nhiêu? Hiện nay, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát. Theo đó, Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách, tuy nhiên, những biện pháp đặc thù này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấp hành theo những biện pháp đã được quy định.

“Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Cần chỉ rõ “khoảng trống pháp luật” ở đâu

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong dự thảo Nghị quyết đánh giá 6 khuyết điểm, tồn tại về huy động nguồn lực phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa bao quát để điều chỉnh tình huống phát sinh; khó khăn trong phân bổ, quản lý và thanh quyết toán ngân sách nhà nước; chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xác định tài sản của các nguồn tài trợ; chưa chủ động được nguồn vắc xin…

Trong tồn tại về cơ sở y tế, y tế dự phòng cũng có một số tồn tại như nhận thức, tổ chức hệ thống, thiếu nguồn lực, trình độ chuyên môn, chính sách không thoả đáng, đầu tư y tế, cơ sở dự phòng không thoả đáng và không tương xứng…

Phó chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về nguyên nhân được nêu trong Nghị quyết: “Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát, chưa điều chỉnh hết các quan hệ tình huống phát sinh tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng chống”.

Do đó, ông Phương đề nghị chỉ rõ khoảng trống pháp luật? Hiện nay, đã có đầy đủ các luật để phòng chống cũng đã có; có chăng chỉ chưa có ở mức cao hơn trạng thái bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp?

phuong.jpg
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Ông Phương cũng nêu, khi bước vào đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền là không công bố, nhưng thực tế đã áp dụng toàn bộ các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp. Trên cơ sở đó, ông Trần Quang Phương nhấn mạnh, nếu ghi nguyên nhân là do khoảng trống pháp lý là không có.

Đồng thời, ông Phương cũng nêu quan điểm, phải chăng cách vận dụng các biện pháp trước tình trạng chưa khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp chưa nhuần nhuyễn trong thực tiễn chỉ đạo? Chưa công bố nhưng lại thực hiện tình trạng khẩn cấp là do nhận thức không thống nhất. Nhận thức không thống nhất ngay cả trong quá trình triển khai công việc, trong quá trình tổ chức thực hiện và trong giải quyết hậu quả sau này về thanh quyết toán các nguồn lực.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xem xét, đồng thời đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm đánh giá này. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội: Không áp dụng biện pháp đặc thù tùy tiện, hợp thức hóa sai phạm