Sau khi Một Thế Giới có bài viết “Học trực tuyến, tiếp tục hay dừng?”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến phải hiệu quả và cần hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn.

Chủ tịch tỉnh An Giang yêu cầu các tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn

Tô Văn | 23/09/2021, 16:32

Sau khi Một Thế Giới có bài viết “Học trực tuyến, tiếp tục hay dừng?”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến phải hiệu quả và cần hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn.

Chiều 23.9, ông Lê Văn Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký công văn 1034/UBND-KGVX về tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.

2-truc-tuyen-.jpg
Những học sinh khó khăn sẽ được các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ điều kiện học trực tuyến - Ảnh: Tô Văn

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT rà soát, xác định các nội dung cốt lõi của chương trình giáo dục các cấp học; hướng dẫn các trường học tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội.

Sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường xây dựng các bài giảng để phát sóng trên kênh truyền hình địa phương, nhất là đối với lớp 1, lớp 2. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch năm học.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phát động các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tham gia Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; hỗ trợ giá cước viễn thông internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu Sở Tài chính phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội triển khai gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang ưu tiên thời lượng và khung giờ phát sóng các bài giảng; có phương án phối hợp tiếp sóng, phát lại các bài giảng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày.

Đồng thời, phối hợp Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch phát sóng các bài giảng qua đài phát thanh, truyền hình cụ thể, chi tiết từng môn học, lớp học, cấp học bảo đảm diện bao phủ tốt nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBMTTQVN tỉnh, Tỉnh đoàn kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn trang thiết bị học trực tuyến.

UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát danh sách học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án, huy động hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến. Tăng cường giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan.

Trước đó, vào ngày 19.9, Một Thế Giới đã có bài viết “Học trực tuyến, tiếp tục hay dừng?” với nội dung năm học 2020-2021 có thể được xem là năm học đặc biệt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các địa phương phải chọn phương án dạy học trực tuyến. Đây cũng là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm và gây nhiều tranh cãi...

Qua thống kê, toàn tỉnh An Giang có 77.918 học sinh thiếu phương tiện học trực tuyến, trong đó 5.664 học sinh diện hộ nghèo, 11.107 học sinh cận nghèo, 50.361 học sinh diện khó khăn… Từ ngày 20.9, học sinh các cấp trên địa bàn An Giang bắt đầu thực học trực tuyến năm học 2021-2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch tỉnh An Giang yêu cầu các tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn