Nghị quyết 41 mới ra đời chính là định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh. Đây như một luồng gió mới - tạo sự phấn chấn rất lớn cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI: Nghị định 41 là luồng gió mới tạo sự phấn chấn lớn cho doanh nghiệp

Quỳnh Trâm | 11/10/2023, 15:49

Nghị quyết 41 mới ra đời chính là định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh. Đây như một luồng gió mới - tạo sự phấn chấn rất lớn cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Sáng nay (11.10), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới bắt đầu sự khởi đầu mới trong tình hình mới.

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xoay quanh vấn đề này.

Nỗ lực vượt những “cơn gió ngược”

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong 9 tháng đầu năm 2023 trước những biến động đầy khó khăn của nền kinh tế?

Ông Phạm Tấn Công: Chúng ta đều thấy bức tranh kinh tế trong nước cũng như trên thế giới trong những tháng đầu năm 2023 là vô cùng khó khăn và đương nhiên bức tranh đó sẽ tạo ra những khó khăn cực kỳ lớn cho cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam.

Các DN Việt đã phải hết sức nỗ lực vượt khó trong bối cảnh thị trường khó, tín dụng khó… Thậm chí có những thị trường đóng băng như bất động sản, gây ra hệ quả lan tỏa trong cả hệ sinh thái của DN.

Khi các DN đã hết sức cố gắng và điều đáng mừng, niềm động viên cho các DN là trong bối cảnh đó, Đảng và nhà nước luôn bên cạnh và có rất nhiều những quyết sách kịp thời của Quốc hội, của Chính phủ để hỗ trợ các DN.

Gần đây nhất, ngày 3.10 có Quyết định 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% giá thuê đất cho DN. Đó là động tác rất kịp thời.

Các DN vẫn đang cố gắng trong khả năng của mình tự vượt qua khó khăn, nhưng sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước vẫn là điều hết sức cần thiết.

Trong những tháng cuối năm, chúng ta thấy bắt đầu đã có những tín hiệu phục hồi từ thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Chúng ta cũng đang kỳ vọng năm 2024 với những diễn biến tốt hơn, nhưng trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều biến động cả trong nước và trên thế giới, đặc biệt là nước ngoài, vì vậy, chỉ có một điều chắc chắc là không có gì chắc chắn cả.

pham-tan-cong.png
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Những ngày gần đây, rất nhiều diễn biến về xung đột địa chính trị, xung đột vũ trang trên thế giới. Những điều đó có thể phản ánh vào hoạt động kinh tế của các quốc gia. Việt Nam là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu của chúng ta gần gấp đôi GDP đất nước thì mọi biến động nhỏ của thị trường thế giới cũng phản ánh vào hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Những biến động lớn sẽ có tác động rất lớn do tâm thế chung của các DN mong đợi những điều tốt hơn, nhưng cũng sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó khăn trong thời gian tới.

Với vai trò đại diện cho cộng đồng DN, VCCI đã có những kiến nghị cụ thể thế nào để giúp đỡ DN, đồng hành cùng DN vượt qua những khó khăn, thưa ông?

- Năm nay, kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, doanh nhân, DN rất phấn chấn về ngày Tết Doanh nhân của mình. Đặc biệt là có niềm vui, động viên rất lớn, không chỉ từ những chính sách, quyết sách mới đây của Chính phủ mà ngay trong ngày hôm nay cũng được đón chào Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát triển, phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết như một luồng gió mới - một luồng gió tạo sự phấn chấn rất lớn cho doanh nhân, DN.

Trong bối cảnh đó, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nhân, DN, chúng tôi vừa động viên, vừa chào đón những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, chúng tôi vừa có trách nhiệm phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN đến với Đảng và Nhà nước.

Chiều nay cũng có cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng chính phủ với giới doanh nhân Việt Nam. Trong cuộc gặp này chúng tôi sẽ có những báo cáo về các khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nhân, doanh nghiệp và các hiệp hội DN trong nước.

Đây là bộ tài liệu rất dày dặn và được chuẩn bị công phu, nêu lên mong muốn của doanh nhân, DN là việc tiếp cận tín dụng, bởi tín dụng đang là điểm nghẽn, đặc biệt là với thị trường bất động sản.

dn.jpeg
Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn

Tiếp đó là kiến nghị về các cơ chế hỗ trợ, miễn giảm các chi phí cho DN, kể cả giãn, giảm nộp các nghĩa vụ về ngân sách; cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục cải cách hành chính cho các DN.

Khơi dậy khí thế doanh nhân

Ông từng đề cập việc khơi dậy khí thế của DN, doanh nhân. Xin ông chia sẻ đôi chút về điều này?

- Có một điều mà doanh nhân, DN rất mong muốn là khơi dậy, chấn hưng khí thế và tinh thần kinh doanh.

Đây là việc mà chúng ta ít nhắc đến, nhưng thực sự tại thời điểm này, doanh nhân, DN Việt Nam và đất nước chúng ta rất cần một khí thế, một sự hưng phấn như thời chúng ta mới bắt đầu đổi mới. Sức mạnh tinh thần này sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả.

Hiện nay, đâu đó sự hưng phấn đã giảm rất nhiều, không chỉ trong khu vực DN mà cả trong khu vực các cơ quan nhà nước, trong việc ra các quyết định, việc dám nghĩ dám làm, dám quyết đã có sự suy giảm.

Vì vậy, thực sự 2 chữ cần ở đây là tạo lại sự "hưng phấn" trong xã hội và trong cộng đồng DN. Đây là mong muốn của các DN và chiều nay chúng tôi cũng sẽ truyền tải đến với Chính phủ.

Xin ông cho biết Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng DN trong thời điểm này?

Nghị quyết số 41-NQ/TW sẽ có giá trị hết sức lâu dài cho doanh nhân, DN Việt Nam. Nhìn lại chặng đường phát triển của doanh nhân Việt Nam, chúng ta thấy rằng từ khi đổi mới đến nay được 37 năm và từ giờ cho đến lúc chúng ta đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, còn 22 năm nữa.

Chặng đường đó là khoảng 60 năm và chúng tôi hình dung ra 3 giai đoạn phát triển. 20 năm đầu là giai đoạn hình thành giới doanh nhân Việt Nam, lúc đó còn rất bỡ ngỡ và đang định hình. 20 năm tiếp theo là từ 2007 - khi chúng ta gia nhập WTO giai đoạn hội nhập quốc tế của doanh nhân, DN Việt Nam. Và bây giờ chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn thứ 3: giai đoạn thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.

doanh-nghiep-che-bien-che-tao.jpg
Khơi dậy khí thế doanh nhân trong thời kỳ mới

Nghị quyết 41 mới ra đời chính là nghị quyết để định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 trong 22 năm tới.

Nghị quyết này có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện và điều này rất đúng, rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam, là nền tảng để chúng ta tạo dựng một môi trường kinh doanh mới, môi trường chính sách mới cho giới doanh nhân Việt Nam phát triển.

Ví dụ, Nghị quyết đưa ra một nội dung rất mới và rất quan trọng: Doanh nhân Việt Nam không chỉ có vai trò quan trọng như trong các văn kiện trước đây mà là một trong những lực lượng nòng cốt để đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Rõ ràng, vai trò đã được đặt lên rất cao. Hay việc chúng ta sẽ có chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân rất bài bản, hay chúng ta sẽ tăng cường bổ sung các chế tài kinh tế để xử lý các vi phạm…

Doanh nhân Việt Nam rất mong đợi điều này, vì các nước cũng như vậy, không phải việc gì cũng hình sự hóa các chế tài kinh tế. Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế lần này được tái khẳng định trong Nghị quyết 41. Đây là những nội dung mới mà doanh nhân rất mong đợi và sẽ tạo sự phấn chấn cho cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
2 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch VCCI: Nghị định 41 là luồng gió mới tạo sự phấn chấn lớn cho doanh nghiệp