Chính phủ dự tính trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, nếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên tiếp tục giảm thuế GTGT

Lam Thanh | 06/10/2023, 14:38

Chính phủ dự tính trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, nếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Tại nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ, Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành.

Đối với các chính sách có hiệu lực hết năm 2023, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo đó, Chính phủ đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7.10.2023.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương về các chính sách phí, lệ phí khuyến khích người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến (như: thu phí, lệ phí 0 đồng hoặc giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thời gian áp dụng đến hết năm 2025), Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.2023.

gtgt-2.jpeg
Chính phủ đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tổng cầu suy yếu, chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2022 đã phát huy tác dụng thiết thực đến nền kinh tế. Khi DN được giảm chi phí đầu vào thông qua giảm 2% GTGT và người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ, giảm bớt khó khăn trước mắt người lao động thu nhập thấp, đồng thời việc giảm thuế cũng giúp giảm áp lực lạm phát, đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn.

Theo tính toán, trong năm 2023, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ người dân và DN là khoảng 196.000 tỉ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121.000 tỉ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỉ đồng, trong đó có giảm thuế GTGT 2% cho một số nhóm hàng hóa dịch vụ.

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng cuối năm, kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng lên đáng kể khi các mặt hàng được giảm 2% GTGT nằm trong giỏ hàng tiêu dùng thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng. Điều này tương đương cứ 10 người tiêu dùng thì sẽ có 7 người được hưởng lợi.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại đã mang tính bão hòa. Thay vào đó, nên tập trung cho chính sách tài khóa, thực hiện các chính sách về phía cầu hơn là phía cung.

“Trong đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn về giảm thuế GTGT (2% chưa thực sự hấp dẫn với người tiêu dùng, nên giảm 50% hoặc 100% giống như giảm thuế trước bạ ô tô mới có thể tác động đến hành vi tiêu dùng)”, ông Huân nêu, và đề nghị đồng loạt miễn hoặc giảm sâu các loại thuế này để kích cầu thị trường, giúp tổng cầu nền kinh tế tăng, kích thích DN sản xuất, kinh doanh.

gtgt-1.jpeg
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng việc Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách nhà nước (theo tính toán, dự kiến ban đầu việc giảm 2% GTGT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm 24.000 tỉ đồng) đã thể hiện sự đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân và DN.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc giảm thuế GTGT 2% là một động lực quan trọng để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có thể thấy thực tế sau 2 tháng đã có nhiều dấu hiệu phục hồi từ cầu tiêu dùng, sức sản xuất và chỉ số quản trị mua hàng nhúc nhích tăng”, ông Việt nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng chính sách tài khóa cần được thúc đẩy hơn. Hiện nay, việc giảm thuế, miễn, hoãn thuế và các chính sách khác đang được Chính phủ tiến hành, nhưng cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

“Tôi nhiều lần đề nghị thuế GTGT cần được giảm mạnh hơn nữa, từ 10% xuống 5% thay vì xuống 8% như hiện tại. Ngoài ra, thời hạn giảm thuế cũng cần kéo dài hơn. Việc giảm thuế sẽ hỗ trợ cho tổng cầu, khiến người dân chi tiêu nhiều hơn. Khi người dân chi tiêu nhiều hơn thì thúc đẩy DN sản xuất nhiều hơn, từ đó nền kinh tế cũng được thúc đẩy phục hồi mạnh hơn”, ông Hiếu nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên tiếp tục giảm thuế GTGT