Trong thời gian qua, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế tại thị trường trong nước cũng như qua đường nhập khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, qua đường tiểu ngạch, vấn đề này vẫn chưa kiểm soát được.
Góp mặt tại Hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” diễn ra vào ngày 25.4 tại Hà Nội, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều chuyên gia đến từ các cơ quan chức năng đều nhận định rằng, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý và ngăn chặn nhưng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện vẫn đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam.
Tại hội thảo, chỉ ra thực trạng sử dụng chất cấm chăn nuôi thời gian qua, ông Chu Đình Khu - Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi - Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, cho biết, sau thời điểm quý 1 năm 2012 tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã tạm thời được lắng xuống, thì đến năm 2015 vấn đề sử dụng chất cấm trong chănnuôi lại bùng phát trở lại với quy mô và tính chất phức tạp không chỉ được phát hiện việc sử dụng chất cấm ở nhiều địa phương mà còn xuất hiện ở nhiều đối tượng.
Nếu như thời điểm 2012, phần lớn phát hiện việc sử dụng chất cấm trong các cơ sở chăn nuôi nông hộ, thì năm 2015, việc phát hiện đã lan tỏa trong cả các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trong các cơ sở chăn nuôi trang trại lớn…điển hình là khu vực các tỉnh phía Nam trong 10 tháng đầu năm 2015: Đồng Nai đã phát hiện 109/654 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất Salbutamol (chiếm 16,7%), TP. HCM 95/516 (chiếm 18,4 %),(Đăk Nông 3/54 (5,6 %), Tây Ninh 5/9 (55,5 %), Tiền Giang 35/525 (chiếm 6,7 %) và Vĩnh Long 6/68 mẫu (chiếm 8,8 %)…
Theo ông Khu, kết quả triển khai các tháng cao điểm về kiểm soát tại tổng số cơ sở kiểm tra là 1.733 cơ sở, trong đó có 51 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 2,9%). Cụ thể: Tổng số mẫu thức ăn chăn nuôi đã lấy là 1.008 mẫu, trong đó có 13 mẫu vi phạm chất cấm (chiếm 1,3%). Tổng số mẫu nước tiểu lợn đã lấy là 3.503 mẫu, trong đó có 212 mẫu vi phạm chất cấm (chiếm 6,05%). Tổng số mẫu thịt, phủ tạng đã lấy là 398 mẫu, trong đó có 12 mẫu vi phạm chất cấm (chiếm 3 %).
“Nhận thấy rằng việc kiểm soát chất cấm đã có tác dụng rất tích cực khi vừa huy động lực lượng lớn các bộ ngành và các địa phương vào cuộc đã góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi, trong đó thức ăn chăn nuôi hiện chỉ còn 1,3% so với 5,3% các tháng đầu năm; nước tiểu còn 6,1 % so với 16,2% các tháng đầu năm”, ông Khu cho hay.
Trong những tháng đầu năm 2016, ông Khu cho biết, vẫn chưa phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm và phần lớn các địa phương ở khu vực phía Bắc và miền Trung là không phát hiện được các mẫu nước tiểu, mẫu thịt dương tính.
Ở phía Nam cũng đã có chuyển biến tốt, số lượng các mẫu nước tiểu dương tính phát hiện tại Đồng Nai chỉ có 2/128 (1,56%) mẫu dương tính, tương tự TP.HCM trong tháng 3 cũng chỉ phát hiện được 1,5% số mẫu nước tiểu có dương tính với chất cấm trong các lò mổ. Rõ ràng là vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát tốt.
Đồng quan điểm với ông Khu, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng nhận định rằng, đến thời điểm hiện nay, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được kiểm soát.
“Tuy nhiên, tôi vẫn phải cam đoan rằng, việc nhập chất cấm chăn nuôi qua đường tiểu ngạch hiện tại vẫn chưa kiểm soát được, chưa có đối tượng nào bị bắt”, ông Việt Khẳng định.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập các đoàn thanh tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2015, các đoàn thanh tra đã tiến hànhkiểm tra được trên 40 tổ chức, cá nhân vàphát hiện, xử lý 18 Công ty có hành vi vi phạm; xử phạt với số tiền trên 2.6 tỉ đồng.
Trước thực trạng này, ông Việt một lần nữa tái khẳng định: “Bất cứ tổ chức, cá nhân sau ngày 1.7 tới, nếu sử dụng chất cấm chăn nuôi mà bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì sẽ bị mất tài sản rất lớn, nhất là dính vào vòng lao lý.
Góp mặt tại hội thảo, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – cũng nhấn mạnh: Năm 2016 là năm hành động cao điểm về an toàn thực phẩm, mở rộng kiểm soát chất cấm vàng ô và salbutamol, cùng với kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ.Theo đó phải tập trung vào thanh tra, điều tra và xử lý vi phạm những chất cấm trong vấn đề nhập khẩu, kinh doanh Salbutamol hay sử dụng chất vàng ô.
“Trong thời gian qua, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã xác định rõ trách nhiệm của mình và trách nhiệm của các bộ, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị thực phẩm. Theo đó, Bộ được phân công quản lý toàn chuỗi, 19 sản phẩm và nhóm sản phẩm”, Thứ trưởng cho biết.
Tuyết Nhung