Chiều 1.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì buổi họp phòng, chống dịch COVID-19 với UBND thành phố Hà Nội.

Chủng vi rút mới lây lan 1-2 ngày, Hà Nội lập khu cách ly sức chứa 1.000 người

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 01/02/2021, 20:02

Chiều 1.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì buổi họp phòng, chống dịch COVID-19 với UBND thành phố Hà Nội.

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong 5 ngày Hà Nội ghi nhận tới 19 ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch tại Chí Linh, Hải Dương và Vân Đồn, Quảng Ninh. Thực tế ở Hà Nội ghi nhận 19 trường hợp dương tính với COVID-19 thì đây là chu kỳ lây nhiễm thứ 4 - mức đáng báo động.

bo-truong-long-ha-noi-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Hà Nội cần thay đổi chiến thuật nâng ứng phó cao hơn một mức so với đợt dịch lần trước

Theo Bộ trưởng, sở dĩ Bộ Y tế quan ngại về tình hình dịch ở Hà Nội, bởi đợt dịch lần này sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn so với đợt dịch bùng phát trước tại Đà Nẵng, do chủng biến thể mới của vi rút có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn. Bình thường, chu kỳ lây nhiễm của vi rút trước đây từ 4-5 ngày nhưng hiện nay chỉ từ 1-2 ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội vừa thực hiện truy vết, vừa khoanh vùng dịch, tuy nhiên ở thời điểm này thực hiện việc khoanh vùng ngay càng sớm càng tốt. "Khoanh vùng càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu toàn bộ người dân ở đó. Khi khu vực đó tất cả các mẫu có kết quả âm tính thì mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn. Những nguy cơ này đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, nếu không thì tốc độ lây nhiễm của vi rút sẽ nhanh hơn chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bên cạnh đấy, Bộ trưởng cũng cho biết nếu các trường hợp tiếp xúc với những bệnh nhân đã lây nhiễm, là F2 thì Bộ Y tế đã đồng ý cho F2 cách ly ở nhà và có sự giám sát nghiêm ngặt, đây là bước đổi mới nhất trong việc ứng phó với dịch COVID-19 đang lây lan một cách chóng mặt như hiện nay. Về vấn đề Hà Nội nêu dự kiến lấy 40 ngàn mẫu xét nghiệm, Bộ trưởng cho biết Hà Nội lấy bao nhiêu mẫu thì Bộ Y tế sẽ xét nghiệm từng đó mẫu để tìm, khoanh vùng được dịch sớm.

Về xét nghiệm, Hà Nội phải xây dựng các tổ đội để lấy mẫu thật nhanh tại một số khu vực trọng điểm, khu vực nghi ngờ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ huy động sinh viên các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng hỗ trợ lấy mẫu. Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn việc lấy mẫu. Bên cạnh đấy, Bộ Y tế cũng đã cử 12 đơn vị phối hợp xét nghiệm với Hà Nội để nhanh chóng dập được dịch bệnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thành phố yêu cầu tất cả các ban ngành cùng vào cuộc để phòng, chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt, để kiểm soát được tình hình.

dam-cdc-ha-noi.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội về công tác phòng chống dịch bệnh

Trước đó, cũng trong buổi họp chống dịch COVID-19 với CDC Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết việc phòng, chống dịch bệnh tại Hà Nội phải đi đầu, làm gương cho các đơn vị, tỉnh thành khác. Các đơn vị phải tự đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với những cá nhân, đơn vị nào không thực hiện khi xảy ra dịch bệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu trong nhà máy, xí nghiệp thực hiện tốt thì sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Đối với việc lấy mẫu, khu vực nào có F0, cần phong tỏa trong diện hẹp thì những thành viên trong gia đình đó phải được lấy 100% mẫu, không được để sót một ai. Tổ lấy mẫu từ cấp huyện về phải bàn giao và ghi rõ vùng có dịch nào, mẫu nào. Những mẫu này phải cho máy chạy và xét nghiệm trước để cho ra kết quả sớm nhất.

Được biết, hiện nay Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nội lực, khu cách ly F1 với công suất lớn, khoảng trên 1.000 người. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần sẵn sàng ngay mỗi cơ sở điều trị (bệnh viện) phải có khu thu dung, điều trị với những trường hợp đến khám bệnh có biểu hiện nghi ngờ.

"Việc trước mắt, các đơn vị chức năng sẽ hỗ trợ sát hơn Hà Nội trong vấn đề cách ly. Về lâu dài, chủng mới lần này lây lan nhanh hơn, kinh nghiệm phải là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tất cả những kinh nghiệm chống dịch cần được đúc kết lại, rút kinh nghiệm cho phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Hà Nội: Hỗ trợ gia đình nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở Ba Vì
Để chia sẻ cùng nạn nhân trong vụ sạt lở đất, UBND huyện Ba Vì đã hỗ trợ mỗi gia đình có người gặp nạn 28 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 80.000 tỉ đồng và đạt tỷ lệ hơn 13,7%, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024 vẫn là một thách thức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủng vi rút mới lây lan 1-2 ngày, Hà Nội lập khu cách ly sức chứa 1.000 người