Ngày 27.4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cà Mau đã diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác giữa các tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Ninh Bình giai đoạn 2017 – 2021.

Chương trình hợp tác giữa các tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu-Ninh Bình: Gặt hái nhiều kết quả tốt

Trần Khải | 27/04/2022, 12:19

Ngày 27.4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cà Mau đã diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác giữa các tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Ninh Bình giai đoạn 2017 – 2021.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua hơn 5 năm thực hiện Bản ghi nhớ, các cấp các ngành của 3 địa phương đã chủ động thực hiện khá tốt các nội dung thỏa thuận hợp tác; các hoạt động giao lưu, kết nghĩa rất có ý nghĩa, thiết thực. Đồng thời, qua những dịp gặp gỡ, làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần hợp tác cùng phát triển trên cơ sở lợi thế ở mỗi địa phương.

Qua đó, mối tình kết nghĩa Bắc - Nam nói chung, tình cảm sắt son, vững bền giữa các tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình càng thêm thắt chặt; nhắc nhở, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau tình cảm tốt đẹp mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân của 3 tỉnh đã dành cho nhau.

bi-thu-hai.jpg
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau phát biểu tại hội nghị

Đáng ghi nhận, sau khi ký kết chương trình hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực như đầu tư, phát triển kinh tế; hợp tác phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, thể thao, du lịch; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; an sinh xã hội; sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế biển…, các địa phương đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, giữa Cà Mau - Bạc Liêu đã phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ thủy sản; xúc tiến thương mại; phối hợp quản lý giống thủy sản, mua bán, trao đổi lúa giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Các tỉnh đã hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án OCOP, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để tham mưu cho hội đồng cấp tỉnh; học tập kinh nghiệm và thực hiện mô hình hợp tác xã cua biển Năm Căn (huyện Năm Căn).

Đồng thời, các địa phương đã phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật tàu cá tại tỉnh Bạc Liêu; phối hợp thực hiện trao đổi thông tin ở các địa bàn vùng giáp ranh để kiểm tra, xử lý ngăn chặn những đường dây khai thác, vận chuyển mua bán lâm sản, động vật rừng chuyên nghiệp và các đầu nậu cất giữ động vật rừng trái phép; quản lý tốt công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi.

dang-huong.jpg
Các đại biểu dự hội nghị dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Cà Mau

Tại tỉnh Ninh Bình, Cà Mau đã triển khai mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn vùng ven biển huyện Kim Sơn. Năm 2017, Cà Mau đã thực hiện mô hình này tại 1 hộ dân với quy mô 4ha, mật độ thả 6 con/m2, sau thời gian 5 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống đạt 35%, tôm đạt kích cỡ 30gr/con, năng suất đạt trên 600kg/ha. Năm 2018, Cà Mau tiếp tục tiển khai thực hiện mô hình tại 2 hộ dân với quy mô 4ha, mật độ thả 5 con/m2, sau thời gian 5 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 50%, tôm đạt kích cỡ 30gr/con, năng suất đạt trên 1.000kg/ha.

Có thể thấy mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng rất phù hợp với vùng ven biển huyện Kim Sơn, hiện nay người dân nơi đây ngoài nuôi tôm còn nuôi cua và một số loài khác dưới tán rừng.

Cùng với đó, Cà Mau đã tiếp nhận và sản xuất thử nghiệm giống lúa nếp cau của tỉnh Ninh Bình tại vùng sản xuất lúa-tôm và vùng sản xuất lúa mùa của tỉnh. Sau quá trình sản xuất thử nghiệm, các chuyên gia nhận thấy giống lúa nếp cau (Ninh Bình) là giống lúa đặc sản ở Miền Bắc (được công nhận giống quốc gia năm 1995) có thể phát triển được. Tuy nhiên, do đây là giống lúa cảm quang, thời gian sinh trưởng dài (mùa muộn), cao cây, dễ đổ ngã, chịu mặn kém, năng suất thấp nên khó bố trí mùa vụ trên các vùng canh tác lúa tỉnh Cà Mau. Để gieo trồng được giống lúa này ở những vùng lúa mùa của tỉnh Cà Mau, phải cải thiện tính trạng giống lúa để đạt một số đặc tính như dòng thấp cây, hơi cứng cây và thời gian chín tương đương với giống lúa tài nguyên Cà Mau (từ 135 - 140 ngày).

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh các bên sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ keo sơn, bền chặt, phát huy các thành quả đạt được từ Chương trình hợp tác giữa tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình giai đoạn 2017-2021. Cà Mau đã dự thảo Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025, đã lấy ý kiến và thống nhất của tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình. “Chương trình hợp tác được ký kết sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển của mỗi địa phương, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ, tình đoàn kết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, dịp này các tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình tiếp tục ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025 ở các lĩnh vực đầu tư; công thương; nông nghiệp; tài nguyên - môi trường; văn hóa, thể thao, du lịch; giao thông vận tải; khoa học - công nghệ; an sinh xã hội; giáo dục - đào tạo…

Bài liên quan
Chùm ảnh: Cận cảnh khô hạn ở vùng ngọt Cà Mau
Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún đất... làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình hợp tác giữa các tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu-Ninh Bình: Gặt hái nhiều kết quả tốt