Dù không học anh ngày nào và anh vẫn xem tôi như bạn (tôi nhỏ hơn anh 8 tuối), tôi vẫn luôn xem anh là thầy; bởi những bài học sinh động, ấn tượng về nghị lực phi thường từ cuộc đời bình dị của anh.

Chút kỷ niệm với thầy Nguyễn Ngọc Ký

Nguyễn Văn Mỹ | 29/09/2022, 18:45

Dù không học anh ngày nào và anh vẫn xem tôi như bạn (tôi nhỏ hơn anh 8 tuối), tôi vẫn luôn xem anh là thầy; bởi những bài học sinh động, ấn tượng về nghị lực phi thường từ cuộc đời bình dị của anh.

Không chỉ thiếu nhi mà cả phụ huynh ở miền Bắc từ những thập niên 1960, không ai không biết về Nguyễn Ngọc Ký (NNK). Với nghị lực phi thường, bền bỉ; cậu bé tật nguyền đã làm nên những câu chuyện “cổ tích ngày nay”.

Lứa tuổi quàng khăn đỏ xem NNK là thần tượng. Phụ huynh xem NNK là tấm gương tuyệt vời để răn dạy con cháu. Ở miền Nam, sau ngày hòa bình (30.4.1975), mọi người mới biết nhiều về NNK qua tự truyện “Tôi đi học” (xuất bản 1970, tái bản hàng chục lần) cùng rất nhiêu bài viết trên báo in, phát thanh, truyền hình.

Bị liệt hai tay từ nhỏ, cứ tưởng cuộc đời đã quay lưng nhưng NNK không đầu hàng số phận. Ký tập viết bằng chân, học và làm gì cũng giỏi, từng đạt giải 5 kỳ thi “Học sinh Giỏi Toán” toàn quốc năm 1963. Giỏi toán nhưng theo lời khuyên của thầy cô, Ký thi vào tổng hợp Văn, tốt nghiệp năm 1970 và về dạy học ở quê nhà Hải Hậu, Nam Định.

ky-tich.png
Thầy Nguyễn Ngọc Ký - Ảnh: P.V

NNK từng giành giải nhất cuộc thi “Đồ dùng dạy học” tỉnh Nam Định, là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả hàng chục đầu sách. Đầu những năm 1990, cuộc sống vừa thoát khỏi bao cấp nhưng vẫn rất cơ cực. Có người khuyên NNK nên Nam tiến. Đất Nam bộ màu mỡ, dân Nam bô hào nghĩa, dễ sống và phát huy sở trường.

Hè năm 1993, NNK vào Sài Gòn, trước là thăm người thân, sau là chơi cho biết. Qua bạn bè, tôi biết thầy NNK vừa vào Sài Gòn, đang tính chuyển hẳn vào thành phố sinh sống. Lúc đó, tôi đang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Đội (Thành Đoàn), Trưởng ban Quản trại Trại hè Thanh Đa (do Liên doàn Lao Động TP phối hợp Thành Đoàn Tổ chức, mỗi tuần một đợt, suốt 2 tháng).

Tôi bàn với anh em và bổ sung ngay nội dung “Găp gỡ và giao lưu với thầy NNK” vào chương trình trại hè, cho xe đưa đón thầy. Từ các em trại sinh đến phụ trách Đội và cả Ban Quản trại, ai nấy đều háo hức. Đây là môt trong những hoạt động được chờ đợi nhất.

Thầy đến, giản dị như không thể giản dị hơn với nụ cười lạc quan tỏa sáng. Thấy tận mắt, sờ tận tay, nghe thần tượng của mình kể chuyện. Những câu chuyện bình dị mà phi thường qua lối kể chuyện chân thực và hóm hỉnh, lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối. Thầy thường mang theo sách, trực tiếp ký tặng khán giả nhí.

Lần nào, trại hè cũng mời thầy ở lại dùng cơm chiều. Cánh phụ trách Đội cứ giành nhau phục vụ để xem thầy ăn cơm như thế nào. Dù đã xem phim nhưng vẫn không đã bằng việc tận mắt thấy. Từ viêc rửa chân trước khi ăn, lau mặt, lấy đồ ăn cho đến việc xỉa răng. Việc nào cũng thuần thục. Thời đó mà có iphone như bây giờ chắc livestream cháy máy.

Những năm đó, thầy luôn là diễn giả, nhân vật chính trong các hoạt động lớn của thiếu nhi thành phố, nhất là đại hội “Cháu Ngoan Bác Hồ” các quận huyện. Tôi cũng mời thầy về nhà dùng cơm với gia đình và một số bạn bè. Trong những buổi nói chuyện với phụ trách Đội, các bạn trẻ còn hỏi thầy thêm nhiều chuyện thú vị ngoài lề.

Thầy kể, mình không có tay, nên thường dùng vai hích vào người yêu thay vòng ôm. Chuyện thầy nên duyên với cô giáo trẻ, xinh đẹp Bùi Thị Nhiễu cũng hết sức gian nan. Cả hai phải nỗ lực gấp đôi, vượt qua mọi thành kiến của gia đình lẫn xã hội và nhờ nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913–2004) nói thêm, bảo lãnh với gia đình.

Hai vợ chồng trẻ còn nhận được món quà cưới là 4m vải lụa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người luôn quan tâm, dõi theo mọi hoạt động và có những lời khuyên gợi ý về nghề nghiệp của NNK. Vinh dự này không dễ gì có được. 

Xem phim và tận mắt thấy thầy làm việc gì cũng thành thạo. Nhiều chuyện người thường làm chưa chắc được. Từ việc riêng như vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo, cài khuy đến dùng gàu múc nước giếng, đánh răng, xỏ kim, vá quần áo… Đến việc phụ vợ, chăm con, đan lát, thái rau, nấu cám cho heo ăn. Rồi cắt kẽ chữ, làm đồ dùng dạy học, thao giảng với dụng cụ cải tiến, mày mò viết sách bằng chân... và...

Năm 1994, thầy đưa cả nhà vào Sài Gòn định cư. Cuộc sống hết sức khó khăn. Bạn bè và cả những người yêu mến thầy dù chưa gặp mặt hết lòng giúp đỡ. Bỏ qua mọi thủ tục nhiêu khê, thầy Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Gò Vấp nhận thầy NNK và cháu Ngọc Ánh (con gái đầu) về trường THCS Phan Tây Hồ; cháu Tuấn Anh (con út) vào học trường PTTH Nguyễn Công Trứ.

Thầy Nguyễn Đức Đại, Trưởng phòng Giáo dục quận 1 nhận cháu Thanh Hương về dạy trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Gò Vấp còn cấp đất và cùng bạn bè hỗ trợ gia đình xây nhà mới. Căn nhà cấp 4 nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và nhộn nhịp thân hữu ghé thăm. Thế Thanh, Tổng biên tập báo Phụ nữ thành phố lắp hẳn đường dây, tặng thầy chiếc điện thoại bàn mới cáo.

Khi cô Nhiễu bị tai biến, liệt nửa người. Thấy thầy vẫn lạc quan, có người đã viết tặng “Hai vợ chồng còn một tay. Vẫn yêu say đắm, vẫn đầy mộng mơ”. Năm 2001, trước khi qua đời, cô Nhiễu có nguyện vọng nhờ em ruột mình là Bùi Thị Đậu kế duyên, chăm sóc NNK. Tâm nguyện của mẹ Nhiễu được các con hết lòng ủng hộ. Cô Đậu thay chị mình làm cánh tay nối dài cuộc đời NNK.

Sau này, thầy dời nhà lên Thủ Đức. Anh em không gặp nhau nhưng thi thoảng vẫn điện thoại hỏi thăm. Mấy lần mời đi du lịch mà thầy chưa sắp xếp được. Hai tuần trước, thầy còn khoe là vừa được báo Người lao động ghé thăm và tặng quà trong chương trình “Mai vàng nhân ái”. Thầy hẹn, lúc nào khỏe, sẽ cùng cô du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc với Lửa Việt. Chưa kịp gặp nhau hàn huyên thì thầy ra đi đột ngột.

Đang ở Đà Lạt thì tin buồn đến, cùng lúc bão Noru ập tới. Trời suốt ngày âm u, chực chờ trút nước. Chỉ kịp ghé viếng thầy trước giờ động quan. Nhà thầy đầy hoa, tràn ra cả ngoài đường. Tôi chưa thấy thầy giáo bình thường nào về hưu có nhiều hoa như vậy. Có hoa của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, rất nhiều học trò và bạn đọc.

Cách đây hai tháng, thầy tâm sự “Mình ở quê 46 năm (1947-1993) vào Sài Gòn gần 30 năm (1993 -2022). Quê hương Nam Định đã sinh thành, nuôi dưỡng, cùng mình vượt bao gian nan và trưởng thành nhưng Sài Gòn là mảnh đất chắp cánh ước mơ cho mình và các con. Mình viết khỏe hơn, đi giao lưu, nói chuyện nhiều hơn, khắp các tỉnh Nam bộ”.

Ngọc Ánh nay là Hiệu trưởng THCS Nguyễn Văn Trỗi, Thanh Hương là Phó Hiệu trưởng tiểu học Lê Quí Đôn (hiện đã nghỉ việc); hai trường đều ở Gò Vấp. Tuấn Anh là giảng viên đại học Công Nghệ TPHCM. Di ảnh thầy để trước quan tài vẫn sáng mãi nụ cười lạc quan trong mọi hoàn cảnh, mạnh hơn cái chết. Thầy rời cõi tạm, về với cô ở chốn vĩnh hằng.

Thầy vẫn sống mãi với những tác phẩm để lại. Gần chục bài đọc, kể chuyện, tham khảo về NNK trong sách giáo khoa; là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thế hệ kế tiếp. Dù không học anh ngày nào và anh vẫn xem tôi như bạn (tôi nhỏ hơn anh 8 tuối), tôi vẫn luôn xem anh là thầy; bởi những bài học sinh động, ấn tượng về nghị lực phi thường từ cuộc đời bình dị của anh. 

Hội Điện Ảnh Việt Nam cần sớm có kế hoạch làm phim về cuộc đời huyền thoại NNK, khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ và khẳng định chân lý “Mọi việc đều có thể”, nếu đủ nghị lực và được cộng đồng tiếp sức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chút kỷ niệm với thầy Nguyễn Ngọc Ký