Về xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, hỏi nhà thờ cố soạn giả Trần Hữu Trang thì hầu như người dân nào cũng biết. Đây được xem là di tích văn hóa của tỉnh Tiền Giang nói riêng đồng thời là “cái nôi” của cải lương, niềm tự hào của người dân miền Tây. Thế nhưng, “di tích” này đang tồn tại như một phế tích.

Chuyện buồn ở di tích nhà thờ cố soạn giả Trần Hữu Trang

Một Thế Giới | 02/02/2016, 16:08

Về xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, hỏi nhà thờ cố soạn giả Trần Hữu Trang thì hầu như người dân nào cũng biết. Đây được xem là di tích văn hóa của tỉnh Tiền Giang nói riêng đồng thời là “cái nôi” của cải lương, niềm tự hào của người dân miền Tây. Thế nhưng, “di tích” này đang tồn tại như một phế tích.

Người nông dân thành soạn giả lừng danh

Hiện nay, tên của soạn giả Trần Hữu Trang được đặt thành tên đường, tên trường học không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác. Tên của ông còn được đặt tên cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và giải thưởng Trần Hữu Trang - một giải thưởng lớn trong lĩnh vực cải lương. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 vào năm 1996…

Ông Trần Hữu Trang sinh năm 1906 tại làng Phú Kiết, tổng Thạnh Quơn, huyện Chợ Gạo, tỉnh Định Tường (nay là ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Ông nội của ông thuộc tầng lớp trung lưu nhưng đến đời cha của ông thì gia đình rơi vào cảnh nghèo túng. Ông phải làm đủ các thứ nghề để giúp gia đình như đào đất, hốt mương, chèo ghe, vác lúa, bửa củi, lợp nhà… toàn là những công việc nặng nhọc.

Có lúc ông làm nghề “đò đạp”, tên nghề nghe lạ hoắc. Đó là chiếc ghe chuyên chở hành khách, hàng hóa đi từ Phú Kiết ra Mỹ Tho và ngược lại. Ngày xưa không có máy, người ta cũng không chèo mà… đạp, người dân gọi dạng ghe này là “đò đạp”.

Những người chế ra loại ghe này đã nghĩ cách lắp ráp đằng sau ghe một bộ phận như cái sa quạt nước trên đồng ruộng và 2 người đứng 2 bên đạp, tùy theo “sức đạp” mà con đò đi nhanh hay chậm. Có hôm gặp nước ngược, người đạp bở hơi tai nhưng con đò thì vẫn ì ạch nặng nề, trườn lên không nổi.

Có một thời gian ông chuyển qua nghề hớt tóc dạo, công việc có phần nhẹ nhàng nhưng ế ẩm. Ngày xưa nhà cửa thưa thớt, người dân phần nhiều nghèo túng, thanh niên không đủ điều kiện để o bế tóc tai như bây giờ. Có nhiều hôm ông lội bộ năm bảy cây số mà chưa hớt được cái đầu nào. Mưu sinh vất vả nhưng chẳng có nghề nào trụ được dài lâu.

Cho đến một hôm, nghệ sĩ Năm Châu về Phú Kiết thăm người dì ruột là mẹ của ông Tư Trang. Thấy ông Tư Trang cực khổ nhưng có khiếu về âm nhạc, ông Năm Châu rủ đi theo đoàn hát. Lúc mới vô đoàn hát, ông Tư Trang chỉ có nhiệm vụ chép tuồng, tức viết phân đoạn cho các đào kép, để mỗi người tự học cho thuộc phần ca, thoại của vai mình diễn.

Công việc này có phần nhàn nhã, nhưng ông vừa ghi chép vừa chú tâm học hỏi trong cách hành văn, phân đoạn cho một vở tuồng. Ông hăng say học hỏi, ban đầu mày mò tập làm quen với những chữ đờn “xáng ú liu, xề cộng liu…”, chẳng bao lâu ông đã biết cách soạn những bản vắn và biết cách phân nhịp.

Được soạn giả Mười Giảng và Năm Châu hướng dẫn dạy dỗ cách viết tuồng, năm 1928, ông cho ra mắt kịch bản đầu tay Lửa đỏ lòng son. Đến năm 1930, tài năng nghệ thuật của ông bật sáng rực rỡ.

Các vở như Đời cô LựuTô Ánh NguyệtLan và ĐiệpTìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụyKhi người điên biết yêu… không chỉ ăn khách trên các đoàn hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu, Thanh Minh mà còn là những sáng tác xuất sắc của sân khấu cải lương trước Cách mạng tháng Tám.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông hăng hái tham gia kháng chiến, thoát ly ra chiến khu Đồng Tháp Mười, rồi trở lại hoạt động trong tổ chức nội thành Sài Gòn núp dưới lớp vỏ của gánh hát “Con Tằm” chung với nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu.

Năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, rồi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Phú Kiết. Ông mất ở chiến khu miền Đông trong 1 trận bom oanh tạc của Mỹ giữa lúc sự nghiệp sáng tác còn đang sung sức, để lại hơn 30 kịch bản “đóng mộc” thương hiệu Trần Hữu Trang mà bất kỳ nghệ sĩ cải lương nào cũng đều ao ước được một lần thể hiện nhân vật trong tác phẩm của ông.

Chuyện buồn bên di tích

Một chiều tháng Chạp năm 2015, PV về ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết để gặp ông Trần Hữu Thường (soạn giả Việt Thường, sinh năm 1934) là con trai út của ông Tư Trang.

Tran Huu Trang, soan gia, di tich, nha tho, xuong cap, di tich van hoa 
Bàn thờ soạn giả Trần Hữu Trang
Soạn giả Việt Thường tiếp PV ngoài hành lang dùng để làm “phòng khách” của căn nhà tình nghĩa do Tổng công ty Lương thực miền Nam tặng cho gia đình cố soạn giả Trần Hữu Trang vào năm 2010. Soạn giả Việt Thường đã già yếu, mắt đã mờ, hàng ngày quanh quẩn trong vườn nhà, nhang khói cho cha…

PV: Thưa ông, căn nhà này là được công nhận là di tích văn hóa của tỉnh Tiền Giang, vậy có khác gì so với căn nhà cũ?

Soạn giả Việt Thường (cười buồn): “Phong căn nhà này là di tích văn hóa của tỉnh chắc là để… an ủi gia đình. Thật ra căn nhà này như bao căn nhà tình nghĩa khác, có gì để phân biệt là di tích văn hóa đâu?

Năm 2010, xã Phú Kiết có trực tiếp đưa cho tôi 30 triệu đồng của Tổng công ty Lương thực miền Nam gởi tặng để làm nhà tình nghĩa. Gia đình gom góp thêm tiền để xây cất rộng thêm một chút. Bên trong không dùng để làm nơi sinh hoạt gia đình mà chỉ dành làm nơi hương khói. Nói là di tích văn hóa thì không xứng tầm.

Nhà này xây dựng theo nguyên bản căn nhà cũ của cố soạn giả hay là theo mẫu mới, thưa ông?

- Trong một trận bom oanh tạc của phi cơ Mỹ ở chiến trường Tây Ninh vào tháng 10 năm 1966, cha tôi hy sinh. 2 năm sau, năm 1968, căn nhà tại vị trí này bị giặc đốt cháy rụi. Không riêng gì nhà của cha tôi, cả xóm có rất nhiều nhà bị đốt.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi trở về thì cảnh vật xa lạ, cái nền nhà còn không biết nằm ở chỗ nào. Lúc mới trở về, bà con trong xóm người một tay dựng tạm cái chòi để có chỗ che mưa nắng. Đến năm 1979, xã Phú Kiết có cất tặng cho gia đình 1 căn nhà tình nghĩa để có nơi nhang khói cho cha tôi.

Hồi đó thiếu thốn lắm, dù được địa phương tận tình giúp đỡ nhưng vật liệu không được tốt nên căn nhà xuống cấp rất nhanh, lúc mưa to gió lớn không dám ở trong nhà, cột kèo xiêu vẹo, không biết đổ sập xuống lúc nào. Đến năm 2010 thì được tặng căn nhà tình nghĩa này. Nhà ngày xưa nhỏ hơn, làm bằng gỗ, còn nhà này là nhà bê tông.

Sau khi được phong di tích, các cơ quan chức năng có chăm sóc, tu bổ gì thêm không, thưa ông?

- Có các anh em ở xã thỉnh thoảng tới thăm nhưng với tư cách con cháu trong nhà thôi. Còn ở tỉnh thì tôi không thấy, cũng không nhớ mặt và biết mặt ai. Có lần đám giỗ cha tôi có cả lẵng hoa của lãnh đạo tỉnh. Tôi ngạc nhiên hỏi thì mới biết do soạn giả Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Long An) về đây thắp nhang cho cha tôi, thấy cảnh đìu hiu nên ông gọi điện cho các đồng nghiệp ở Tiền Giang, vì vậy mà đám giỗ có cả hoa của lãnh đạo.

Soạn giả Trần Hữu Trang đóng góp quá lớn, vậy giỗ chạp, địa phương tham gia hỗ trợ thế nào?

- Chủ yếu là anh chị em nghệ sĩ ở TP.HCM và một số địa phương kéo nhau về tự tổ chức. Tôi thì già yếu quá nên nhờ các đồng nghiệp hết. Mà các đồng nghiệp thì người mất người còn. Các thế hệ đàn em của cha tôi cũng già yếu hết nên không thể chu toàn được.

Năm trước, nhà văn Mặc Tuyền ở Long An về đây, tự tổ chức giỗ, đông vui lắm. Các con của tôi vì sinh kế, mỗi người một nơi. Mấy người con ở Sài Gòn nhiều lần muốn rước tôi về để tiện bề chăm sóc nhưng vì đây là nhà thờ nên tôi quyết định ở lại quê nhà để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng và lo hương khói cho ông bà, cha mẹ.
Xin cảm ơn ông!

Trương Văn Cung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
12 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện buồn ở di tích nhà thờ cố soạn giả Trần Hữu Trang