Hẳn ít ai biết rằng thời Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Hồng quân Liên Xô từng có một lực lượng chó chống tăng hùng hậu. Hàng nghìn con chó đã anh dũng hi sinh để tiêu diệt xe tăng địch… Đó là những chú chó thông minh, gan dạ, quả cảm được gọi là “tử thần xe tăng”, “chó cảm tử quân”, “mìn sống”, “mìn bốn chân”… Chung quy, tên gọi chính thức của chúng trong biên chế quân đội Xô viết là chó chống tăng.

Chuyện chó chống tăng của Liên Xô trong thế chiến thứ 2

21/02/2018, 07:55

Hẳn ít ai biết rằng thời Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Hồng quân Liên Xô từng có một lực lượng chó chống tăng hùng hậu. Hàng nghìn con chó đã anh dũng hi sinh để tiêu diệt xe tăng địch… Đó là những chú chó thông minh, gan dạ, quả cảm được gọi là “tử thần xe tăng”, “chó cảm tử quân”, “mìn sống”, “mìn bốn chân”… Chung quy, tên gọi chính thức của chúng trong biên chế quân đội Xô viết là chó chống tăng.

Chó chống tăng - Ảnh: Internet

Những quả mìn di động

Chó được sử dụng rộng rãi trong các đơn vị Hồng quân. Từ năm 1919, nhà khuyển học nổi tiếng V. Yazykov đã đề xuất ý tưởng sử dụng chó cho các mục đích quân sự. 5 năm sau đó, trường huấn luyện quân khuyển đầu tiên được thành lập tại nước Nga Xô viết. Không chỉ dạy chó, trường còn đào tạo cả những sĩ quan, chiến sĩ sử dụng quân khuyển trong thực tiễn về sau. Đến năm 1941, trường được tặng thưởng huân chương Sao đỏ, với 11 khoa đào tạo, huấn luyện chó vận tải (kéo xe trượt tuyết), chó cứu thương (mang bông băng, thuốc men đến với các chiến sĩ bị thương đang nằm trên trận địa), chó liên lạc (mang thư từ, mệnh lệnh đến các đơn vị chiến đấu), chó dò mìn, chó biệt kích (đeo mìn, bộc phá đến các mục tiêu cần tấn công), chó trinh sát, thám báo, v.v., và đặc biệt nhất trong số đó là chuyên ngành đào tạo chó chống tăng.

Ý tưởng dùng chó đeo mìn lao vào xe tăng địch xuất hiện từ năm 1930, do trung sĩ Ivan Shoshin, một học viên sử dụng quân khuyển đề xuất. Thời kỳ đó, kỹ thuật chế tạo xe tăng và xe bọc thép có nhiều tiến bộ rõ rệt. Vì thế, kỹ thuật và chiến thuật chống tăng cũng cần được cải tiến. Thời bấy giờ, biện pháp chống tăng phổ biến nhất là rải mìn chống xe bánh xích. Tuy nhiên, chiến thuật này hiệu quả không cao – lượng mìn hao tốn rất nhiều mà xác suất xe tăng trúng mìn rất thấp, và một số nhược điểm khác.

Lần nọ, trong đầu Shoshin xuất hiện một loạt câu hỏi: “Tại sao mìn phải nằm một chỗ chờ xe tăng? Tại sao không chế tạo một loại mìn di động, có thể tự tìm đến xe tăng để tiêu diệt?”. Lúc đó, người Nhật đã sử dụng chiến thuật “bom người”, tức cho cảm tử quân ôm mìn lao vào xe tăng địch. Người Đức cũng đã chế tạo “mìn bò”, di chuyển trên bánh xích mini, chạy bằng động cơ… dây cót. Nhưng chiến sĩ ôm mìn có thể bị bắn chết trước khi kịp lao vào xe tăng, còn mìn bò thì rất không chính xác: chỉ cần một chút mấp mô trên địa hình là mìn có thể bị bò chệch hướng cần thiết, hoặc có khi hết cót trước khi đến được mục tiêu.

Rất mê ý tưởng của Shoshin nên Sergey Nitz, cũng là một học viên sử dụng quân khuyển, mày mò tìm cách chế tạo loại mìn đặc biệt dành cho chó chống tăng. Lúc đầu, mìn được thiết kế hình yên ngựa, đặt trên lưng chó, buộc chặt bằng hai sợi đai vòng qua bụng. Nhưng trong quá trình di chuyển, chiếc “yên” có thể bị lệch sang một bên hông, thậm chí có khi bị “treo” ngay dưới bụng, khiến chó khó di chuyển. Về sau, họ chế ra loại mìn đôi, đặt hai bên hông chó, kết nối bằng đai vòng qua lưng và bụng. Điểm đặc biệt của loại mìn dành cho chó là có dây nụ xòe, khi đã chui được vào gầm xe tăng, chó sẽ cắn đầu dây, giật mạnh cho mìn nổ. Về sau, các chuyên gia chế tạo được loại mìn có kíp nổ hoạt động theo cơ chế kích nổ do va chạm nên không cần phải giật dây nụ xòe. Ưu điểm của phương pháp này nằm ở chỗ vỏ thép gầm xe rất mỏng (phần vỏ dày được ưu tiên cho thân xe và tháp pháo, những nơi dễ bị tấn công nhất), vì vậy chỉ cần một lượng chất nổ không lớn (vừa với sức mang của chó) là đủ để phá hủy chiếc xe tăng theo kiểu “phá từ bên trong” và tiêu diệt hoàn toàn tổ lái.

Gian nan tập luyện cho trận đánh duy nhất trong đời

Khi Chiến tranh Vệ quốc mới bắt đầu, đã có 60.000 con chó phục vụ trong các đơn vị Hồng quân. Hưởng ứng lệnh tổng động viên sức người sức của, rất nhiều gia đình hiến tặng những con chó của mình, cho chúng “tòng quân, nhập ngũ” tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có tất cả 168 trung đoàn quân khuyển, trong đó có 12 tiểu đoàn chó chống tăng, được phiên chế theo phương thức “một chó một chủ”, nghĩa là mỗi con chó đều có riêng một chiến sĩ chuyên chăm sóc, huấn luyện và sử dụng trong chiến đấu. Ngoài ra, ở mỗi đại đội bộ binh đều có khoảng 50 – 60 con chó chống tăng.

Đào tạo, huấn luyện chó chống tăng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và phương pháp khoa học. Thời bình, một khóa đào tạo kéo dài trung bình 6 tháng, còn thời chiến, do yêu cầu của chiến trường, chó chống tăng được đào tạo cấp tốc trong vòng ba tháng. Phương pháp huấn luyện chủ yếu dựa trên cơ chế phản xạ bản năng đối với thức ăn. Ban đầu, chó được cho ăn ngay bên cạnh xe tăng, sau đó là dưới gầm xe tăng, rồi dưới gầm xe tăng có nổ máy, gầm rú. Xe tăng dùng để huấn luyện chó chống tăng được thiết kế có những ngăn chứa thức ăn bên dưới gầm; người ta để cho chó thật đói rồi thả ra, chúng tự khắc chui vào gầm xe tăng để tìm kiếm thức ăn. Nhưng khi chui được vào gầm xe, chó phải thực hiện thao tác giật dây nụ xòe thì các ngăn thức ăn mới mở ra. Bài học ngày càng khó dần theo mỗi giai đoạn huấn luyện, cho đến khi chó có thể chui vào gầm xe tăng đang chạy để kiếm thức ăn, cuối cùng là chui vào gầm những chiếc xe tăng đang vừa chạy vừa bắn đạn đại liên và nã pháo (cũng để kiếm thức ăn, theo bản năng, tất nhiên rồi).

Nhưng chó cũng mỗi con một tính một nết, mức độ bản lĩnh cũng khác nhau. Đặc biệt loài chó rất sợ tiếng nổ. Vì thế, không phải con chó nào được chọn đưa vào huấn luyện cũng vượt qua được mọi thử thách. Những con bị loại từ “binh chủng” chó chống tăng được đưa vào huấn luyện cho những mục đích khác như liên lạc, cứu thương, trinh sát, dò mìn… Số phận của chó chống tăng rất đặc biệt: mỗi con chỉ có thể tham gia chiến đấu một lần trong đời…

Những “tử thần 4 chân”

Suốt thời gian Chiến tranh Vệ quốc, có hơn 500 chiếc xe tăng Đức bị tiêu diệt bởi chó chống tăng của Hồng quân. Tính về thành tích chiến dịch, có 18 cuộc tấn công quy mô lớn bằng xe tăng của quân Đức bị chặn đứng nhờ công phần lớn của chó chống tăng. Ngày 22.7.1942, tại mặt trận Tây Nam thành phố Rostov trên sông Đông, khi 150 chiếc xe tăng Đức kèm một trung đoàn môtô-súng máy thọc sâu vào hậu tuyến Hồng quân, 64 chó chống tăng đã xung trận và tiêu diệt được 34 xe tăng địch, pháo chống tăng và mìn của Hồng quân diệt thêm gần 60 chiếc nữa, khiến quân Đức thua to.

Chó chống tăng được sử dụng trong các chiến dịch bảo vệ Moscow, giải phóng Varonhezh, vây hãm Stalingrad, đại tăng chiến Kursk… Cần biết rằng, lính xe tăng Đức rất sợ chó chống tăng của Nga, vì dù có trông thấy chúng cũng không thể bắn hạ bằng pháo tầm xa, mà mở nắp tháp pháo ngoi lên để bắn bằng súng tiểu liên thì không khéo bản thân mình sẽ lãnh đạn của đối phương. Ngoài ra, do chó chạy nhanh, chạy ngoằn ngoèo nên rất khó bắn trúng. Hơn nữa, trên địa hình đồng cỏ hay đồng lúa mì, chó chạy ở dưới thấp, rất khó phát hiện. Có một giai thoại chưa rõ thực hư thế nào – ở một trận đánh trong chiến dịch tấn công Moscow, một lực lượng lớn xe tăng Đức đã phải quay đầu bỏ chạy khi nhìn thấy một bầy chó trên cánh đồng phía trước, mà thực ra đó chỉ là chó chạy rông chứ chẳng phải chó chống tăng gì ráo.

Chó chống tăng cũng tham gia hóa giải những tình huống tưởng chừng ngàn cân treo sợi tóc. Trong trận đánh ngày 21.7.1942 ở làng Chaltyr gần thành phố Rostov, 40 chiếc xe tăng Đức tấn công trực diện lữ đoàn 68 thủy quân lục chiến của Nga, trong đó 12 chiếc vượt qua được phòng tuyến chống tăng, tiến như vũ bão đến gần sát sở chỉ huy. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Lập tức 56 chú chó chống tăng được thả ra. Toàn bộ 12 chiếc tăng trở thành những đống sắt vô dụng…

Chó chống tăng hoạt động rất hiệu quả trong những trận chiến nội thành, vì chúng có thể luồn lách qua các đống đổ nát rồi bất ngờ xuất hiện trước mặt địch quân khiến kẻ thù trở tay không kịp. Trong chiến dịch Stalingrad, tiểu đoàn chó chống tăng số 28 do thượng úy Anatoly Kunin chỉ huy đã tiêu diệt được 63 xe tăng và gần 100 xe bọc thép của quân Đức, cùng với đó là khoảng 500 tên địch. Kunin được phong Anh hùng ngay trong chiến dịch. Tuy nhiên, mức tổn thất của đơn vị cũng rất lớn: chỉ trong vòng 3 tháng, đã có 148 chú chó chống tăng phải hi sinh thân mình để tiêu diệt địch.

Quân Đức rất sợ thứ “vũ khí bốn chân” này của Hồng quân nên chủ trương tiêu diệt tất tần tật chó trong vùng đóng quân hay trên đường hành quân, bất kể chó hoang hay chó nhà. Các nhà khuyển học Đức đã phải dụng công nghiên cứu các biện pháp đối phó với chó chống tăng, lập ra bảng hướng dẫn, phổ biến đến từng đơn vị quân Đức. Họ còn có sáng kiến dùng vỉ lưới thép che chắn đằng trước và đằng sau gầm xe tăng để chó chống tăng không thể chui được vào gầm. Nhưng biện pháp này không mấy hiệu quả, vì khi xe di chuyển trên địa hình không bằng phẳng thì các vật cản có thể làm méo mó, biến dạng, cong vênh vỉ lưới, như vậy chó vẫn chui được vào như thường.

Những anh hùng vô danh

Đáng tiếc là thời chiến tranh, không ai nghĩ đến việc thống kê số chó chống tăng đã hi sinh trong những trận đánh đẫm máu, góp phần làm nên chiến thắng của Hồng quân. Thậm chí tên gọi của chúng cũng không được ghi chép lại – trong hồ sơ phiên chế các đơn vị chó chống tăng, mỗi chiến sĩ bốn chân ấy chỉ được ghi nhận bằng những số hiệu khô khan, thí dụ: “Chó X-401, thuộc quyền điều khiển của chiến sĩ A”, v.v. Tuy nhiên, năm 2010, tại quảng trường “Chiến sĩ” ở thành phố Volgagrad (trước kia là Stalingrad), người ta đã dựng tượng đài tôn vinh, tưởng niệm những chú chó chống tăng anh dũng trong Chiến tranh Vệ quốc, với hình mẫu là chú chó mà trung tướng Chuykov, tư lệnh chiến dịch Stalingrad, đã đích thân trao tặng thượng úy anh hùng Kunin (chú chó này sau đó cũng đã hi sinh trong một trận đánh đẫm máu, tiêu diệt một xe tăng địch). Từ đó đến nay, hàng năm, vào dịp kỷ niệm giải phóng Stalingrad hay kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, người dân Volgagrad lại đến đặt hoa dưới chân tượng đài này để nhớ ơn những chiến sĩ bốn chân đã hi sinh để góp phần bảo vệ Tổ quốc…

Phạm Bá Thủy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chó chống tăng của Liên Xô trong thế chiến thứ 2