Mới đây, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về việc chuyển đổi số trong các ngành và lĩnh vực đặc thù.

Chuyển đổi số trong ngành y tế: Đơn giản nhưng vẫn khó thực hiện

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 22/03/2022, 23:10

Mới đây, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về việc chuyển đổi số trong các ngành và lĩnh vực đặc thù.

Trong đó, ngành y tế là lĩnh vực hàng đầu được ưu tiên chuyển đổi số trong Chiến lược phát triển Kinh tế số, Xã hội số. Với nhiều nền tảng, ứng dụng được xây dựng trong thời gian qua, ngành y tế có thể coi như một trong những đơn vị đi đầu về chuyển đổi số trong cả nước, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã tạo bước nhảy dài cho chuyển đổi số trong y tế

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Nam - Phó cục trưởng cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết việc chuyển đổi số ngành y tế đã được tập trung triển khai trước khi diễn ra đại dịch COVID-19 và trong dịch, quá trình chuyển đổi số từ cấp địa phương đến trung ương càng diễn ra nhanh chóng khi toàn bộ người dân cùng ngành y tế chống chọi với dịch bệnh.

Hàng loạt các ứng dụng công nghệ đã được triển khai nhanh chóng và người dân cài đặt, sử dụng mạnh mẽ để khai báo y tế sức khỏe cộng đồng, khám chữa bệnh quan internet... Sự ra đời của các nền tảng số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác “chống dịch như chống giặc”, ngoài ra còn là giải pháp giúp sàng lọc không tiếp xúc người nhiễm bệnh COVID-19, đồng thời giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân.

Việc sử dụng các nền tảng số trong ngành y tế đã giúp hệ thống y tế được triển khai đồng loạt, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giúp nâng cao chuyên môn các bệnh viện. “Đây có thể xem như thành tựu rất lớn của ngành y tế khi thực hiện việc kết nối liên thông trong 2 năm trong khi các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc phải mất đến 10 năm. Ngoài ra, hiện 100% các bệnh viện đã có hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, trong đó 18 bệnh viện đã sử dụng bệnh án điện tử thay hoàn toàn cho bệnh án giấy. Đây chính là nền tảng bước đầu để xây dựng bệnh viện thông minh. Đại dịch COVID-19 có thể coi là cú hích để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các nền tảng trong thời gian nhanh nhất để phục vụ chống dịch. Thậm chí có phần mềm chỉ viết trong 1 tuần và tiếp tục hoàn thiện dần trong điều kiện cả xã hội thực hiện giãn cách và khôi phục nền kinh tế sau khi mở cửa” - ông Nam chia sẻ.

chuyen-doi-so-y-te.jpg
Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế

Theo bà Lê Thúy Anh - Bệnh viện Vinmec (Hà Nội), hiện nay mô hình khám chữa bệnh của ngành y tế nước ta đang thay đổi rất nhiều. Đặc biệt việc phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo để bác sĩ có thể sàng lọc bệnh nhân nhanh nhất. Ví dụ như trẻ em bị viêm tai mũi họng, sắp tới không phải đến bệnh viện chờ đợi, mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ, bác sĩ sẽ thăm khám trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ và chẩn đoán, trong 24 giờ tới cần uống thuốc hay chăm sóc như thế nào, nếu mẹ không có thuốc thì bệnh viện sẽ cấp thuốc về nhà.

"Hiện nay, xu thế công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ từ các cơ sở y tế trong và ngoài công lập khiến cho người bệnh có cơ hội được lựa chọn được đúng bác sĩ của mình. Giúp cho mọi hoạt động của bệnh viện nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn, từ đó làm tăng sự hài lòng người bệnh nhiều hơn. Hơn nữa, công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay đang chuyển dần sang hướng điều trị cá thể hóa. Muốn làm được điều này, các bệnh viện cần phải có dữ liệu để từ đó phân tích, đưa ra giải pháp điều trị phù hợp với từng cá nhân. Sự chuyển đổi mạnh mẽ trong công nghệ đã góp phần cho toàn bộ từ nhân viên đến bệnh viện đều phải thay đổi để phù hợp hơn với chính người bệnh", bà Anh cho hay.

Chuyển đổi số 4.0 nhưng vẫn thiếu mối liên hệ tổng thể

Là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế ghi nhận thành công lớn trong việc chuyển đổi số đơn vị khi chuyển hoàn toàn bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, PGS-TS Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng cho rằng việc chuyển đổi hiện nay ở các bệnh viện mới chỉ dừng ở mức cục bộ, thiếu hẳn một mối liên hệ tổng thể giữa các bệnh viện với nhau. Khi người dân chỉ đi khám tại một bệnh viện, các hồ sơ, giấy tờ được thực hiện rất nhanh chóng từ việc khai hồ sơ, bệnh lý đến việc khám chữa bệnh, đơn thuốc, theo dõi... Tuy nhiên, điều đó chỉ thực hiện tại một bệnh viện, nhưng nếu đưa hồ sơ giấy tờ đó sang một bệnh viện khác thì lại không thực hiện được, thậm chí còn phải bắt đầu lại từ đầu.

Mỗi ngày có hàng trăm triệu thông tin sức khỏe từ các bệnh nhân khác nhau, nhưng vẫn bị phân tán lẻ tẻ ở từng bệnh viện và thiếu các quy định pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu y tế trong quá trình thu thập, khai thác, chia sẻ. Thêm vào đó, đến nay Bộ Y tế cũng chưa lên được tiêu chuẩn chung để có thể xây dựng cơ sở dữ liệu trập trung quốc gia, đề xuất một hồ sơ bệnh án tiêu chuẩn chia sẻ thế nào. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng hiện nay Việt Nam đã có đầy đủ các nhân tố tiềm năng để phát triển thị trường công nghệ y tế số, tuy nhiên vẫn chưa có một hướng đi cụ thể để tránh lãng phí ngân sách, lãng phí nhân lực và thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số ngành y tế.

Ông Nguyễn Trường Nam cũng thừa nhận rằng y tế là lĩnh vực đặc thù với kho dữ liệu khổng lồ. Việc quản lý hồ sơ bệnh nhân chưa thành hệ thống, không liên thông giữa các bệnh viện khối trung ương, giữa trung ương và địa phương, thậm chí hồ sơ khám bệnh bị cắt nát, lưu giữ ở các cơ sở khác nhau dẫn đến lãng phí kết quả khám nghiệm y tế. Hiện nay, điều quan trọng nhất của ngành y tế chính là hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. 

Hiện nay, nhà nước đã mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới, việc khám chữa bệnh qua các tính năng, ứng dụng từ điện thoại thông minh cho tới các thiết bị y tế di động đều được người dân sử dụng một cách thường xuyên và nhiều hơn. Chính vì thế việc tập trung các cơ sở dữ liệu không chỉ là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số y tế, mà còn giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể khai thác được tiềm năng to lớn của dữ liệu để xây dựng những sản phẩm số mang hệ thống riêng của Việt Nam. Tầm nhìn của chuyển đổi số trong ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong ngành y tế: Đơn giản nhưng vẫn khó thực hiện