Không dùng nội tệ, không điện thoại, internet, không tự ý quay phim, chụp ảnh..., những yêu cầu nghiêm ngặt đó khiến chúng tôi đến Triều Tiên với tâm trạng phấn khích, tò mò xen lẫn hồi hộp.

Chuyến du lịch Triều Tiên 'nhớ đời' của một cô gái Việt

Vnexpress | 18/02/2017, 23:07

Không dùng nội tệ, không điện thoại, internet, không tự ý quay phim, chụp ảnh..., những yêu cầu nghiêm ngặt đó khiến chúng tôi đến Triều Tiên với tâm trạng phấn khích, tò mò xen lẫn hồi hộp.

Huyền Trang (Phú Thọ) và nhóm bạn có chuyến du lịch Triều Tiên năm 2016. Dưới đây là những điều ấn tượng của cô sau chuyến đi.

Từ Hà Nội, chúng tôi chọn bay hãng Hong Kong Airlines và chấp nhận quá cảnh 7 tiếng ở Hong Kong trước khi đến Bắc Kinh vì giá vé rẻ hơn gần 300 USD so với bay thẳng đến thủ đô Trung Quốc. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ra ga Nam Bắc Kinh và mua vé tàu lên Đan Đông.

Vượt cầu biên giới hữu nghị Trung – Triều, tàu chậm rãi đi tới ga Tân Nghĩa Châu thuộc tỉnh Bình An Bắc của Triều Tiên. Tại đây, có hai nhân viên lên khoang chúng tôi nằm và tiến hành kiểm tra hộ chiếu, visa. Triều Tiên không cấp visa đóng dấu vào hộ chiếu như các quốc gia khác, mà là một visa chung ghi rõ “Thẻ du lịch” của “Công ty du lịch quốc tế Triều Tiên - Bình Nhưỡng. Tức 6 thành viên có chung một thẻ visa duy nhất, trên đó dán ảnh từng người kèm thông tin về mã số vào Triều Tiên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, công việc, số hộ chiếu và thời hạn du lịch...

Sau đó, mỗi người một công việc khám xét, đặc biệt là điện thoại, máy tính và các loại liên quan đến sách vở, văn hóa phẩm và vali hành lý của từng người trong đoàn. Sau 2 tiếng, chúng tôi đã nhận được cái gật đầu bước chân vào xứ sở lạ kỳ nhất thế giới.

Người dân vào viếng đài tưởng niệm Lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.

Sùng bái lãnh tụ và hướng dẫn viên luôn cận kề giám sát

Tàu đến Bình Nhưỡng, đón chúng tôi với nụ cười thân thiện là nữ hướng dẫn viên Choe Un Mi. Ngay sau đó, chúng tôi tiến thẳng đến đồi Mansudae để thăm tượng đài hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Tại đây, Choe khuyến cáo: không được có hành động thiếu nghiêm túc, phải dâng hoa và cúi người hành lễ trước khi chụp ảnh, phải chụp ảnh toàn cảnh có hai bức tượng chứ không được chụp chi tiết hoặc chụp tách riêng mỗi tượng... Trong khi chúng tôi chụp ảnh lưu niệm thì có hai người cầm máy ảnh, đứng từ phía xa âm thầm chụp lại hình ảnh của chúng tôi.

Trong 4 ngày ở Triều Tiên, trừ thời gian chúng tôi sinh hoạt ở khách sạn Koryo, mọi hoạt động tham quan đều được Choe giám sát sát sao. Nhớ đêm cuối cùng ở Bình Nhưỡng, biết khách sạn Koryo có bar trên tầng cao nhất, chúng tôi hào hứng với việc trải nghiệm quán bar ở Triều Tiên. Nhưng, quán bar khiến chúng tôi thoáng chút bất ngờ, thực chất nó như một quán cà phê, nhưng thú vị ở chỗ bar này xoay 360 độ, từ đây có thể nhìn toàn cảnh Bình Nhưỡng từ trên cao. Chúng tôi không được phép chụp ảnh từ điểm cao này, bởi theo lời giải thích của Choe, từ đây có thể thấy trụ sở làm việc của Chủ tịch Kim Jong-un.

Ngày tiếp theo chúng tôi đi thăm “làng đình chiến” Bàn Môn Điếm. Khoảng hơn 50 km nữa mới tới vĩ tuyến 38 phân cách với Hàn Quốc, nhưng chúng tôi đã bị cấm chụp ảnh, đặc biệt ảnh lính Triều Tiên. Cả chặng đường, duy nhất điểm du khách được phép chụp ảnh là ban công tầng 3 của tòa nhà sát biên giới Hàn Quốc và dĩ nhiên chỉ được phép chụp hình ảnh khu quân sự phía Hàn Quốc, không được chụp khu quân sự của Triều Tiên. Những yêu cầu khắt khe này khiến chúng tôi đôi khi cảm thấy không thoải mái. Không chỉ ở Bàn Môn Điếm, mà việc di chuyển ngoài đường, chúng tôi cũng được khuyến cáo không được phép chụp ảnh quân lính, bộ đội.

Người dân thân thiện, dễ mến

May mắn là trong dịp này, chúng tôi được tham dự lễ hội bia Taedonggang Bình Nhưỡng – lễ hội bia lớn nhất trong năm của đất nước này. Cảm giác uống bia tươi với đồ nhắm, lắc lư theo những bản nhạc ca ngợi đất nước và lãnh tụ vĩ đại của người dân Triều Tiên thật sự thú vị. Trên sân khấu, các tiết mục văn nghệ và cuộc thi uống bia rộn ràng có khả năng khuấy động đám đông, còn dưới sân khấu người dân Triều Tiên nắm tay nhau nhảy múa say mê. Biết chúng tôi là du khách, họ niềm nở mời nhảy múa cùng. Đối với tôi, thời gian được đắm mình, hòa nhập vào cuộc sống của người dân Triều Tiên lúc ấy chính là trải nghiệm thú vị nhất, đáng nhớ nhất.

Ngươi dân Triều Tiên say mê múa hát trong lễ hội bia.

Không chỉ ở Bình Nhưỡng, người dân tại những địa phương khác nơi chúng tôi đi qua như Khai Thành, Mi Cốc... đều rất thân thiện, vui vẻ dù cuộc sống còn nhiều vẻ khó khăn.

Trẻ em – mối quan tâm đặc biệt

Trong chuyến đi này, chúng tôi được chứng thực một điều: Triều Tiên luôn dành sự đầu tư đặc biệt cho trẻ em, ít nhất là trẻ em Bình Nhưỡng. Tại Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng, chúng tôi được dẫn tham quan những lớp học ngoại khóa dành cho nhiều lứa tuổi. Đó là các lớp đàn, sáo, trống, múa balê, thêu, thư pháp, thể thao với phần biểu diễn đỉnh cao như những nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Ngồi trên ôtô di chuyển tới các vùng quê của Triều Tiên, chúng tôi bắt gặp ở các điểm trường hoặc khu sinh hoạt công cộng, trẻ em nô nức vui chơi, vùng vẫy tắm táp dù đồng hồ đã nhích sang 12 hoặc 1 giờ trưa.

Cơ sở hạ tầng đáng nể

Một điều không thể phủ nhận, cơ sở hạ tầng của Bình Nhưỡng rất tốt: 6 làn đường rộng thênh thang, quy hoạch chỉn chu, nhà cửa xây dựng vuông vức, thẳng hàng lối. Đặc biệt, nơi này chính là xứ sở của hầm và cầu. Chỉ tính riêng đoạn đường gần 100 km từ Bình Nhưỡng đi Bàn Môn Điếm, đã có tới hơn 40 hầm đường bộ.

Triều Tiên có rất nhiều công trình hoành tráng, ví dụ như sân vận động May Day thuộc hàng lớn nhất thế giới với 150.000 chỗ ngồi; sân vận động trong nhà 20.000 chỗ ngồi; khách sạn Ryugyong – một biểu tượng mới của Bình Nhưỡng hình kim tự tháp trong tư thế lao vút lên không gian, nhưng vẫn đang trong tình trạng xây dựng dang dở; hay tàu điện ngầm hiện đại dưới độ sâu 100 m.

Giao thông và nhịp sống chậm dãi

Phương tiện di chuyển duy nhất của khách du lịch là ôtô của công ty lữ hành. Còn người dân Bình Nhưỡng chủ yếu dùng xe đạp hoặc phương tiện công cộng, phổ biến như tàu điện ngầm, xe điện. Ở các bến xe điện, người xếp hàng ngay ngắn, trật tự đợi lên xe. Rất hiếm gặp xe máy ở Bình Nhưỡng. Chúng tôi đều có chung cảm nhận, cuộc sống của người dân Triều Tiên diễn ra rất chậm dãi, bình thản, thể hiện ngay ở việc sử dụng các phương tiện di chuyển.

Tàu điện ngầm ở Triều Tiên.

Khách nước ngoài nói "không" với chợ bản địa, nội tệ

Dù ngỏ lời, nhưng chúng tôi vẫn bị từ chối dẫn tới chợ dành riêng cho người dân Triều Tiên. Họ quy định, khách nước ngoài chỉ được phép tới siêu thị, cửa hàng dành riêng cho người nước ngoài. Những nhu yếu phẩm thân thuộc của Việt Nam cũng xuất hiện trên các kệ ở siêu thị này.

Ẩm thực của Triều Tiên gần giống Hàn Quốc. Tất cả bữa ăn của khách du lịch đều được chuẩn bị trước, theo sự sắp xếp của công ty lữ hành.

Điều đặc biệt, khách nước ngoài không được sử dụng tiền nội tệ, mà phải dùng Nhân dân tệ hoặc Đô la Mỹ.

Kiểm tra siêu kỹ càng trước lúc tạm biệt

Trở lại biên giới Tân Nghĩa Châu bằng tàu liên vận Trung – Triều, các nhân viên tiếp tục kiểm tra tư trang cá nhân của từng khách du lịch. Họ xem từng tấm ảnh trong điện thoại, máy ảnh, máy tính, thẻ nhớ. Thậm chí, phòng trường hợp chúng tôi cất giấu thẻ nhớ trong hành lý, họ “lục soát” từng chiếc áo, túi quần. Thậm chí những món đồ lưu niệm mua tại Bình Nhưỡng vẫn nguyên niêm phong cũng được tháo mở, kiểm tra bên trong kỹ càng. Cuối cùng, các nhân viên ở cửa khẩu đã đồng ý cho chúng tôi xuất cảnh, không quên cái bắt tay thân thiện và nụ cười nghiêm cẩn trên môi.

Theo Huyền Trang/ VNE
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyến du lịch Triều Tiên 'nhớ đời' của một cô gái Việt