Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) tại một số nước có thể gặp khó vì nhiều lý do.

Chuyên gia nhận định về những khó khăn ở khâu phê chuẩn Hiệp định RCEP

Cẩm Bình | 19/11/2020, 11:31

Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) tại một số nước có thể gặp khó vì nhiều lý do.

Ngày 15.11, 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chính thức ký kết RCEP tạo nên khối thương mại lớn nhất thế giới. Hiệp định bước vào giai đoạn chờ quốc hội của mỗi nước thành viên phê chuẩn.

Lễ ký kết thể hiện sự đồng thuận cuối cùng giữa 15 chính quyền đương nhiệm, tuy nhiên tiếng nói phản đối vẫn có khả năng xuất hiện tại quốc hội mỗi nước. Giới phân tích nhận định Úc, Malaysia, Thái Lan sẽ trì hoãn phê chuẩn.

rcep00.jpg
Lễ ký kết RCEP - Ảnh: EPA

Lý do gây trì hoãn ở Úc là mối quan hệ với Trung Quốc đang rất xấu. Chính quyền Canberra loại bỏ Huawei khỏi mạng lưới 5G quốc gia, kêu gọi điều tra nguồn gốc vi rút gây bệnh COVID-19 cũng như chỉ trích luật an ninh áp đặt với Hồng Kông. Phía Bắc Kinh đáp trả bằng hạn chế nhập hàng hóa Úc, kéo dài thời gian thông quan, bắt giữ công dân Úc.

Theo chuyên gia Nick Marro thuộc công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit (EIU): “Úc đang vướng vào xung đột thương mại gay gắt với Trung Quốc, vì vậy quá trình phê chuẩn khá khó khăn. Trong nước hiện có lo ngại về vấn đề quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc”.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với Hàn Quốc và Nhật Bản. Quan hệ song phương giữa hai nước xấu đi từ cuối năm 2019 do chính quyền Tokyo áp đặt hạn chế nhập khẩu lên vài loại hóa chất cần thiết cho hoạt động sản xuất hàng điện tử của nước láng giềng. Vấn đề lãnh thổ cũng vì chuyện thương mại mà trở thành điểm nóng.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Hàn Quốc, Nhật Bản với Trung Quốc vài năm qua cũng “lung lay”, chuyên gia Marro nhận xét.

rcep01.jpg
Quá trình phê chuẩn khó khăn không kém quá trình đàm phán - Ảnh: Reuters

Chuyên gia Marro cũng cho rằng ASEAN - lâu nay đàm phán RCEP với tư cách 1 khối thống nhất - mong muốn tự do hóa thương mại mạnh mẽ hơn các nước tham gia khác. Việc phê chuẩn tại Việt Nam, Brunei, Singapore sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

Nhưng không thể mong chờ Malaysia nhanh chóng làm vậy. Họ từng ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng lại trì hoãn phê chuẩn rất lâu. Hiện tại tình hình chính trị của nước này không ổn định, tranh giành quyền lực diễn ra gay gắt.

Thái Lan thì cứ luôn do dự. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trước đó tỏ ý tham gia CPTPP nhưng sự nhiệt tình sau đó cứ tắt dần.

“Malaysia đến nay chưa phê chuẩn CPTPP, ý định gia nhập của Thái Lan lung lay. Sự do dự có thể lan sang RCEP. Đây là kịch bản xấu nhất”, theo chuyên gia Marro.

Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á Deborah Elms chỉ ra một lý do khác khiến Úc thường chậm phê chuẩn thỏa thuận thương mại: quy trình phức tạp với công tác đánh giá tác động khả dĩ, trình qua hàng loạt ủy ban đặc biệt, đọc trước quốc hội nhiều lần,… Các nước ASEAN ký RCEP nhiều khả năng đều phê chuẩn trong năm 2021.

“RCEP có hiệu lực sau 60 ngày tính từ lúc nước phê chuẩn cuối cùng thông báo cho Ban thư ký ASEAN. Để đúng hạn chót tháng 1.2022, 15 nước thành viên đều cần phê chuẩn trước ngày 1.11.2021”, theo bà Elms.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia nhận định về những khó khăn ở khâu phê chuẩn Hiệp định RCEP