Lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và được dự đoán sẽ còn tăng cao khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, FTA sẽ khiến cho dòng FDI có chất lượng cao hơn và chuyển giao công nghệ nhiều hơn cho Việt Nam.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Thương mại tự do khiến dòng vốn FDI có chất lượng hơn

Một Thế Giới | 05/01/2016, 15:24

Lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và được dự đoán sẽ còn tăng cao khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, FTA sẽ khiến cho dòng FDI có chất lượng cao hơn và chuyển giao công nghệ nhiều hơn cho Việt Nam.

FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều

Việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do cũng là cơ hội để thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng dự án ngày càng lớn thì chất lượng của luồng đầu tư nước ngoài này là vấn đề khiến nhiều chuyên gia “đau đầu”.
Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2015 cả nước có 2.013 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,578 tỉ USD. Có 814 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,18 tỉ USD, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản…
Hiện nay cũng đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với 702 dự án cấp mới và 260 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,72 tỉ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 51 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,46 tỉ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư đăng ký.
FDI đang được xem là một kênh đầu tư có tác động khá tích cực và làm thay đổi hoạt động kinh doanh, cũng như tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư công nghệ tiên tiến còn khá ít, các dự án FDI chỉ tập trung ở ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ cần vốn lớn nhưng mức độ lan tỏa công nghệ thấp.
Bên cạnh đó là tình trạng chuyển giá và trốn thuế với tỷ lệ 20-30% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ liên tiếp trong nhiều năm, cơ cấu đầu tư chưa cân đối, gây ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều và không ít doanh nghiệp FDI chiếm thế độc quyền trong một số ngành.
Khi tham gia vào các FTA, Việt Nam kỳ vọng sẽ nhận được luồng đầu tư FDI có chất lượng hơn và nhanh chóng chuyển giao công nghệ - điều mà trước nay các doanh nghiệp FDI chưa thực hiện hoặc thực hiện rất khiêm tốn với Việt Nam.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các FTA sẽ tạo ra được cơ hội thu hút các dòng đầu tư FDI mới, có chất lượng cao hơn và có thể chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia vào được chuỗi cung ứng.

Theo bà Lan, từ trước đến nay, đầu tư chủ yếu ở trong khu vực, rất ít nhân tố chuyển giao công nghệ và ít nhân tố tạo tác động lan tỏa đến kinh tế Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam hình thành riêng một khu vực đầu tư nước ngoài với rất nhiều ưu đãi nhưng họ hoạt động biệt lập, không gắn với nền sản xuất trong nước.

“Họ vẫn làm ra lợi nhuận nên vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhưng phần lợi nhuận đó lại được họ chuyển về nước mình, cái để lại cho nền kinh tế không được bao nhiêu về giá trị”, bà Phạm Chi Lan cho hay.

Bà Lan nói thêm, khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, chúng ta kỳ vọng luồng đầu tư mới sẽ thay đổi về chất so với trước đó.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, các FTA thế hệ cũng góp phần thúc đẩy nguồn vốn FDI vào Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, khi FDI vào Việt Nam thì phải nghiên cứu từng dự án, xem đâu là ích lợi, đâu là tác hại đối với nền kinh tế, có ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực với cộng đồng trong nước… mà quyết định chứ không thể quyết định bừa bãi.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Kiến Thành, cần phải có cơ chế, thỏa thuận kỹ càng về vấn đề chuyển giao công nghệ giữa các đối tác FDI và phía doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất để có thể vận hành được công nghệ đã chuyển giao.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các FTA sẽ thúc đẩy hơn nữa các dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có tận dụng được lợi thế để sở hữu công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng của họ được hay không lại là vấn đề khác.

"Việc các doanh nghiệp FDI “né” chuyển giao công nghệ cho Việt Nam có nhiều nguyên nhân nhưng trước tiên, chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ, không có giải pháp để ràng buộc họ phải chuyển giao công nghệ", TS Lưu Bích Hồ nói.
TS Hồ nói thêm rằng, nguyên nhân còn do chúng ta quản lý hết sức lỏng lẻo và ham thu hút, ham việc tạo ra sản phẩm để tăng GDP, tăng xuất khẩu mà không cần để ý đến chất lượng xuất khẩu đó như thế nào.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
9 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Thương mại tự do khiến dòng vốn FDI có chất lượng hơn