Chuyên gia tâm lý lên tiếng kêu gọi ngừng chia sẻ clip nam sinh Hà Nội nhảy lầu vì hành động này đang gây tổn thương thêm gia đình nạn nhân và tác động tiêu cực đến những người đang có ý định tự tử.
Tối 1.4, sau sự việc nam sinh L.N.N.M (16 tuổi, trú P.Phú La, Q.Hà Đông, Hà Nội) nhảy từ tầng 28 ở một chung cư và tử vong thương tâm, mạng xã hội đã chia sẻ đoạn video ghi lại sự việc đau lòng và bức thư tuyệt mệnh nam sinh để lại khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Nhiều người sau đó đã lên tiếng kêu gọi hãy ngừng chia sẻ video và nội dung bức thư tuyệt mệnh này. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo rằng hành động chia sẻ này khiến gia đình thêm đau xót và hoang mang cho dư luận, và cần dừng ngay việc chia sẻ.
"Hành động chia sẻ video nam sinh lớp 10 tự tử là rất phản cảm. Nó gây ra nỗi đau mất mát cho những người thân trong gia đình của nạn nhân. Bên cạnh đó, đối với những đứa trẻ đang ở trong cùng hoàn cảnh hoặc cảm xúc tương tự, video này sẽ khiến chúng nghĩ rằng nếu bản thân tự tử thì cũng được xã hội quan tâm, chú ý, như vậy sẽ dẫn đến một loạt hành động tự tử khác", PGS-TS Trần Thành Nam nhấn mạnh khi biết video về nam sinh lớp 10 tự tử đang được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội.
Cùng một vấn đề, trên Thanh Niên, PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng đây không phải là lần đầu chúng ta chứng kiến những câu chuyện đau lòng như vậy. Với học sinh ở lứa tuổi vị thành niên, các em mang tâm lý muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình. Thêm vào đó, các em mới trải qua một giai đoạn đầy áp lực do dịch bệnh, lại đối diện với tương lai cũng đầy áp lực, kết hợp cùng với tính chất dễ bị tổn thương của lứa tuổi.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, cách phụ huynh có thể nhận ra sớm các dấu hiệu như con thỉnh thoảng nói rằng: "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu", hay "Chả có gì quan trọng cả", "Mọi việc đều vô ích thôi", hoặc "Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói"...
Mặt khác, phụ huynh cũng có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như: sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự và nói sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý; tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm các hành động như để trả ơn bố mẹ...
Trước đó, trẻ có thể có những dấu hiệu trầm cảm như: thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình, và bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; cẩu thả trong cách ăn mặc; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học; hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, thường liên hệ đến sự xúc động, như đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi; mất hứng thú về những thú vui cá nhân.
Ngoài ra, những dấu hiệu nghiêm trọng hơn mà phụ huynh có thể nhận ra như: con nói đùa sẽ chết, viết truyện viết thơ về cái chết, có những hành vi tự hủy hoại (như cắt tay, dùng tàn thuốc dí vào tay) hay hành vi liều lĩnh, nói tạm biệt với gia đình, tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử.
Sau cùng, PGS-TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, chúng ta có thể giúp các em hiểu rằng mỗi người có thể có một nỗi buồn chính đáng, mọi người xung quanh cũng có những nỗi buồn riêng nhưng mỗi người đều có cách giải quyết vấn đề của mình có kết quả, cần phải tìm ra một giải pháp tích cực cho vấn đề của mình.
Cũng theo PGS-TS Trần Thành Nam, trong 2 năm qua, trẻ em ở nhà vì dịch bệnh nên đã tích lũy nhiều cảm xúc tiêu cực. Khi đi học trực tiếp trở lại, trẻ cần được hỗ trợ để kết nối với môi trường mới.
"Nếu xem con cái của chúng ta là 'sự nghiệp' thì phụ huynh cần chú ý đến các con nhiều hơn. Bố mẹ cần nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần để phát hiện sớm những dấu hiệu tổn thương của con. Và khi nhận diện được các dấu hiệu đó thì chúng ta phải biết cách thức hành động phù hợp, đặc biệt với những trẻ đang có ý định tự tử", ông Nam nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công an Q.Hà Đông cho biết, cơ quan này đang truy tìm người phát tán, chia sẻ đoạn clip và bức thư tuyệt mệnh liên quan vụ nam sinh rơi từ tầng cao.
Theo vị đại diện, vụ việc quá đau lòng và xót xa, ảnh hưởng nhiều đến gia đình nam sinh.
Trong khi đó, chia sẻ trên Dân Trí, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho rằng đây là một sự việc đau lòng, gây ám ảnh cho tất cả, đặc biệt là những người thân trong gia đình nam sinh. Mọi người nên nhận thấy đây là một lời cảnh tỉnh, một bài học đau lòng chứ không nên tiếp cận sự việc dưới góc độ một vụ việc giật gân, hút view.
Theo luật sư Lực, ứng xử của rất nhiều người hiện nay là tuyên truyền bằng cách đưa hình ảnh, video về vụ việc đau lòng này kèm theo những bình xét, vô hình trung sẽ khiến cho người thân của nam sinh thêm đau lòng, khắc sâu thiệt hại mất mát, thương tổn của gia đình.
Những gì truyền đưa trên mạng xã hội sẽ "lưu vết" mãi mãi, trừ khi không còn kết nối internet nữa. Trong vụ việc này, clip ghi lại toàn bộ diễn tiến của việc nam sinh nhảy lầu, thái độ phản ứng của người cha... được xác định là các bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Hành động chia sẻ video, lá thư tuyệt mệnh được xác định là: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi vi phạm này được quy định tại khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Đối với những người sử dụng mạng xã hội mà có hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn"; Được xác định là hành vi vi phạm điểm c, khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.