Liên tiếp 2 vụ học sinh tự tử về những áp lực trong học tập, ngày 2.4.2022, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký công văn yêu cầu không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài.
Theo đó, UBND Hà Nội ban hành kế hoạch nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do COVID-19 và các nguyên nhân khác.
Về giáo dục, ông Chử Xuân Dũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục - đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp. "Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời", kế hoạch nêu rõ.
Hiện nay, Hà Nội đang phản ứng quá chậm trong việc cho trẻ tới trường để học trực tiếp, đặc biệt là đối với các học sinh đang học mầm non, tiểu học. Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia tâm lý giáo dục PGS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết học sinh chủ yếu giao tiếp với bạn bè, thầy cô khi đi học. Việc học sinh học online lâu dài dễ khiến trẻ rơi vào trạng thái hụt hẫng, áp lực và mệt mỏi. Đưa ra dẫn chứng cụ thể, PGS Phạm Mạnh Hà cho hay thống kê gần đây của Bệnh viện sức khỏe tâm thần cho thấy tỷ lệ học, sinh sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Theo đó, PGS Phạm Mạnh Hà cho rằng cần phải có lộ trình để đưa 100% trẻ tới trường.
Trước sự việc đang rúng động dư luận là một học sinh lớp 10, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tự tử khiến nhiều người bàng hoàng. Nhiều phụ huynh đã phải giật mình xem lại những vấn đề về học hành, áp lực của con em mình khi không được đi học quá lâu. Việc các trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) khuyên các phụ huynh không cần đợi tiêm đủ mới cho trẻ tới trường. "Theo tôi là không cần tiêm mới cho trẻ đi học, tiêm xong rồi trẻ cũng bị mắc COVID-19 như thường. Thực tế có thể thấy hiện nay các trẻ mắc COVID-19 đều có triệu chứng rất nhẹ, chuyện đi học không liên quan gì tới tiêm chủng cả. Bây giờ học sinh ở nhà nhưng người lớn bị nhiễm COVID-19 thì trẻ con cũng bị lây, nên đi học với ở nhà không quyết định nhiều tới việc trẻ có bị nhiễm COVID-19 hay không. Việc cho trẻ tới trường là rất quan trọng, cần thiết. Hiện riêng ở TP.HCM, theo tôi tìm hiểu, các em học sinh đi học bị nhiễm COVID-19 thì chưa có trường hợp nào ảnh hưởng tới tính mạng, các em dương tính thì sẽ được nghỉ học ở nhà", bác sĩ Khanh nói.
Đưa ra ý kiến của mình trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non, không nên chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đến trường. "Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà. Hiện ở nhiều quốc gia, đối với trẻ chưa tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin, các nhà chức trách cũng đã cho phép và hối thúc trẻ tới trường để tránh các hệ lụy đáng tiếc sau đó", ông Phu cho hay.