Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, có rất nhiều thủ đoạn lừa đảo bằng các hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hứa hẹn lãi suất cao… người dân cần hết sức cảnh giác.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo núp dưới vỏ bọc là những doanh nhân giàu có, đi xe hơi sang trọng, đắt tiền, có mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao để chiếm đoạt tiền góp vốn đầu tư vào các dự án tỉ đô của các giám đốc, người quản lý doanh nghiệp.
Hình thức lừa đảo hợp tác kinh doanh của các đối tượng là một thủ đoạn khá mới. Và cho dù các bị hại có lưu lại được sao kê chuyển khoản cho các đối tượng, nhưng để khẳng định hành vi của chúng là lừa đảo thì không phải là chuyện dễ dàng.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, hiện nay, nắm bắt được nhu cầu mong muốn đầu tư, kinh doanh của người dân, nhiều đối tượng đã xây dựng, biến tướng việc hợp tác đầu tư thành các chiêu trò, thủ đoạn, mánh khóe để lừa đảo tài sản.
Các đối tượng lựa chọn hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư nhằm mục đích né tránh các trách nhiệm hình sự, dựa vào lý do các bên tự nguyện thỏa thuận, cùng làm ăn, đầu tư chung trên nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu. Vì thế, khi thất thoát, thua lỗ thì cùng chịu chung cứ không thể quy trách nhiệm cho phía công ty.
Ông Hùng cho rằng dưới góc độ luật pháp, các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo vẫn có rất nhiều dấu hiệu hình sự rất rõ ràng. Cụ thể, thông tin về dự án hợp tác đầu tư là gian dối. Nhiều trường hợp ký kết hợp đồng nội dung không rõ ràng, không có thông tin gì về dự án như vị trí, tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư, thời hạn triển khai và không có các giấy tờ pháp lý gì liên quan dự án.
“Thực tế thông tin là ảo, không có thật. Thậm chí rằng dự án đầu tư vốn rất thấp, nhưng cố tình lợi dụng để vẽ vời dự án, huy động vốn lên gấp cả trăm, nghìn lần. Các đối tượng cố tình lập lờ, không rõ ràng về thông tin dự án, hợp tác đầu tư. Chính vì thế, các đối tượng không hề có việc ghi chép, báo cáo thuế gì về hoạt động kinh doanh cả”, ông Hùng nói.
Luật sư Hùng cũng cho biết một dấu hiệu khác là họ thường vẽ vời, cam kết lợi nhuận rất lớn. Về nguyên tắc lợi nhuận chỉ được tính khi lấy tổng doanh thu trừ đi các chi phí giá vốn, quản lý, lãi ngân hàng, chi phí vận hành. Như vậy, lợi nhuận chỉ biết được sau một chu kỳ kinh doanh (có thể tính theo năm tài chính hoặc một chu kỳ vận hành của dự án). Từ cơ sở này có thể khẳng định rằng các bên cam kết về lợi nhuận tối thiểu, cam kết về lãi suất đều không có căn cứ, gian dối, không có cơ sở thực hiện.
“Thậm chí nhiều đối tượng cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30% hoặc có những trường hợp lên đến 50-70%/năm. Đây là những chiêu trò khá phổ biến để các đối tượng khiến cho người dân tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo người dân ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là "hứa hẹn" không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, một chiêu trò nữa là nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của công ty hoặc nộp bằng tiền mặt (ghi nhận bằng phiếu thu tiền).
Theo luật sư, với hình thức này thì thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích.
“Việc mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn các trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước. Vì vậy, nhiều vụ vỡ lở chúng ta thấy số tiền thiệt hại lên đến cả trăm, nghìn tỉ đồng”, ông Hùng nói.
Thêm nữa, với những dự án lừa đảo thường không có bộ máy kiểm soát, vận hành liên quan dự án. Vì thế không có bất cứ thông tin gì về việc triển khai hoạt động kinh doanh của công ty. Những người góp vốn mù tịt thông tin, thậm chí không biết gì về hoạt động kinh doanh thực tế.
Một dấu hiệu khác là không có sổ sách, kế toán, ghi chép gì về việc kinh doanh, đầu tư, nguồn tiền, chi phí... hoặc ghi chép không rõ ràng, không theo luật kế toán. Vì thế, không biết nguồn tiền thu được chi phí mục đích gì.
Ngoài ra, theo luật sư Hùng, còn tình trạng sử dụng sai mục đích dòng tiền thu được; chủ yếu dùng trả nợ, trả lãi cho người trước, sử dụng vào tiêu dùng cá nhân dẫn đến thất thoát, mất khả năng thanh khoản, không còn khả năng trả nợ.
“Với các dấu hiệu như trên, rõ ràng vẫn có đủ căn cứ chứng minh các dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng các hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư”, luật sư Hùng nói.