Theo quan sát của người nước ngoài, chuyện giáo dục giới tính và giải đáp tình dục ở Việt Nam là điều khó nói nhưng giới trẻ muốn phá bỏ rào cản này. Một Thế Giới dịch bài viết trên CNA dựa theo nguồn của AFP.

Chuyện giáo dục giới tính và tình dục ở Việt Nam qua con mắt người nước ngoài

09/06/2020, 07:50

Theo quan sát của người nước ngoài, chuyện giáo dục giới tính và giải đáp tình dục ở Việt Nam là điều khó nói nhưng giới trẻ muốn phá bỏ rào cản này. Một Thế Giới dịch bài viết trên CNA dựa theo nguồn của AFP.

Một buổi học ngoại khóa về chủ đề tình dục ở Việt Nam - Ảnh: AFP

Rào cản trong tư duy

Hương đã hai lần phá thai trong hai năm. Không ai từng nói chuyện với Hương về chủ đề tình dục: Không phải cha mẹ cô, không phải giáo viên của cô - và bạn bè của Hương biết cũng rất ít như Hương.

"Em đã rất sợ hãi khi phát hiện ra mình có thai... Em nghĩ rằng nếu chúng em được nói về tình dục an toàn, chúng em sẽ không rơi vào cái bẫy này", cô gái 20 tuổi giải thích.

Hương không phải trường hợp duy nhất. Các chuyên gia cho biết việc thiếu giáo dục giới tính ở nhà hoặc ở trường học tại Việt Nam đã dẫn đến một số người phải tìm đến phá thai như một hình thức giải thoát bế tắc.

Nói về tình dục là "chủ đề cấm kỵ", Linh, cô gái 23 tuổi cho rằng cần thay đổi tư duy lỗi thời ở nơi không có thói quen cởi mở khi bàn về tình dục hay giới tính.

Việt Nam đang là nước có dân số trẻ và nhu cầu tình dục của giới trẻ hiện giờ đã dần phá vỡ các rào cản bảo thủ trong quá khứ. Hiện đã xuất hiện các ứng dụng hẹn hò trong khi bao cao su và thuốc phá thai là thứ được mua dễ dàng.

Nhưng khoảng cách tư duy giữa các thế hệ đã khiến nhiều người trong giới trẻ không được cung cấp thông tin và sự trợ giúp khi đối mặt với nhu cầu giới tính trong cơ thể phát triển.

Phụ huynh tránh xa chủ đề tình dục và xã hội "không có ý niệm thế nào là giáo dục giới tính và làm điều đó như thế nào", theo lời Linh. Các giáo viên môn sinh học của Linh trước đây cố gắng lảng tránh việc dạy về bộ phận sinh sản mà không giải thích giới tính là gì đối với các học sinh 13 tuổi đang rất tò mò.

Cùng với ba người bạn ở độ tuổi 20, Linh điều hành chương trình giáo dục giới tính WeGrow Edu tại một cơ sở ở Hà Nội, nơi họ gói những hộp quà chứa đầy băng vệ sinh, que thử thai và bao cao su - cũng như hướng dẫn quan trọng để gửi cho các bạn trẻ.

"Không khó để tránh thai ở Việt Nam nhưng sự kỳ thị xã hội xung quanh chuyện này quá nặng nề", cô nói với AFP.

Tỷ lệ phá thai đáng sợ

Từ các buổi hướng dẫn về cách sử dụng bao cao su đến các cuộc thảo luận sâu sắc hơn về vai trò tình dục, các lớp học của WeGrow Edu nhằm mục đích cung cấp thông tin cần thiết cho giới trẻ Việt Nam

Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam thực thi chính sách mỗi gia đình có từ một đến hai con nhưng có ít thông tin toàn diện về sức khỏe sinh sản cho người chưa lập gia đình.

Điều đó dẫn đến Việt Nam là một trong những nơi có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, theo tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe tình dục của Viện Alan Guttmacher.

Chương trình hai con không còn được duy trì trong những năm gần đây và bao cao su hiện giờ có sẵn ở hầu hết các siêu thị và nhà thuốc với giá rất rẻ. Trong khi đó, thuốc phá thai – thường do bác sĩ kê đơn - cũng được bán lan tràn ở hiệu thuốc.

Tỷ lệ phá thai, mặc dù giảm, vẫn còn cao, các chuyên gia kế hoạch hóa gia đình nói với AFP.

Hồi năm 2005, có 100 ca phá thai cho mỗi 100 em bé được sinh ra, theo dữ liệu của Bộ Y tế do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) trích dẫn. Nghĩa là cứ 1 em bé ra đời thì có 1 em bé không có cơ hội chào đời vì bị phá thai.

Đến năm 2019, con số chính thức đã giảm xuống còn 12. Nhưng UNFPA cho biết con số thực tế có thể cao hơn do một phần tư các vụ phá thai được thực hiện trong các cơ sở tư nhân.

Hương nói rằng không biết phải làm gì khi phát hiện ra mình mang thai lần đầu ở tuổi 16, sau khi quan hệ tình dục với một anh bạn và phải nhờ người chị quen biết giúp đỡ đưa đi phá thai chui.

"Thực sự rất đau. (Sau) tôi cảm thấy... thật bất an và trống rỗng", Hương nói về lần phá thai tại một phòng khám tư.

Sau đó, Hương đã biết một chút về các biện pháp tránh thai khi hẹn hò với bạn trai của mình, nhưng không đủ để ngăn ngừa việc cô mang thai lần nữa ở tuổi 18. Lần này, Hương có thể dùng thuốc phá thai để xử lý dễ dàng hơn.

Phụ huynh và giáo viên lảng tránh

Nguyễn Văn Công, một bác sĩ 33 tuổi và là người sáng lập chương trình giáo dục sức khỏe We Are Grown Up, cho biết nhóm của anh đã giảng dạy cho hàng ngàn học sinh về tình dục an toàn và kiểm soát sinh sản để chống lại "xu hướng đáng lo ngại" là coi "phá thai" như một biện pháp tránh thai".

Trong khi xã hội đã trở nên dễ dãi hơn và những người trẻ tuổi đã loại bỏ những điều cấm kị xung quanh việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, Công tin rằng phụ huynh và giáo viên "luôn rụt rè" khi thảo luận về chủ đề này vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”.

Công nói chuyện về giáo dục giới tính tại một trường học ở Hà Nội, nơi thanh thiếu niên được khuyến khích thảo luận mọi thứ, từ thủ dâm và các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến tránh thai. Đó là điều cần thiết cho các bạn trẻ.

"(Người lớn) hầu hết lảng tránh nói chuyện với chúng em về chủ đề này", Ngô Quang Huy, 17 tuổi, nói.

Một báo cáo hồi tháng 2 cho biết các chương tình và thực tiễn giáo dục giới tính của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế và hầu như không đề cập các vấn đề về đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới.

WeGrow Edu, được tài trợ một phần bởi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, hiện đang làm việc với khoảng 20 trường học tại Hà Nội.

Mỗi hộp quà của chương trình giáo dục giới tính WeGrow Edu có giá khoảng 50 USD, khá cao với thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam. Linh cho biết nhu cầu của giới trẻ Việt Nam với hộp quà giáo dục giới tính rất cao.

"Ngay cả bạn bè của tôi, khi lần đầu tiên nhận được hộp quà, họ thú nhận rằng đây là lần đầu tiên họ chạm vào bao cao su", Linh kể "Và hầu hết mọi người đều thế cả".

Anh Tú (theo CNA/AFP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện giáo dục giới tính và tình dục ở Việt Nam qua con mắt người nước ngoài