Nhân việc Quốc hội Cuba bầu cử chủ tịch Hội đồng Nhà nước mới thay ông Raul Castro Ruz, báo điện tử Một Thế giới có bài phỏng vấn với cựu nhà báo Nguyễn Nhân, người đã học tập và công tác ở Cuba với tư cách phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam, và sau này trở thành quan chức Bộ Văn hóa có nhiều lần sang Cuba họp liên chính phủ…

Chuyển giao quyền lực ở Cuba: Những chuyển động nhìn từ bên trong

20/04/2018, 10:11

Nhân việc Quốc hội Cuba bầu cử chủ tịch Hội đồng Nhà nước mới thay ông Raul Castro Ruz, báo điện tử Một Thế giới có bài phỏng vấn với cựu nhà báo Nguyễn Nhân, người đã học tập và công tác ở Cuba với tư cách phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam, và sau này trở thành quan chức Bộ Văn hóa có nhiều lần sang Cuba họp liên chính phủ…

Ông Raul Castro (phải) và ông Miguel Diaz-Canel tại một phiên họp của Quốc hội Cuba

Ông Miguel Diaz-Canel được bầu làm Chủ tịch Cuba

- Nghe tin Cuba có Chủ tịch Hội đồng Nhà nước mới, là người đã học đại học và có thời gian công tác ở Cuba, ông nghĩ gì?

Sau thời gian học tập, công tác ở Cuba, bản thân tôi khi về nước cũng nhiều lần sang tham gia họp liên chính phủ ở Cuba, tôi rất vui vì đó là sự khởi đầu cho quá trình chuyển đổi ở đây. Trước đó, có sự chuyển giao quyền lực khác từ Fidel sang Raul, nhiều người vẫn nghĩ đó là chế độ độc tài, anh truyền em nối.

Thế nhưng, với quyết định của Raul chuyển giao một phần quyền lực cho người ngoài dòng họ Castro, hứa hẹn một sự chuyển đổi lớn.

- Ông có nghĩ đây sẽ là khởi đầu của sự thay đổi lớn về chính trị - kinh tế ở Cuba?

Tôi nghĩ ông Raul đã ngoài 80 tuổi rồi, và tôi nghĩ cần có một bộ não trẻ hơn điều hành về kinh tế. Còn chính trị, khi Raul vẫn còn (theo lý thuyết đến 2021 khi đại hội ĐCS Cuba diễn ra) Cuba vẫn đi theo chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, đối với ông Raul, người mà tôi đã gặp nhiều lần, gặp từ khi còn là phóng viên thường trú của Đài tiếng nói Việt Nam, tôi lại càng vui. Tuy là anh em cùng cha khác mẹ với Fidel, nhưng ông Raul có mẹ là người gốc Trung Quốc. Thế nên, không chỉ tầm vóc nhỏ bé so với ông anh (mẹ gốc Tây Ban Nha), Raul có tính cách mềm dẻo hơn rất nhiều. Có dòng máu châu Á, Raul là người biết lắng nghe, và qua nhiều lần qua Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, ông rất thích Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều này thể hiện trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Cuba vừa rồi, Raul đã đồng ý cùng đi với ông Trọng trên một chuyên cơ, bay từ La Habana đến Santiago viếng mộ Fidel.

Trước đây, ông Raul đã nhiều lần nhắc tới việc ông sẽ nghỉ và chuyển giao quyền lực cho người khác, và đây có lẽ là thời điểm phù hợp nhất. Ông đã già, và đất nước Cuba cần những người lãnh đạo trẻ hơn để đưa Cuba tiến lên chủ nghĩa xã hội. Họ vẫn kiên định với CNXH, chưa chấp nhân kinh tế thị trường, nhưng đã có những mở cửa để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn của cả một thời kỳ dài bị cấm vận.

Cựu nhà báo Nguyễn Nhân

- Ông nói đến thời điểm phù hợp, liệu điều này có liên quan đến chính sách của Tổng thống Trump, đi ngược lại những gì mà cựu Tổng thống Obama đã mở ra với Cuba, và người dân và lãnh đạo Cuba thực sự bị cụt hứng? Cần có một người mới để thúc đẩy lại sự bình thường hóa quan hệ với Mỹ?

Trong quá trình ông Raul làm Chủ tịch HĐNN, ông đã có công trong bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cũng như Obama cũng đã được ghi vào lịch sử với chuyến thăm Cuba đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống Trump lên, rõ ràng đi ngược lại. Đó là tính chất của nước Mỹ - nền dân chủ với hai phe bảo thủ và cấp tiến, Diều hâu với Bồ câu.

Sự chuyển giao một phần quyền lực cho thấy Raul không phải là người tham quyền cố vị, và trong thời Raul làm Chủ tịch, Cuba đã có quan hệ với Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Nghĩa là Cuba cũng đã đa phương hóa, đa dạng hóa mối quan hệ để giảm bớt sức nặng của cấm vận từ Mỹ.

- Chúng ta hãy quay lại quá trình phát triển của Cuba thời ông Fidel. Tại sao Fidel không thể thay đổi được quan hệ với Mỹ? Phải chăng chính ông được trao ngọn cờ chống Mỹ, và ông không thể hạ nó xuống? Chính vì vậy, Fidel đã trao quyền lực cho người em, và chính Raul đã thành công trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Thực ra, đây là tinh thần độc lập dân tộc của người Cuba từ thời José Martí (Hô-xê Mácti): ở bên cạnh nước Mỹ, nhưng không thích nước Mỹ, bởi nước Mỹ, như nhiều lần Fidel phê phán là thái độ ngạo mạn, đế quốc. Chính vì thế, hồi xưa trong chiến tranh khi Mỹ đánh Việt Nam, Fidel và toàn thể người dân Cuba hết sức ủng hộ Việt Nam, bằng cái tâm thật, như câu nói của Fidel là “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Đúng là Raul lên, rõ ràng Raul uyển chuyển hơn.

- Mỹ - Việt Nam năm 1995, sau rất nhiều nỗ lực to lớn từ cả hai phía, đã bình thường hóa quan hệ được. Vậy tại sao Mỹ - Cuba lại phải chờ gần 20 năm sau?

Quan hệ từ cả hai chiều: một là Mỹ rất rắn với Cuba, hai là Cuba với Mỹ cũng hết sức thận trọng. Điều này khác với Việt Nam, sau khi thống nhất xong năm 1975, Việt Nam chịu nhiều sức ép, như chiến tranh biên giới, bao vây cấm vận, hay Liên Xô tan rã… khiến Việt Nam phải tính, và chúng ta đã có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Bao đời tổng thống Mỹ lên, kể cả thời Bill Clinton là người đối với Cuba cũng muốn bình thường hóa, nhưng phải đến thời Obama mới có quyết định bình thường hóa. Lý do là vì người Cuba lưu vong sống ở Mỹ rất đông, với khoảng 3 triệu. Khi tôi học bên Cuba thì người Cuba gọi những người đó là “bọn sâu bọ”. Có những lúc, dưới thời Fidel, đã thả cửa cho dân vượt biên sang Mỹ. Trong đó, có rất nhiều người tìm mọi cách chống phá cách mạng Cuba, phá hoại Nhà nước Cuba…

Vì vậy, trong quan hệ với Mỹ, Cuba cũng hết sức thận trọng, tính toán thời điểm. Ngược lại Mỹ cũng rất rắn với Cuba, tìm mọi cách để ép Cuba phải chấp nhận điều kiện như nhân quyền…Trong số Cuba kiều có một số nắm thế lực trong chính quyền Mỹ và gây ảnh hưởng với thượng viện lẫn hạ viện, cũng như chính phủ Mỹ để tìm cách ngăn cản sự bình thường hóa.

- Nghe nói Fidel, khi ông Võ Văn Kiệt còn làm Thủ tướng, có nghi ngờ Việt Nam đi chệch hướng khỏi chủ nghĩa xã hội, làm ông Kiệt phải giải thích mãi…

Tôi có biết chuyện đó, khi làm ở Bộ Văn hóa. Trong những năm đầu ’90 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu tan rã, Trung Quốc thì trước đó đem quân tấn công Việt Nam và quá trình bình thường hóa diễn ra hết sức phức tạp với những điều kiện nhất định, Việt Nam lúc đó phải chọn hướng đi khác, với việc đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Ông Fidel sang Việt Nam, Việt Nam có giải thích, nhưng ông Fidel bản thân học luật, lại có vợ chạy sang Mỹ, nên không nghe. Ông vẫn viết nhiều bài báo chửi chủ nghĩa tư bản và nước Mỹ. Chúng tôi, thời ở bên Cuba, vẫn nói Fidel như con ngựa chiến, khỏe mạnh và hùng dũng và con đường của con ngựa chỉ đi về một hướng, Fidel đã chọn theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nên kiên định với con đường này.

Tôi có nghe nói ông phê phán chúng ta thật, và chúng tôi đi họp bên Cuba họ cũng phê bình mình về việc phát triển kinh tế thị trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãn ra, về y tế và giáo dục không còn được bao cấp như Cuba…, tức là Việt Nam càng xa rời chủ nghĩa xã hội. Việt Nam cố gắng giải thích, nhưng mãi về sau, khi có nhiều đoàn Cuba sang Việt Nam, kể cả những đoàn về ngân hàng, kinh tế hay tài chính, hay các đoàn mình sang Cuba giải thích, thì dần dần Raul cũng hiểu hơn. Vừa rồi TBT Nguyễn Phú Trọng sang Cuba có bài phát biểu ngay tại Đại học Habana nói về kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuy Việt Nam vẫn kiên trì với định hướng XHCN.

- Tức là không phải Fidel, mà tới thời Raul nắm quyền, họ mới hiểu và thông cảm hơn với Việt Nam?

Đúng.

Lúc về già, ông Fidel giống như người cha già, tuy không đồng ý phá ngôi nhà cũ đi để xây ngôi nhà mới hiện đại hơn, nhưng không phản đối ra mặt, mà chấp thuận quyền quyết định của thế hệ sau. Đó là lý do ông chịu chuyển giao quyền lực cho Raul.

- Bây giờ Cuba thay chủ tịch mới, liệu vị trí chủ tịch có quyết định đường hướng thế nào với Cuba khi ông Raul vẫn là Bí thư thứ nhất của Đảng đến 2021?

Bên Cu Ba vị trí chủ tịch cũng có vai trò quyết định nhất định. Trên thực tế, ông Miguel Diaz-Canel Bermudez nhiều năm làm phó Chủ tịch HĐNN và rất thân cận với Raul. Và việc Raul vẫn tiếp tục vị trí là người đứng đầu ĐCS Cuba, khiến Cuba vẫn yên ổn. Cuba cần sự yên ổn này để tiếp tục mở cửa và phát triển kinh tế.

- Cuba đang chuyển đổi, vậy họ có những lợi thế gì so với Việt Nam khi bắt đầu đổi mới?

Theo tôi, thuận lợi thứ nhất là về du lịch, họ làm du lịch khá tốt. Về thiên nhiên, họ có bãi biển rộng lớn, về nguồn nhân lực họ lại có những con người rất nồng hậu và nhiệt tình.

Sự đòi hỏi của người Cuba dễ đáp ứng hơn so với người Việt Nam, tức là họ không làm giàu bằng mọi giá như chúng ta. Tôi nhận xét người Cuba giống như người Nam Bộ, làm ngày nào xài ngày đó, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu và rất thích vui vẻ.

Ngoài ra, về giáo dục và y tế ở Cuba khá phát triển, người dân được bao cấp. Đặc biệt về y tế, họ đã phát triển y tế cộng đồng mà Việt Nam có ý học tập, và họ xuất khẩu khá nhiều bác sĩ.

Hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông của Cuba khá tốt. Họ được thừa hưởng từ thời Mỹ, và sau đó phát triển lên.

Và quan trọng hơn tính kỷ luật trong lao động của Cuba khá cao, và họ ít chịu vấn nạn tham nhũng như kiểu Việt Nam. Theo tôi lý giải, thứ nhất là do luật pháp nghiêm từ trên xuống dưới, thứ hai là người dân được giáo dục tốt từ bé và thứ ba là do lòng tham của người Cuba không lớn.

- Xin cám ơn ông.

Huỳnh Phan (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển giao quyền lực ở Cuba: Những chuyển động nhìn từ bên trong