Ông có thân hình vạm vỡ, cao hơn 2m, thời trẻ có sức mạnh kinh khủng nên có người ví ông là “King Kong”. Gã 'khổng lồ' mang dòng máu Philippines này mấy chục năm nay vẫn nghèo, giờ chỉ sống nhờ vào tình thương của mọi người…

Chuyện lạ có thật: Ông 'King Kong' ở miền Tây

Hồ Hùng | 11/01/2017, 18:09

Ông có thân hình vạm vỡ, cao hơn 2m, thời trẻ có sức mạnh kinh khủng nên có người ví ông là “King Kong”. Gã 'khổng lồ' mang dòng máu Philippines này mấy chục năm nay vẫn nghèo, giờ chỉ sống nhờ vào tình thương của mọi người…

Sức mạnh phi thường

Người từng được ví như nhân vật chính của phim “KingKong” (chú khỉ khổng lồ, sức mạnh phi thường- PV) là ông Nguyễn Văn Y (Rô Y, SN 1956, ngụ ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ).

Đã xấp xỉ lục tuần, lưng đã còng, nhưng khi PV cùng người nhà của ông đo thử chiều cao, thì con số trên thước dây dừng lại ở mức kinh ngạc: 2,14 mét! Bàn chân ông to gấp rưỡi người thường, tay dài lêu nghêu, đầy cơ bắp…

“Hồi trẻ, sức của nó dữ lắm, gấp 3-4 lần người thường. Bởi vậy, nó làm mướn giáp cả xã này mà”, bà Lê Thị Thành, ngụ ấp Trường Đông, xã Tân Thới, nói vậy.

Dẫn chứng cho điều đó, ông Nguyễn Văn Hoá (86 tuổi, cha của ông Rô Y), kể: “Chú thử tưởng tượng, hồi đó cứ mỗi lần xay gạo xong, nó vác cái cối xay gần cả trăm kg nhảy qua mương, từ bờ bên này sang bên kia cái rột. Tui nhìn mà sửng sốt. Bởi cái cối ấy, bình thường phải 2-3 người khiêng mới nổi”.

Còn anh Nguyễn Thống Lĩnh, nhà gần đó, thì kể: “Mỗi lần chứng kiến ổng đào đất thì mới nể. Ổng đứng dưới sông, móc từng cục đất to cả ôm, ném lên bờ xa gần 20 mét. Có lần, người ta mướn đắp đất, nhưng từ dưới ao phải băng qua con đường lộ nông thôn mới đến chỗ cần đắp.Người khác thì phải vít đất lên bờ, xong vác từng cục qua lộ để đắp. Nhưng ổng thì không. Xe cộ cứ chạy qua lại bình thường, ổng đứng dưới mương, xắn từng leng đất, rồi… vích bổng bay qua con lộ, tới chỗ cần đắp luôn. Hơn 10 mét đó! Mà 1 leng đất đâu có nhẹ!”.

Ông Hóa kể, thời bao cấp, mua vải may quần áo cũng phải có tem phiếu. Nhà ông đông người, có đến 10 suất. Nhưng hễ cần may quần áo cho ông Y, thì tới 5 người trong nhà phải nhịn, để nhường suất mua vải cho ông Y, mới đủ may quần áo cho ông.

“2-3 người nhường cũng không đủ, mà phải đúng 5 người mới dư ra mà may đủ cho nó 1 bộ quần áo”, ông Hóa nói. Gần trong xóm, những gia đình có Việt kiều hay gửi quần áo về, cứ bộ nào quá khổ - kiểu chỉ dành cho người lớn con như Mỹ, thì lại đem tới cho ông Y, vì nhà họ ai mặc vào trông cũng như cái nấm thùng thình!

Nhờ sức vóc phi thường, nên ông Y hầu như bỏ cả tuổi xuân để… đi làm mướn. Từ đốn cây, hái dừa, đắp đất, vác lúa… cứ việc gì nặng nhọc là người trong xã lại tới gọi ông Y. Rảnh thì ông vác chài đi rảo khắp các con kênh rạch, kiếm cá tôm về cho cha, mẹ.

Mỗi lần ra đường, con nít lại xúm quanh, xem cái ông khổng lồ. Ông chỉ cười hiền, ai hỏi gì trả lời nấy. Và khổ nỗi, ông lại mắc bệnh ngờ nghệch, nói năng bình thường mà không biết tính toán chi cả, nên gặp người xấu cứ bị gạt công hoài. Có khi làm 2-3 ngày, người ta chỉ trả tiền công 1 ngày, ông cũng bỏ túi. Mà tiền làm bao nhiêu, ông đem về đưa hết cho mẹ, mua gạo ăn.

Lần đó, ông leo trên đọt cây dừa cao gần 10 mét, để hái trái thuê cho người ta. Trưa nắng, hoa mắt, ông bất ngờ vuột tay, rơi xuống đất. Thời may, ông té trúng chảng ba của cây chanh, cách mặt đất chừng hơn 1 mét.

Chạc ba cây chanh ấy không chịu nổi thân hình của gã khổng lồ rơi từ trên cao xuống, nên tét ngọt ra làm đôi, đến tận gốc. Còn ông thì bò ra, cười tỉnh bơ, phủi bụi, lá cây rồi… leo lên cây làm tiếp!

Ông Y đứng với người bà con

Thân hình lực lưỡng khác người, nhưng xấu trai, lại mắc bệnh ngờ nghệch, nên đến giờ ông Y vẫn là… trai tân. Và mấy năm gần đây, đau bệnh triền miên, cộng thêm đôi mắt gần như mờ tịt, đi đứng khó khăn, mấy ngón tay thì gãy cong lại, nên ông Y chẳng còn sức mà đi làm mướn.

Mấy năm trước, thấy hoàn cảnh ông tội nghiệp, nên 1 đại lý vé số ở chợ Phong Điền cho ông lãnh thiếu vài chục tờ lội bộ bán, kiếm chút đồng lời mỗi ngày. Nhưng khổ nỗi, ông ngờ nghệnh đến mức không biết nhận dạng được từng tờ tiền có mệnh giá bao nhiêu, nên cứ bị gạt hoài, hết vốn.

Sau mấy lần bị lừa hết vé số, ba ông Y khuyên con bỏ nghề, tội nghiệp chủ đại lý cứ lỗ vốn hoài, vì không nỡ đòi tiền lại ông. Có lần, ông cầm tờ giấy 50.000 đồng, bị tay kia ma mãnh, móc ra 2 tờ 10.000 đồng, gạt: “Nè, ông lấy 2 tờ này, đưa tui tờ kia. 2 tờ nhiều hơn 1 tờ mà, phải không?”, ông cười tít, đưa 50.000 đồng đổi lấy… 20.000 đồng.

Gã “KingKong” mang dòng máu Philippines?

Ông Hóa cho biết, thực ra ông Y không phải là con ruột của ông. Hồi đó, vợ chồng ông sinh 3 người con, nhưng đều không giữ được, nên phải xin đứa con nuôi người ta bỏ tại bệnh viện, đó là ông Y. Và sau khi xin ông Y xong, vợ ông đẻ một lèo 8 người con nữa, nhưng hiện chỉ còn 6 người.

“Sau đó, tôi có tìm gặp được mẹ ruột của thằng Y. Bả nói, do hoàn cảnh khó khăn, nên đi làm công cho 1 người lính Philippines rồi… sinh ra thằng Y. Hoàn cảnh khó khăn, nên bả đành bỏ con. Vậy là tui nuôi luôn”, ông kể.

Bồng về, vợ chồng ông ra sức chăm sóc thằng bé kháu khỉnh, tay chân to lớn. Đến tuổi biết nói, ông Y cũng bập bẹ nói được, chỉ có đầu óc thì chẳng bình thường như bao đứa trẻ khác. Ông ngờ nghệch, nhưng chẳng bao giờ quậy phá ai.

“Nó con nuôi, mà có hiếu còn hơn con ruột. Giờ không đi làm mướn nữa, nó đi lang thang suốt, ai cho gạo, đồ ăn thì mang về. Mẹ nó mất hồi năm rồi, nên giờ sống với cha và người em gái, cũng đau bệnh miết nên không làm gì được. Nó bệnh tật, nhưng vẫn là “trụ cột” trong nhà.

Lần đó, người ta thương cho cả bao gạo, cái chân nó yếu nhưng ráng vác về nhà, đi liêu xiêu giữa đường, chút nữa là bị xe đụng. Vậy mà ráng vác bao gạo về tới nhà cho ba. Có lần, ba nó khóc nói với tui: “Không biết chừng nào trả nợ cho nó (ông Y - PV) hết, toàn nó đi xin gạo mà tui ăn không”. Nhưng tui nói, dù sao ông cũng có công nuôi nó từ nhỏ mà, kể gì ba cái chuyện đó”, bà Thành kể.

Ông Hóa thì trầm ngâm: “Có bữa, nó đi tới 9-10 giờ tối không về. Không có điện thoại, nhà cũng không có xe, biết sao mà kiếm nó. Tới khuya nó mới về, bởi nó ráng đi miết để xem có ai cho cái gì, cầm về cho cha và em”.

Ông hơi ngờ nghệch, nhưng rất khỏe

Ông nói, hồi xưa ông từng có hơn 2ha đất, cũng có của ăn của để. Nhưng khoảng năm 1981, khi đưa người con thứ 4 đi nghĩa vụ quân sự, chuyến về bằng xe lôi ba bánh, bất ngờ 1 xe container đã đâm vào. Bà và ông suýt bị cán chết, người con thứ 3 cũng ngắc ngoải. Bệnh của 3 người điều trị kéo dài, đất vườn bán hết, nên rơi vào cảnh nghèo cho tới nay…

Mà 6 người con ruột, ai cũng nghèo… Cả nhà chỉ sống nhờ 300.000 đồng tiền trợ cấp khuyết tật của ông Y, và những tấm lòng hảo tâm mà ông Y gặp trên quãng đường mỗi ngày lê cái thân thể khổng lồ nhưng đã dần tàn tạ vì tuổi già, bệnh hoạn…

Mấy ngày trước, có 1 người xưng là ở chợ Phong Điền, 2 lần đến nài nỉ ông Hóa cho dẫn ông Y qua Đồng Tháp đứng bán vé số trước cổng khách sạn. Người này nói, bộ dạng của ông Y kỳ lạ, gây tò mò nên dễ kiếm tiền. Nhưng ông Hóa sợ con mình rơi vào tay những kẻ chăn dắt, nên từ chối thẳng.

Thanh Tâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lạ có thật: Ông 'King Kong' ở miền Tây