Rày đây, mai đó, chẳng khác gì dân du mục, là cuộc sống của công nhân các công trình xây dựng dân sinh ở Sài Gòn.

Chuyện những người dựng lều sống du mục giữa Sài Gòn

Một Thế Giới | 31/08/2015, 07:18

Rày đây, mai đó, chẳng khác gì dân du mục, là cuộc sống của công nhân các công trình xây dựng dân sinh ở Sài Gòn.

12 năm chuyển lều... hơn 40 lần
Rời Bình Định vào TP.HCM làm công nhân xây dựng tới nay đã gần 12 năm, vợ chồng anh Lý Văn Trúc (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thúy (31 tuổi), ở H.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long trải qua không biết bao nhiêu nhọc nhằn, nhưng buồn nhất có lẽ là những lần chuyển lều khi công trình đã xây xong. “Con người ở đâu thì tìm bạn ở đó, chuyển tới công trình nào chúng tôi cũng bắt chuyện làm quen với người dân ở đó. Cứ tầm 3 tháng khi mối quan hệ vừa mới chớm thân, mấy đứa trẻ con vừa kịp làm bạn thì lại phải chuyển lán. Những lúc đó tôi thấy rất buồn”, chị Thúy thổ lộ.
Ở những công trình này phần lớn là đàn ông, còn phụ nữ thì chỉ vài người, thường làm phụ hồ và những việc lặt vặt. “Ở trại chúng tôi ai nhìn thì cũng tưởng anh em thân thiết, nhưng thật ra mỗi người một quê. Người ở Bình Định, Phú Yên, người quê Đồng Nai. Chúng tôi làm việc theo nhóm. Ai làm cứng thì làm thợ cả, còn công việc thì ai cũng như ai, chia nhau làm. Rất ít khi xích mích nội bộ”, anh Trúc tâm sự.
Anh Trúc chia sẻ thêm: “Thường thì anh em không có gia đình đi theo sẽ ngủ tập thể. Còn ai có vợ làm kèm thì được dựng một ngăn riêng để tiện sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều người không gửi được con cái ở quê phải mang theo chúng tôi tạo điều kiện cho ở lại lán lo cơm nước giặt giũ lương tuy có thấp hơn một chút, nhưng có thể vừa tranh thủ làm vừa chăm con cũng tiện”.
Trong nhóm của anh Trúc, hầu hết đều là những người có thâm niên làm công nhân xây dựng. “Gần 12 năm làm công nhân xây dựng ở Sài Gòn, tôi đã dựng rồi dỡ lán hơn 40 lần. Lúc trước khi Sài Gòn còn nhiều vùng ngoại thành hoang sơ, anh em cũng dựng lán y như bây giờ, nhưng nền lán dựng thưa hơn nên tối ngủ thường mò tay đụng phải côn trùng. Có lần đang ngủ tôi thấy tay nhột nhạt, khẽ động thấy nhớt nhớt biết là rắn nên nằm im không dám nhúc nhích vì sợ bị cắn”, anh Trúc cười nhớ lại.
Mỗi người một cảnh
“Tuy ở cùng nhau, làm cùng nhau nhưng chúng tôi mỗi người một cảnh”, chị Nguyễn Thị Thoan (quê Bình Định) chia sẻ. Chị cho biết thêm: “Với đồng lương thợ phụ không bao nhiêu nên tôi học xây, lúc làm hay để ý mấy ông thợ cả. Họ làm sao tôi làm vậy, bây giờ tôi là thợ cứng, một ngày cũng kiếm được gần 200.000 đồng”.
Để có được số tiền gần 6 triệu đồng/tháng, chị Thoan phải leo trèo trên giàn giáo cao vắt sức cật lực từ sáng tới 12 giờ trưa mới nghỉ. Ngoài nghề chính, buổi tối chị còn nhận thêm quần áo của những người đàn ông trong lán giặt thuê để kiếm thêm. “Đàn ông họ lười, đi làm về mệt, họ thuê tôi giặt quần áo cứ 3.000 đồng/bộ, một đêm giặt khoảng 5 bộ là tôi có thêm tiền để đóng tiền ăn hằng tháng”.
Cùng đội xây dựng của chị Thoan là chị Ngọc Giàu (quê H.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Chị Giàu kể: “Lúc trước tôi làm công trình bên Q.2, nhưng bị chồng đánh ghê quá nên tôi trốn sang Q.7 làm. Do có con nhỏ nên tôi xin phụ việc nấu nướng cơm nước cho cả đội. Gọi là chồng nhưng cũng không phải chồng, tôi mới ở với anh ấy hơn một năm. Làm chung đội, anh ấy chưa vợ, tôi ly hôn với chồng nên giáp lại ở với nhau. Anh ấy cũng thương con tôi, nhưng lúc uống rượu vào là hay đánh đập. Không chịu được nên tôi ôm con bỏ sang làm ở công trình này”.
Nói đoạn chị nhặt nhạnh vài thanh gỗ mục trong đống gỗ lộn xộn làm củi rồi nhóm lửa bắt đầu nấu canh. Trong lúc chờ nước sôi để thả rau vào nồi, chị tranh thủ làm cá. Chị bảo: “Làm nghề xây dựng vất vả lắm, dù mỗi bữa chỉ có rau và một món kho nhưng ai cũng ăn rất no”.
Trong lúc chị Giàu nấu ăn, mấy người đàn ông kéo xe ra phía rìa cắt lá dừa nước. “Mái nhà chỉ lợp tôn nên buổi trưa nóng lắm. Nhiều hôm ngồi ăn cơm mà mồ hôi vã ra như tắm, may tới công trình này ở đây có nhiều dừa nước. Cắt một ít lá về phủ lên mái tôn tránh nóng. Mặt khác, lúc trời mưa, nước rơi xuống mái lá âm thanh cũng không lớn nên dễ ngủ hơn”, chị Giàu cho hay.
Gần 12 giờ, mọi người đã tập trung đông đủ ở lán chờ ăn cơm. Mỗi người một việc, người lấy nồi cơm, lấy chén, người lấy đĩa để thức ăn. Chỉ vài phút sau là họ quây quần bên mâm cơm tuy sơ sài nhưng ai cũng hào hứng.
Lam Ngọc/Báo Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Peru
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Khẳng định Peru luôn là nước bạn bè gần gũi, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở Mỹ Latinh, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện những người dựng lều sống du mục giữa Sài Gòn