“Tráng sĩ Bình Đông”, “Trụ đồng”, “Lưỡng quốc trạng nguyên” - những biệt danh báo chí dành tặng cho Võ Văn Bảy - vẫn đang giữ kỷ lục gần 20 năm vô địch quần vợt nam Việt Nam.

Chuyện tay vợt dám đánh bại vua Bảo Đại

sach | 01/08/2019, 06:27

“Tráng sĩ Bình Đông”, “Trụ đồng”, “Lưỡng quốc trạng nguyên” - những biệt danh báo chí dành tặng cho Võ Văn Bảy - vẫn đang giữ kỷ lục gần 20 năm vô địch quần vợt nam Việt Nam.

Võ Văn Bảy sinh ngày 18.7.1931 tại tỉnh Vĩnh Long. Có thể nói ông là một “quái kiệt”. Từ khi còn nhỏ, ông đánh bóng bàn rất giỏi, từng vô địch Vĩnh Long. Mãi đến năm 21 tuổi, ông mới bắt đầu biết đến quần vợt. Tượng đài quần vợt Việt Nam được hình thành từ những năm tháng đầu tiên như thế.

Năm 1952, khi 21 tuổi, Võ Văn Bảy lên Sài Gòn hoa lệ và luyện tậptại sân quần vợt nhà máy rượu Bình Tây. Thấy ông Bảy đánh quần vợt quá hay, ông Millette, chủ nhà máy rượu Bình Tây đã “đỡ đầu toàn diện” ông Bảy. Chỉ hai năm sau, 1954, lúc 23 tuổi, ông Bảy đã đoạt chức vô địch Việt Nam. Sau khi đoạt chức vô địch, ông Millette làm thủ tục xin đưa ông Bảy qua Pháp luyện tập và thi đấu. Biết được câu chuyện này, Vua Bảo Đại truyền lệnh: “Nhà vô địch Võ Văn Bảy phải đấu với Vua Bảo Đại để xem trình độ như thế nào, lúc đó mới xét duyệt cho đi hay không”.

Thời đó, chưa một ai đấu với vua Bảo Đại mà thắng được ông. Có lẽ vì ông là vua nên không ai dám đánh thắng chăng? Do đó ông Bảy đứng giữa hai làn nước: Nhà vô địch không thể thua, nhưng dân làm sao dám thắng vua? Cuối cùng, ông Bảy quyết định đánh hết mình, thắng hay thua – nhà vua có cho đi hay không – với ông Bảy, điều đó không quan trọng nữa. Và ông Bảy đã thắng, nhờ trận thắng này mà vua Bảo Đại mới đồng ý cho ông Bảy đi Pháp. Ông Bảy kể lại với con cháu rằng, nếu lúc đó ông thua, chắc là ông đã ở nhà rồi. Thế nhưng theo nhận xét của ông Bảy, trình độ quần vợt của vua Bảo Đại rất cao.Với trận thắng nhớ đời này, ông Bảy đã được đi Pháp tu nghiệp quần vợt trong 6 tháng. Trong thời gian đó, vào tháng 5.1954, ông Bảy được tham dự Roland Garros và thua Armando Vieira (Brazil) 0-6, 1-6, 4-6.

Trở về nước, năm 1955, ông Bảy tiếp tục giữ vững ngôi vô địch nhưng đến năm 1956, ông thua tay vợt Nguyễn Văn Tịch đến từ Hải Phòng. Đến năm 1957, ông đoạt lại ngôi vương khi thắng lại ông Tịch. Từ đó cho đến năm 1975, ông Bảy “ngự trị” làng quần vợt Việt Nam và chỉ một lần nhường ngôi cho tay vợt trẻ Lưu Hoàng Đức vào năm 1962.

SEAP Games, Đại hội thể thao Đông Nam Á ra đời năm 1959 và ở đấu trường này, ông Bảy cùng các đồng đội đoạt nhiều huy chương vàng đơn cũng như đôi nam cho đoàn thể thao nam Việt Nam. Các tay vợt nam của ta được xem là những ông chủ lớn, thống trị môn banh nỉ từ SEAP Games thứ nhất (1959) đến SEAP Games thứ bảy (1973). Trong bảy kỳ đó, ở ba nội dung đơn nam, đôi nam và đồng đội nam, các tay vợt nam Việt Nam gồm Võ Văn Bảy, Võ Văn Thành, Lưu Hoàng Đức, Lý Aline đã đoạt được 12.19 huy chương vàng, Thái Lan chỉ đoạt sáu vàng và chiếc còn lại thuộc về Myanmar.

Chiến tích vang dội của ông Bảy được nhiều người nhắc đến ngày đó là trận thắng tay vợt số một châu Á Toshio Sakai người Nhật Bản ở vòng hai Davis Cup năm 1972 tại Cercle Sportif Saigonnais (Cung văn hóa lao động TP.HCM ngày nay). Năm đó ông Bảy đã41 tuổi, và trước đó hai tuần ở vòng đầu Davis Cup khu vực, Việt Nam gặp Đài Loan, ông Bảy đã lập một kỷ lục mà sau này khó có tay vợt Việt Nam làm được: Đánh bại hai cây vợt nhất nhì Đài Loan Lâm Cát Nguyên với tỉ số khiếp đảm: 6-0, 6-0, 6-0, và hai hôm sau, thắng tay vợt Đường Phước Thuận 6-2, 6-0, 6-0. Chung cuộc, Việt Nam thắng Đài Loan 5-0.

Cuộc hẹn thư hùng giữa Võ Văn Bảy 41 tuổi và Toshio Sakai 25 tuổi vào lúc 14 giờ 30 ngày 06.04.1972. Võ Văn Bảy thắng 11-13, 6-4, 6-2, 6-3, một trận đấu đã đưa tên tuổi ông lên tột đỉnh vinh quang trong cuộc đời cầm vợt.

Nhà báo Thiệu Võ viết: “Đi xem Võ Văn Bảy nhiều lần, chưa bao giờ tôi thấy mặt vợt của anh lại nhiệm màu như thế. Ván đầu tiên là một sự biểu diễn tuyệt vời giữa trí khôn và cường lực. Banh của Sakai mạnh mẽ, banh của Bảy lắt léo. Banh của Sakai cứng rắn bao nhiêu, banh của Bảy mềm mại bấy nhiêu. Hai nhà vô địch, hai lối chơi đụng nhau khiến cho khán giả nhiều phen đứng tim, nghẹt thở.

Ván đầu quyết liệt lên tới 11 đều với thời gian 1 giờ 15 phút chưa ngã ngũ. Khán giả không ngờ Bảy lại chống cự oanh liệt đến thế. Tuy nhiên tỷ số cũng kết thúc 13-11 cho vô địch châu Á Sakai. Người ta ai cũng nghĩ Bảy chơi như thế là đã hết mình rồi.

Chuyện không ngờ đã xảy ra là vào ván hai, người xuống sức rõ rệt lại là vô địch Nhật Bản. Bảy như tìm lại hơi thở thứ hai, càng đánh càng bay bướm, banh của anh gài hai hành lang như ép xuống sân chạy dọc suốt chiều dài sân, bỏ nhỏ như tay cầm bóng để vào chỗ trống. Trái banh trước mặt vợt tài tình của Bảy nhẹ như tơ và ngoan ngoãn như có linh hồn. Bảy phá lối chơi dũng mãnh của Sakai bằng cách bắt vô địch Nhật Bản chạy khắp sân và thắng ván nhì dễ dàng 6-3. Vô địch Nhật Bản lúc này như một thân cây hết nước và Bảy đã làm tình làm tội đấu thủ nhỏ hơn mình 16 tuổi để thắng hai ván sau một cách dễ dàng. Trận đấu đã xong, vô địch châu Á trùm khăn kín đầu không biết anh lau mồ hôi hay chậm nước mắt...”.

trích“100 năm quần vợt Việt Nam: Một thời vàng son, Một thời trăn trở” của Đặng Hoàng – Đinh Hiệp vừara mắt bạn đọc ngày 28.7.2019
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện tay vợt dám đánh bại vua Bảo Đại