Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hai ngày 13 và 14.10 được dư luận rất quan tâm bởi Campuchia được xem là đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Phnom Penh là thành viên ASEAN duy nhất được xem là đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Chuyến thăm Campuchia của Tập Cận Bình và tương lai chính trị của Thủ tướng Hun Sen

15/10/2016, 11:35

Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hai ngày 13 và 14.10 được dư luận rất quan tâm bởi Campuchia được xem là đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Phnom Penh là thành viên ASEAN duy nhất được xem là đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Chủ tịch Tập Cận Bình đến Phnom Penh ngày 13.10.2016 - Ảnh: THX

Phnom Penh rất kỳ vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Campuchia. Và kết quả quá mỹ mãn với Phnom Penh. Chủ tịch Tập Cận Bình đã xem đây là chuyến thăm lịch sử và hai bên đã thúc đẩy hợp tác trên tinh thần bạn bè thân thiện nhất và đối tác chiến lược toàn diện, theo ghi nhận của báo The Phnom Penh Post ngày 14.10.

Người phát ngôn của Thủ tướng Campuchia Eang Sophalleth cho biết hai bên đã ký kết 31 thỏa thuận, trong đó có 238 triệu USD cho vay ưu đãi, 89 triệu USD xóa nợ và 15 triệu USD viện trợ quân sự. Chủ tịch Trung Quốc cũng đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Campuchia từ 100.000 tấn một năm lên 200.000 tấn.

Một kết quả như mơ với Phnom Penh. Tuy nhiên, người viết cho rằng các lợi ích kinh tế không phải là mục đích chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Mục đích chuyến thăm quan trọng hơn rất nhiều, đó là Bắc Kinh giúp mở ra thời hoàng kim thứ ba cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và Thủ tướng Hun Sen trong đời sống chính trị tại quốc gia này.

Tại sao lại nhận định như vậy?

Hai bên đã ký kết 31 thỏa thuận trong chuyến thăm Campuchia của ông Tập Cận Bình - Ảnh: FN

Các thời kỳ hoàng kim của CPP và Hun Sen

Ngược dòng lịch sử, khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh năm 1979, lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Chính thể Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Campuchia được thành lập, mở ra thời hoàng kim thứ nhất cho CPP.

Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (tiền thân của CPP) là đảng chính trị duy nhất trên sân khấu chính trị Campuchia thời hậu Pol Pot.

Năm 1985, khi Thủ tướng Chan Sy qua đời, Ngoại trưởng Hun Sen được bầu làm người thay thế và trở thành một trong những người đứng đầu chính phủ trẻ nhất thế giới lúc bấy giờ, với tuổi 34. Đây là bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông Hun Sen và mở ra thời kỳ hoàng kim thứ nhất cho Thủ tướng Hun Sen.

Năm 1989 khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, sau đó Campuchia được quản lý bởi Phái bộ chuyển tiếp của LHQ (UNTAC), chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên có sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị tại Campuchia kể từ khi Lon Nol bị lật đổ. Thời hoàng kim thứ nhất của CPP và Thủ tướng Hun Sen chấm dứt.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 1993 cho ra đời một chính phủ dân cử đa đảng ở Campuchia. CPP phải chia sẻ quyền lực với đảng bảo hoàng Funcinpec của Hoàng thân Norodom Xihanuc, Hun Sen phải làm đồng thủ tướng với Thái tử Norodom Ranariddh.

Cá nhân người viết cho rằng đây là may mắn cho CPP và Thủ tướng Hun Sen. Bởi xét về tiềm lực và xu thế chính trị lúc đó thì việc chia sẻ quyền lực có lợi cho CPP.

Khi được tạo điều kiện tham gia quản lý và điều hành đất nước, Hoàng thân Xihanuc lại lựa chọn ngai vàng cho bình yên và thể hiện sự cao quý, theo truyền thống của hoàng gia. Funcinpec được trao lại cho Thái tử Ranariddh - con trai ông.

Hun Sen làm đồng thủ tướng với Thái tử Norodom Ranariddh từ năm 1993 đến 1997 - Ảnh: angelfire.com

Ranariddh là một người quá non nớt về chính trị, không phải là đối thủ của Hun Sen. Đây là thời cơ để Hun Sen biến thời gian phân quyền thành quãng thời gian quý giá với CPP. CPP vừa không mất quyền kiểm soát đất nước trong một chính phủ hợp hiến được quốc tế công nhận vừa có điều kiện củng cố lại lực lượng.

Ranariddh khát khao quyền lực nhưng không biết sử dụng quyền lực nên khi người dân Campuchia hướng trọn niềm tin vào Quốc vương Xihanuc thì Funcinpec và Ranariddh mất phương hướng.

Hun Sen dễ dàng gạt bỏ Ranariddh và làm giảm ảnh hưởng của Funcinpec. Từ đó CPP và Hun Sen gần như độc chiếm vũ đài chính trị Campuchia và mở ra thời hoàng kim thứ hai trong lịch sử nắm giữ quyền lực của mình.

Bất ổn chính trị đe doa quyền lực của CPP và Hun Sen

Khi Hun Sen và CPP củng cố và chi phối quyền lực gần như tuyệt đối tại Campuchia thì lại để xảy ra một sai lầm đáng tiếc. Đó là không để tâm nhiều đến việc Sam Rainsy rời bỏ chính phủ, thành lập đảng chính trị riêng mang tên mình - đảng Sam Rainsy (SRP), sau này là đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP).

Cũng như Ranariddh, Sam Rainsy cũng rất khát khao quyền lực, muốn tạo cho mình một chỗ đứng cao và vững chắc trên chính trường Campuchia. Nhưng Sam Rainsy có bản lĩnh chính trị, có tầm nhìn chiến lược và biết sử dụng thủ đọan chính trị để làm nổi bật mình cũng như đảng chính trị của mình trong mắt người dân Campuchia.

CNRP nhanh chóng lớn mạnh trong những vùng trước đây thuộc quyền kiểm soát của Khmer Đỏ và sau cuộc bầu cử 1998 thì gần như trắng quyền lực, chính phủ Campuchia vẫn chưa thể kiểm soát hết được. Nhờ đó Sam Rainsy đã nhanh chóng trở người có vị thế không kém gì Hun Sen trên chính trường Campuchia.

Nhìn vào quá trình phát triển nhanh chóng và kết quả đạt được của Sam Rainsy và CNRP trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2013, người ta mới thấy may mắn cho Hun Sen và CPP vì CNRP được “sinh sau đẻ muộn”. Nếu cuộc bầu cừ năm 1993 có CNRP tham gia thì Hun Sen và CPP sẽ không thể có được cơ hội tuyệt vời để củng cố thế lực.

Với thủ lĩnh Sam Rainsy, phe đối lập ngày càng có nhiều thách thức - Ảnh: AFP

Song dù là sinh sau đẻ muộn nhưng việc CNRP nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị quan trọng trên chính trường Campuchia khiến cho CPP và Thủ tướng Hun Sen đã có đối thủ ngang tài ngang sức. Khi đạo luật công nhận địa vị cho thủ lĩnh đối lập được ban hành, vũ đài chính trị Campuchia đã chính thức dành chỗ hợp pháp cho CNRP và Sam Rainsy.

Người viết cho rằng nếu Sam Rainsy không quá nóng vội trong quá trình giành quyền lực thì có lẽ chính trường Campuchia hiện nay không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ông Hun Sen. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thì viễn cảnh CPP không thể chiếm đa số trong cuộc bầu cử năm 2018 ngày càng hiển hiện.

Dựa vào sức mạnh của CNRP và uy tín của thủ lĩnh Sam Rainsy, phe đối lập ngày càng có nhiều thách thức khiến chính phủ Campuchia phải sử dụng biện pháp mạnh. Từ đó tạo ra bất ổn trên chính trường Campuchia và cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ hoàng kim thứ hai của CPP và Thủ tướng Hun Sen.

Bắc Kinh giúp mở ra thời hoàng kim thứ ba cho CPP và Hun Sen?

Với kinh nghiệm hơn 30 năm tham chính, Thủ tướng Hun Sen chắc chắn đã lường trước kết quả phải chia sẻ quyền lực với các đối thủ chính trị của mình. Nhưng phải chấp nhận bị thách thức rồi dần bị đẩy vào thế bị động trước sự tấn công của phe đối lập, rõ ràng ông Hun Sen và CPP đã có sai lầm trong quá trình củng cố quyền lực.

Hun Sen lấy lòng cử tri bằng cách làm thay đổi mức sống cho người dân bằng cách áp dụng mô hình kinh tế cởi mở. Campuchia tham gia WTO từ rất sớm. Người dân Campuchia được hưởng lợi nhờ hàng nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều so với các quốc gia lân cận do không áp dụng hàng rào bảo hộ mậu dịch.

Chính phủ Campuchia cho phép gần như mọi hình thức kinh doanh được hoạt động để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu hưởng thụ của người dân Campuchia và du khách thế giới. Trong giai đoạn đầu của thời mở cửa, người dân Campuchia vui mừng và dành ủng hộ rất lớn cho chính phủ cũng như cá nhân Thủ tướng Hun Sen.

Nhưng dần dà nhiều người dân Campuchia thấy không có nghề nghiệp, cuộc sống vẫn nghèo khó, thu nhập không cao, không ổn định, từ đây xã hội Campuchia bắt đầu có bất ổn. Kết quả cuộc bầu cử năm 2013 và các xung đột chính trị gần đây cho thấy xã hội Campuchia đã chia rẽ sâu sắc.

Cuộc sống của người dân nghèo Campuchia - Ảnh: Handicap International

Nền kinh tế Campuchia gần như không có một ngành xương sống. Chính phủ Campuchia không có được sức mạnh nội lực bằng nguồn thu ngân sách từ nền công nghiệp sản xuất nội địa, qua đó bảo đảm độc lập.

Campuchia phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Thậm chí ngân sách nhà nước của Campuchia cũng có phần từ viện trợ. Trung Quốc hiện là nước viện trợ, tài trợ nhiều nhất cho Campuchia, ngược lại Campuchia phải đánh đổi nhiều lợi ích chính trị.

Từ sự cộng sinh đó đã hình thành nên quan hệ chiến lược Phnom Penh - Bắc Kinh. Cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018 đang đến gần và CNRP đang đe dọa quyền lực của CPP, Bắc Kinh nhận thấy cần phải có cú hích cho chính phủ Hun Sen.

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Campuchia lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nhà nước Trung Quốc được xem là cú hích quan trọng cho sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Hun Sen và bảo đảm quyền lực cho CPP. Những lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh mang đến cho Campuchia qua chuyến thăm này chỉ nhằm phục vụ cho mục đích đó.

Có thể thấy rằng, dù đang nằm quyền nhưng thực sự CPP và chính phủ của Thủ tướng Hun Sen không thể tự tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018. Vì vậy, Bắc Kinh sẽ giúp CPP khẳng quyền lực và mở ra thời hoàng kim thứ ba cho Thủ tướng Hun Sen, bởi lẽ điều đó rất có lợi cho các chiến lược của Bắc Kinh.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13
một giờ trước Sự kiện
Sau ba ngày (16 - 18.5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng nay 18.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyến thăm Campuchia của Tập Cận Bình và tương lai chính trị của Thủ tướng Hun Sen