Ngày 29.9.2016, Anh đã tổ chức lễ ký hợp đồng xây dựng dự án điện hạt nhân Hinkley Point C. Trung Quốc tham gia vào dự án với tỉ lệ 33,5% cổ phần. Điều gì khiến chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã hoãn rồi lại quyết định cho khởi động dự án có Trung Quốc tham gia?

Tại sao Anh để Trung Quốc tham gia dự án điện hạt nhân?

11/10/2016, 07:49

Ngày 29.9.2016, Anh đã tổ chức lễ ký hợp đồng xây dựng dự án điện hạt nhân Hinkley Point C. Trung Quốc tham gia vào dự án với tỉ lệ 33,5% cổ phần. Điều gì khiến chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã hoãn rồi lại quyết định cho khởi động dự án có Trung Quốc tham gia?

Các đại diện của Anh, Pháp, Trung Quốc ký kết hợp đồng xây dựng dự án điện hạt nhân Hinkley Point C - Ảnh: EDF

Ngày 29.9, Anh đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng xây dựng dự án điện hạt nhân Hinkley Point C tại Somerset. Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh Greg Clark, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc Nur Bekri và Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) He Yu.

Dự án từng phải dừng vì Anh lo ngại Trung Quốc

Hinkley Point C là một trong những dự án nhằm hiện thực hóa ý tưởng tìm kiếm nguồn năng lượng mới ổn định từ thời chính phủ của Thủ tướng Tony Blair vào tháng 9.2008.

Ngày 18.10.2010 dự án được công bố. Dự án dự kiến hoạt động 60 năm, được kỳ vọng cung cấp 7% lượng điện cho nước Anh đến năm 2025 và người dân chỉ trả một giá điện trong mỗi 30 năm.

Dự án Hinkley Point C có tổng vốn đầu tư 18 tỉ bảng (24,5 tỉ USD) được trao cho Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), đơn vị chuyên thực hiện các dự án điện hạt nhân của Pháp. Song do EDF khó khăn về nguồn vốn nên dự án liên tục bị dời lại.

Tháng 9.2015, Bộ trưởng Tài chính Anh lúc đó là George Osborne sang thăm Trung Quốc và nước Anh đã đồng ý để Trung Quốc tham gia dự án. Phía Trung Quốc tham gia vào dự án Hinkley Point C với tỉ lệ 33,5% cổ phần. Tháng 10.2015, Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức nước Anh, mở ra kỷ nguyên vàng cho quan hệ Trung - Anh và dự án Hinkley Point C được xem là dấu mốc khởi phát cho kỷ nguyên vàng ấy.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố bà lo ngại cho an ninh quốc gia khi có Trung Quốc tham gia vào dự án điện hạt nhân thế kỷ này của Anh. Dự án bị tạm hoãn.

Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngay lập tức lên tiếng bình luận việc này gây nghi ngại cho chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của London và gây tổn hại kỷ nguyên vàng trong quan hệ Trung - Anh. Đến ngày 15.9 thì dự án Hinkley Point C lại được chính phủ Anh cho khởi động trở lại.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Hinkley Point C tại Somerset - Ảnh: The Guardian

Thủ tướng Cameron lo cho hậu vận của mình

Chúng ta có thể tin rằng lý do quan trọng nhất khiến chính phủ Anh hoãn dự án điện hạt nhân Hinkley Point C hồi cuối tháng 7.2016 vừa qua vì muốn ngăn chặn nguy cơ từ sai sót của cựu Thủ tướng Cameron có thể biến thành hậu họa cho nước Anh.

Khi chính phủ của Thủ tướng Cameron đồng ý cho Trung Quốc tham gia dự án Hinkley Point C, một số thành viên nội các đã phản đối, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Theresa May. Vậy nhưng lúc đó bộ ba Thủ tướng Cameron, Bộ trưởng Tài chính George Osborne và Bộ trưởng Năng lượng Amber Rudd vẫn không thay đổi quyết định.

Có thể thấy việc chính phủ của Thủ tướng Cameron đồng ý để Trung Quốc tham gia dự án Hinkley Point C không thể được xem là lựa chọn hợp lý, không chỉ bởi kỹ thuật điện hạt nhân của Trung Quốc chưa đạt tới trình độ như người Anh mong muốn mà còn bởi sự lựa chọn này chẳng khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”. Cả Bắc Kinh và London đều không có quá trình chuẩn bị cho sự việc này, do vậy đây là lựa chọn mạo hiểm của chính phủ Anh. Biết là mạo hiểm sao Thủ tướng Cameron vẫn quyết định?

Có thể thấy tất cả nằm ở nguy cơ Brexit. Với tình hình có nhiều thay đổi trước khi diễn ra trưng cầu ý dân về Brexit, Thủ tướng Cameron đã dự cảm phần đông người Anh sẽ chọn Brexit. Khi Brexit diễn ra đồng nghĩa với sự nghiệp chính trị của ông Cameron sẽ khép lại. Ông Cameron sẽ trắng tay theo canh bạc này. Đương nhiên ông sẽ không dễ chấp nhận điều ấy, Nhưng phải làm sao, nhờ vả ai?

Mỹ đã chuyển hướng về châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ London - Washington không còn thân thiết như dưới thời Bush - Blair.

Còn với Pháp, nếu Brexit diễn ra thì Cameron không thể là người bạn gần gũi được nữa. Trong 4 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an LHQ, chỉ còn Trung Quốc là nơi mà ông Cameron hy vọng. Một chức vụ kiểu như đặc sứ Trung Đông của Tony Blair có thể nhận diện là ước muốn của Cameron, nhưng phải có đề cử của 1 trong 5 nước thành viên của “bộ ngũ quyền lực”.

Chính vì thế mà Cameron chọn Trung Quốc làm “bà đỡ” cho hậu vận của ông. Và ông Cameron đã chính thức bước ra khỏi đời sống chính trị của Anh khi ông từ bỏ chiếc ghế tại nghị viện Anh vào ngày 12.9.2016, tức chỉ vài ngày trước khi dự án Hinkley Point C được nối lại. Quan hệ David Cameron - Tập Cận Bình đã không còn ảnh hưởng đến quan hệ London - Bắc Kinh thời hậu Brexit.

Chính phủ của Thủ tướng Cameron xem xét dự án Hinkley Point C - Ảnh: Getty Images

Củng cố quan hệ Anh - Trung thời hậu Brexit

Có lẽ đa số người dân nước Anh chọn Brexit là họ chọn độc lập cho đất nước chứ không chỉ đơn thuần là rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Có thể nhận diện mong muốn của người dân xứ sở sương mù là nước Anh hậu Brexit sẽ là một nước Anh có quyền tự quyết trong mọi vấn đề mà không bị ràng buộc bởi bất cứ cơ chế nào khác.

Khi còn ở trong EU, quyền tự quyết bị hạn chế vì chủ quyền quốc gia bị nhạt nhòa bởi cơ chế liên minh. Song khi Thủ tướng Cameron xây dựng mối quan hệ vàng Anh - Trung thì lại có thể khiến nước Anh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” vì London có thể phụ thuộc vào Bắc Kinh. “Ma trận phá hoại” của Trung Nam Hải giăng ra sẽ khiến người bạn vàng ngày càng lệ thuộc vào họ.

Khi lời cảnh báo của “Thatcher đệ nhị” gửi tới Bắc Kinh qua hành động hoãn dự án Hinkley Point C đã có hiệu nghiệm, việc tăng cường quan hệ Anh - Trung lại trở nên cần thiết thời hậu Brexit.

Có thể nhận diện quan điểm của chính phủ đầu tiên của Anh thời hậu Brexit là xây dựng quan hệ với cả “bộ ba 10.000 tỉ USD” gồm Mỹ - EU - Trung Quốc.

Song với nước Mỹ của Donald Trump hay của Hillary Clinton đều không phải dễ cho nước Anh khai thác lợi ích. Bởi lẽ chiến lược quan hệ đối ngoại của Mỹ đã hướng về châu Á - Thái Bình Dương và nếu xét về cán cân lợi ích thì Washington sẽ chọn nâng tầm kết nối với Brussels hơn là với London.

Với EU thì hiện nay chưa thể xem nước Anh là đối tác tin cậy. Vết thương mà người Anh gây ra cho EU không dễ lành trong một sớm một chiều, thậm chí sẽ còn rỉ máu khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trở lại tại hầu khắp các nước thành viên còn lại của EU. Do đó, Brussels đang tìm cách gây khó dễ cho London để ngăn hậu họa “domino Brexit”.

Như vậy chỉ còn lại Trung Quốc trong “bộ ba 10.000 tỉ USD” là Anh có thể nâng tầm quan hệ.

Người phát ngôn của Thủ tướng Theresa May tuyên bố quan điểm của London khi hoãn dự án Hinkley Point C: "Với vai trò quan trọng của Trung Quốc với thế giới, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với kinh tế toàn cầu, chính phủ Anh sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc".

Hiện nay, những nghi ngại về yếu tố Trung Quốc có thể gây hại cho an ninh của Anh từ dự án điện hạt nhân Hinkley Point C đã được London giải tỏa hoặc tìm ra biện pháp kiềm chế và kiểm soát Trung Quốc, vì vậy Anh đã tiếp tục cho khởi động lại dự án thế kỷ này.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond - Ảnh: AP

Dự án Hinkley Point C sẽ hạn chế hiệu ứng tiêu cực của Brexit

Ngày 24.7.2016, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã thảo luận với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại tự do, qua đó giúp các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận tốt hơn với các ngân hàng lớn của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Hammond cho biết đã đến lúc nước Anh phải khám phá những cơ hội mới trên khắp thế giới, kể cả với Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Anh bắt tay vào một thỏa thuận thương mại lớn như vậy với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc. Việc rời khỏi EU khiến cho Anh dễ dàng hơn trong hợp tác, giao thương vì không còn bị ràng buộc bởi các quy định chung của EU nữa.

Ông Philip Hammond đã nói với BBC ngày 24.7: “Chúng ta đã có một đối tác chiến lược, đó là Trung Quốc”. Ông còn nhấn mạnh thêm: "Những gì chúng ta cần làm là tìm cách giảm thiểu các tác động của Brexit với nền kinh tế của Anh trong ngắn hạn và tối đa hóa lợi ích trong dài hạn".

Điều đó cho thấy, chính phủ mới của xứ sở sương mù đã nhanh chóng bắt tay hạn chế đến mức thấp nhất hiệu ứng tiêu cực của Brexit.

Tuy nhiên, nước Anh càng khởi sắc, quan hệ Anh - Trung càng phát triển thì càng làm cho EU gặp nguy hiểm. Đồng thời đó cũng là cơ hội tốt nhất giúp cho Bắc Kinh trả đũa Brussels về các biện pháp phòng vệ thương mại nhắm vào hàng hóa Trung Quốc cũng như quyết định hoãn trao quy chế thị trường tự do đầy đủ cho kinh tế Trung Quốc vào cuối năm 2016.

Có thể thấy cả London và Bắc Kinh đều chĩa mũi nhọn vào Brussels để hiệu chỉnh quan hệ với định chế này, bảo đảm tốt nhất lợi ích cho mình. Do vậy, việc chính phủ của bà Theresa May hoãn dự án Hinkley Point C chỉ là nhằm định hình lại quan hệ Anh - Trung cho phù hợp với tình hình mới sau khi Brexit diễn ra mà thôi.

Nhận diện sự nguy hại của liên minh Anh - Trung, Brussels đã có nhiều động thái gây bất lợi cho London nhằm giảm hiệu ứng tích cực của Brexit xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Theresa May chủ động đưa ra thời hạn nước Anh chính thức kích hoạt rời khỏi EU vào tháng 3.2017 thì có thể thấy EU đã bị dồn vào thế bất lợi.

Từ nay tới khi nước Anh hoàn toàn rời khỏi cơ chế của EU, chắc chắn London sẽ phải đón nhận nhiều bất lợi từ Brussels, do vậy chính phủ Theresa May phải có động thái để đối phó. Và việc nâng tầm quan hệ Anh - Trung là cách đối phó tốt nhất, có thể điều chỉnh hướng bay của mũi tên nguy hại mà Brussels đang chĩa vào London.

Tóm lại, sự kiện Anh hoãn rồi lại quyết định thực hiện dự án Hinkley Point C chẳng khác gì London bắn một mũi tên trúng hai đích. London có thể tối đa hóa việc khai thác lợi ích từ quan hệ Anh - Trung, bên cạnh đó London còn khiến Brussels không thể gây sức ép làm tổn hại cho nước Anh, thậm chí London còn có thể chọc thủng phòng tuyến của EU qua ngả nước Pháp.

Ngọc Việt

* Bài viết phản ảnh quản điểm riêng của tác giả

Bài liên quan
Bộ Tư pháp Mỹ và TikTok muốn tòa án nhanh chóng xét xử, ra phán quyết về luật có thể cấm ứng dụng
Bộ Tư pháp Mỹ và TikTok đã yêu cầu Tòa án phúc thẩm Mỹ đặt ra lịch trình nhanh chóng để xem xét các thách thức pháp lý với luật mới yêu cầu tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ trước ngày 19.1.2025, hoặc ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này sẽ đối mặt với lệnh cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ Chính trị ra quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Anh để Trung Quốc tham gia dự án điện hạt nhân?