Nhờ thừa hưởng dòng máu cha ông mà Thục Nghi bất ngờ trổ tài tung bóng khiến nhiều người kinh ngạc. Bởi em có thể tung một hơi đến 207 lượt. Trái bóng cứ nhảy múa lên xuống bàn chân bé nhỏ của Nghi mà chẳng hề chạm đất.

Cô bé tiểu học tung hứng bóng như… Messi

Thanh Tuấn | 01/06/2017, 16:10

Nhờ thừa hưởng dòng máu cha ông mà Thục Nghi bất ngờ trổ tài tung bóng khiến nhiều người kinh ngạc. Bởi em có thể tung một hơi đến 207 lượt. Trái bóng cứ nhảy múa lên xuống bàn chân bé nhỏ của Nghi mà chẳng hề chạm đất.

Tung một hơi 207 lượt

Thời gian gần đây, nhiều nơi ở tỉnh Vĩnh Long bàn tán xôn xao chuyện 1 nữ học sinh tiểu học có biệt tài tung hứng bóng rất giỏi. Đó là Nguyễn Vĩnh Thục Nghi (11 tuổi, học lớp 5/6 trường Tiểu học Nguyễn Du), ngụ khóm 3, phường 3, TP.Vĩnh Long.

Anh Nguyễn Lê Vĩnh Nghiêm - 43 tuổi (cha Thục Nghi) cho biết, gia đình anh có 2 người con. Nghi có người anh trai năm nay học lớp 9. Anh Nghiêm làm nghề huấn luyện kỹ thuật đá bóng và tennis. Do có kỹ thuật tốt nên anh làm cộng tác viên phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.Vĩnh Long.

Anh huấn luyện những người chơi thể thao phong trào và được trả tiền công. Còn vợ anh thì làm kế toán cho doanh nghiệp tư nhân. Do anh đam mê và đeo đuổi bóng đá nên khi Nghi mới vài tháng tuổi thì đã được vợ anh ẵm đến nhiều sân vận động xem anh đá bóng. Bởi anh hay dẫn các đội bóng đá phong trào đi các tỉnh thi đấu giao hữu. Có lẽ từ đó mà hình ảnh trái bóng tròn đã ăn sâu vào tâm trí của bé Nghi.

Thục Nghi khoác áo học sinh lớp 5

Anh Nghiêm kể, việc anh đến các sân bóng đá để đá giao hữu hoặc làm huấn luyện kỹ thuật trong tỉnh Vĩnh Long cứ trôi theo thời gian. Nhưng những lần anh đến sân hầu hết đều có mặt của Nghi. Rồi 3 năm trước, vợ chồng anh thuê 1 sân bóng đá cỏ nhân tạo ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ. Cả gia đình anh thường xuyên quản lý việc cho thuê sân đá bóng rồi ngủ lại ở đó.

Vào những ngày nghỉ học, Thục Nghi hay ôm trái bóng tung hứng. Chuyện “con nít” đùa giỡn với trái bóng chẳng khiến ai để ý đến. Chị Tăng Ngọc Thúy - 40 tuổi (mẹ Thục Nghi) kể, chồng chị chẳng dạy gì về kỹ thuật đá hay tung hứng bóng cho Nghi, bởi cháu là nữ.

Nhưng rồi 1 ngày khoảng giữa năm 2016, tình cờ có người đến sân bóng do vợ chồng chị quản lý chơi, rồi phát hiện ra biệt tài của Nghi. Khi người này thấy Nghi tung hứng bóng bằng 2 chân thì cầm điện thoại di động quay phim lại. Sau đó, clip này được đăng Facebook.

Theo chị Thúy, không lâu sau khi đoạn phim quay cảnh Thục Nghi tung hứng bóng được phát tán trên mạng thì thông tin này được sự chú ý của nhiều người. Sau đó một vài phóng viên đài truyền hình đến làmphim về biệt tài của em. Lần gần đây nhất mà Thục Nghi tung một hơi liên tục được 207 lượt bóng, do phóng viên Đài PT-TH Đồng Tháp ghi nhận lại.

Kỹ thuật khống chế bóng của Thục Nghi rất tốt

Bé Nghi ăn ít nên cân nặng chỉ 23kg. Nhìn vẻ bề ngoài Nghi ốm yếu, ôm trái bóng choáng gần hết cơ thể em. Nhưng Thục Nghi sở hữu sức khỏe tốt, đá bóng gọn nhẹ, chẳng khác mấy các cầu thủ chuyên nghiệp.

“Nó mê bóng đá lắm! Hễ lúc nào nghỉ học là nó ôm trái bóng. Rồi từ cái clip trên Facebook mà người ta đồn và đặt cho bé là Messi miền Tây. Bởi ở cả tỉnh này chưa thấy ai nhỏ bé, kể cả người lớn chơi phong trào mà tung bóng được nhiều lần như nó. Vợ chồng tui bất ngờ”, chị Thúy nói.

Nhiều nơi mời huấn luyện để đá bóng chuyên nghiệp

Thầy Trần Thanh Toàn - giáo viên dạy thể dục trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết, kể từ năm Thục Nghi học lớp 3 là thầy đã phát hiện ra năng khiếu vượt trội của cô học trò này. Thầy Toàn cũng là bạn của cha Nghi, và hay đến sân bóng đá do cha mẹ Nghi quản lý chơi nên thường chứng kiến Nghi tung bóng.

Nghi tung bóng không thua cầu thủ chuyên nghiệp nào, và trước đây lần nào tung cũng không dưới 100 lượt không rớt. Từ đó nhà trường phân công Nghi làm Đội trưởng Đội nữ bóng đá trường Tiểu học Nguyễn Du.

Trường tiểu học Nguyễn Du

Theo thầy Toàn, Nghi có kỹ thuật đá bóng tốt nên dạy kỹ thuật nào là em biết liền. Năm 2016, Nghi dẫn đội bóng của trường đi đá giành được chức vô địch cấp thành phố. Bản thân Nghi sút phạt thành công cả 2 quả phạt đền. Từ trước đến giờ thầy Toàn chưa thấy ở trường nào trong tỉnh có học sinh nhỏ tuổi mà làm được như Nghi.

Còn thầy Huỳnh Thanh Bình - giáo viên dạy thể dục của trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP.Vĩnh Long) đánh giá: “Tui chơi bóng đá từ khi còn tiểu học, và đến nay, tui đã làm giáo viên dạy thể dục. Nhưng từ trước đến nay tui chưa thấy ai trong tỉnh này tung bóng một hơi được nhiều lượt như bé Nghi.

Em có độ chuẩn cao và tung rất đều. Hiện nay, bản thân tui tung được cao lắm chừng 80 lượt/ lần. Tương lai Thục Nghi có thể làm nữ cầu thủ chuyên nghiệp”.

Chị Tăng Ngọc Thúy (mẹ Nghi) cho biết thêm, thời gian gần đây có nơi ngỏ lời về việc cho Thục Nghi vào học ở trường năng khiếu tại TP. HCM. Hoặc có cả 1 câu lạc bộ ở tỉnh Bình Dương mời, thậm chí có nơi mời ra Hà Nội huấn luyện, từ đó sẽ đào tạo Nghi theo hướng chơi bóng đá cho đội tuyển nữ quốc gia.

Tuy nhiên hiện nay Nghi mới học gần xong lớp 5, nên vợ chồng chị Thúy đang phân vân. Bởi thấy bé Nghi còn quá nhỏ, sợ phải xa cha mẹ. Hơn nữa Nghi là phận gái, lo lắng khi đi học ở xa cũng nhiều.

Thục Nghi tung hứng bóng ví như Messi ở miền Tây

Cả ông nội và ông ngoại Nghi trước đây đều là cầu thủ của đội tuyển bóng đá Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long). 1 người bác ruột là cầu thủ đội bóng đá trẻ tỉnh Vĩnh Long. 1 người bác ruột khác chơi trong đội bóng đá huyện Mang Thít. Cha và cậu ruột cũng đều là những cầu thủ bóng đá…

Mặc dù đam mê đá bóng nhưng từ năm học lớp 1 đến nay, Thục Nghi đều đạt thành tích là học sinh giỏi. Khi được PV hỏi em có mơ ước làm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp không? Thục Nghi vô tư đáp: “Dạ có”. Nhưng khi được hỏi làm thế nào Nghi tung bóng được nhiều lượt như vậy, thì Nghi chỉ cười mà chẳng biết giải thích thế nào. Điều đó chứng tỏ Nghi có năng khiếu.

Và qua màn biểu diễn tung và sút bóng, chúng tôi cảm nhận chuyện người ta ví Nghi như Messi ở miền Tây quả không sai. Đó là 1 học sinh gầy yếu nhưng kỹ năng chơi bóng đầy uy lực và điêu luyện.

Thục Nghi tâng bóng:

Thanh Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô bé tiểu học tung hứng bóng như… Messi