Cùng một hình ảnh, có những báo chú thích rõ “Công an đạp người làm chứng” (Dân Việt, Zing.vn…), một số báo, trang tin điện tử khác lại ghi “Trung tá công an dùng chân tác động người làm chứng” (Tuổi trẻ, Đất Việt, Mới…).

Có gan làm thì có gan chịu

31/01/2019, 13:02

Cùng một hình ảnh, có những báo chú thích rõ “Công an đạp người làm chứng” (Dân Việt, Zing.vn…), một số báo, trang tin điện tử khác lại ghi “Trung tá công an dùng chân tác động người làm chứng” (Tuổi trẻ, Đất Việt, Mới…).

Ảnh cắt từ clip

Trong hình là một trung tá công an tóc bạc đang đưa chân như sắp đạp hoặc đá. Còn người dân (theo báo thì đó là người làm chứng trong một vụ đánh nhau) đang nằm ngửa và cố chống đỡ. Ai đã xem video clip trên Youtube thì miễn bình luận. Thật ra, báo chí không tự phịa ra thành ngữ mới là “Dùng chân tác động” thay cho hành vi đá, đạp, dẫm trong tiếng Việt lâu nay. Thành ngữ này do công an Phú Yên sáng tạo, thông qua phát ngôn của lãnh đạo công an thành phố Tuy Hòa với báo chí.

Chắc chắn là phải có đôi co, mâu thuẫn gì đó giữa đôi bên. Không ai tự dưng đi hành hung người khác. Dù bất cứ lý do gì, hành vi sĩ quan công an cấp tá, hành hung người dân đang nằm ngửa trên nền nhà trụ sở công an phường là không thể chấp nhận. Nếu do bực dọc, nóng nảy, bị khiêu khích, mất bình tĩnh nên mới hành xử như vậy cũng không đáng làm công an, huống nữa là sĩ quan cấp tá.

Dù chưa phổ biến nhưng đây không phải là lần đầu công an có hành vi xấu xí. Đáng buồn hơn là không dám nhận lỗi lại biện bạch, bao che bằng những mỹ từ dối trá. Cứ nói thẳng cho dễ hiểu để còn có thế xí xóa cảm thông, đằng này lại tận dụng “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, chỉ làm dân coi thường. Nào là “Gạt tay trúng má nhà báo”, “Giơ chân nhưng không trúng nhà báo” (VnExpress.net). “Đại úy CSGT giơ chân thì nạn nhân nhào tới trúng mũi giày phải nhập viện” (Motthegioi.vn). Cứ như nạn nhân tự tử. Việc “gạt tay”, “huơ tay”, “giơ tay”, giơ chân”… cứ vài tháng lại có chuyện mới, ồn ào dư luận.

Khách quan đọc qua, cứ tưởng công an Việt Nam toàn là khí công thượng thặng của giang hồ võ lâm thời @. Mới “huơ tay”, “giơ chân” mà khối người nhập viện. Võ công lợi hại như thế mà bọn cướp giật coi chẳng ra gì, ngày càng lộng hành khắp chốn. Còn người dân thì quá ốm yếu. Mới quệt như nựng nhau chút xíu là té xỉu, nhập viện, cấp cứu. Dân gì mà chán thế. Luật gì mà ác. Công an mới vô tình “huơ tay”, “giơ chân” đã bị kỷ luật. Còn hơn cả cầu thủ vô tình để bóng chạm tay trong vòng cấm. Khổ thế là cùng.

Mẹ tôi, lâu nay vốn kiệm lời. Nghe con cháu nói qua nói lại chỉ kết luận: "Hèn chi mà hèn dữ. Sai thì nhận. Có ai không sai bao giờ. Giận quá mất khôn, lỡ động tay động chân quá đà thì thành tâm nhận lỗi. Người dân đâu cố chấp gì. Có gan làm thì có gan chịu, nhận lỗi mà cũng không dám thì chẳng đáng làm người. Lại còn lắt léo ngụy biện, thiên hạ càng khinh”.

Nghe mẹ nói, đứa nào cũng im thin thít. Trong đầu tôi cứ văng vẳng lời mẹ dặn từ thuở chăn trâu “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang. Đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Tôi biết vậy nên từ trong nhà ra ngoài đường, cứ nhịn cho nó lành, ai chê mình hèn cũng chịu.

Trần Trung Dân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có gan làm thì có gan chịu