Bất kể trước sự thất vọng khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầu năm ngoái, 2017 là năm mà Việt Nam đã có những kết quả khả quan thông qua hội nhập toàn cầu. Cả hai chỉ số về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu đều vượt kỷ lục.

Cơ hội giao thương Việt-Mỹ thời Tổng thống Trump

17/03/2018, 08:33

Bất kể trước sự thất vọng khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầu năm ngoái, 2017 là năm mà Việt Nam đã có những kết quả khả quan thông qua hội nhập toàn cầu. Cả hai chỉ số về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất nhập khẩu đều vượt kỷ lục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Việc cùng 10 nước thuộc TPP còn lại vừa ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy Việt Nam đang nỗ lực tận dụng các cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách kinh tế trong nước. Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất cho Việt Nam vẫn là có được một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ. Mặc dù Mỹ hiện nay đang có khuynh hướng bảo hộ thương mại, nhưng đây là thời điểm hợp lý để Việt Nam theo đuổi một FTA để có thể duy trì và gia tăng những lợi ích trong giao thương với Mỹ.

Trong thập niên qua, theo số liệu thống kê của Bộ Thương Mại Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Việt Nam đã tăng đều đặn hằng năm từ khoảng 15,69 tỉ USD trong năm 2008 lên 54,65 tỉ USD trong năm 2017. Việt Nam luôn hưởng thặng dư mậu dịch với Mỹ mỗi năm, con số cho năm 2008 là 10,11 tỉ USD và tăng lên đến 38,32 tỉ USD trong năm 2017. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và có lợi nhất cho Việt Nam.

Nhưng lợi ích trong tăng cường giao thương với Mỹ không chỉ dừng lại ở con số thặng dư mậu dịch mà Việt Nam có được. Sự thực thi những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA, có hiệu lực từ năm 2001) cũng như trong WTO (hai nước đã ký kết một thỏa thuận song phương trong năm 2006 có tính quyết định đưa Việt Nam vào WTO trong năm 2007) đã góp phần giúp Việt Nam cải thiện hệ thống pháp lý và môi trường đầu tư. Trong nhiều năm qua, Mỹ đã có những hỗ trợ cũng như đối thoại để Việt Nam thực hiện tốt những cam kết của mình, chẳng hạn thông qua các hoạt động giúp Việt Nam cải cách luật pháp của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và trao đổi giữa hai nước trong các cuộc họp thuộc khuôn khổ của Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA, được ký từ năm 2007).

Những cải thiện trên đã giúp Việt Nam thu hút FDI ngày càng lớn và đa dạng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Việt Nam thú hút 35,88 tỉ USD vốn FDI trong năm 2017 (tăng 44,4% so với năm 2016). Tình hình khả quan này, nếu biết tận dụng, sẽ giúp Việt Nam ngày càng có khả năng sàng lọc các nguồn và thể loại FDI để hỗ trợ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Mỹ hiện đứng thứ 9 trong 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 10 tỉ USD. Các nhà đầu tư Mỹ có tiềm năng vươn lên thứ hạng cao hơn nhiều nếu như Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thúc đẩy cạnh tranh công bằng giữa các thành phần doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà và tình trạng tham nhũng, nâng cao tính minh bạch trong điều hành chính sách công, bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ. Nếu hai nước ký kết được một FTA, những yếu tố này sẽ được tác động tích cực. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một làn sóng mới FDI Mỹ vào Việt Nam, đặc biệt là trước tình trạng các nhà đầu tư Mỹ ở Trung Quốc đang rút bớt khỏi nước này để tìm một địa điểm mới, hấp dẫn hơn.

Và tất nhiên khi lợi ích kinh tế Mỹ ở Việt Nam càng cao thì mối quan tâm của Mỹ đối với Việt Nam càng lớn. Trước những thử thách trong khu vực, đặc biệt là vùng Biển Đông, Việt Nam cần một đối tác đáng tin cậy có mong muốn Việt Nam được thịnh vượng và vẹn toàn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu chính quyền Trump có mặn mà với ý tưởng đàm phán và ký kết một FTA với Việt Nam? Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị APEC 2017 vào tháng 11 ở Đà Nẵng, Tổng thống Trump đã nói: “Tôi sẽ thực hiện hiệp định thương mại (tự do) song phương với bất kỳ nước vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của chúng tôi mà sẽ tuân theo những nguyên tắc thương mại công bằng và có qua có lại”.

Và gần đây nhất, trong chương trình nghị sự Chính sách thương mại năm 2018 mà chính quyền Trump vừa gửi tới Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng cũng đề cập đến việc sẵn sàng thương lượng để xây dựng những mối giao thương tốt và công bằng hơn với những nước thuộc TPP trước đây mà Mỹ chưa có FTA là Brunei, Malaysia, New Zealand, Nhật và Việt Nam (Mỹ đã có FTA với 6 nước TPP là Canada, Chile, Mexico, Peru, Singapore, Úc).

Có thể thấy rằng mặc dù Tổng thống Trump không mặn mà với những hiệp định thương mại tự do đa phương và có những động thái bảo hộ thương mại (như trường hợp quyết đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm mới đây), Nhà Trắng vẫn mong muốn thúc đẩy giao thương, đặc biệt là thông qua các đàm phán song phương, khi nó được diễn ra “công bằng và có qua có lại”.

Theo ông Trump, giao thương công bằng có nghĩa là không bán phá giá vào thị trường Mỹ để gây thiệt hại cho các nhà sản xuất cạnh tranh nội địa và không gây cản trở cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ ở nước ngoài. Ông lý luận rằng vì đối diện với giao thương không công bằng mà Mỹ phải chịu thâm thủng mậu dịch quá lớn, đặc biệt là với Trung Quốc. Con số năm 2017 là 566 tỉ USD, trong đó thâm thủng với Trung Quốc là 375 tỉ USD (gấp gần 10 lần thâm thủng mà Mỹ có với Việt Nam). Còn giao thương có qua có lại có nghĩa là nếu một nước giảm thuế nhập khẩu tối đa và không gây khó dễ cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bằng các hàng rào phi thuế quan thì Mỹ sẽ đáp lại như vậy. Và ngược lại, nếu hàng hóa Mỹ bị gây khó dễ ở nước ngoài thì Mỹ sẽ đáp trả tương tự.

Nhà Trắng đang bắt đầu có động thái cứng rắn hơn trong giao thương với Trung Quốc. Giới thạo tin, theo Reuters, cho biết là Tổng thống Trump đang tính toán để đánh thuế nhập khẩu lên 60 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc để trừng phạt nước này về vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài và Mỹ đánh thuế nhập khẩu lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc thì một số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam (cùng thể loại với hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu) sẽ có lợi. Tuy nhiên, Việt Nam cần điều tra và ngăn chặn trường hợp các nhà xuất khẩu Trung Quốc dùng ngả Việt Nam để đội lốt xuất qua thị trường Mỹ nhằm trốn thuế nhập khẩu. Sẽ là một rủi ro cao nếu Việt Nam được cho là cố tình hỗ trợ Trung Quốc gian lận thương mại.

Chương trình nghị sự Chính sách thương mại năm 2018 cũng nhấn mạnh rằng: “Những nước mà sẵn sàng đem lại cho Mỹ những cơ hội trong thị trường nội địa của họ sẽ tìm được một người bạn chân thành và một đồng minh từ chính quyền Trump”. Nhà Trắng cũng khẳng định rằng chính sách thương mại thời Tổng thống Trump sễ hỗ trợ cho an ninh quốc gia, bên cạnh 4 mục tiêu khác là làm vững mạnh nền kinh tế, thương lượng những hiệp định thương mại tốt hơn, quyết liệt thực thi các luật thương mại Mỹ (để chống lại các phương thức cạnh tranh không công bằng của các nước khác), cải tổ hệ thống thương mại đa phương.

Có thể thấy rằng những điều kiện chung mà chính quyền Trump đưa ra để thắt chặt giao thương không phải ngoài tầm đáp ứng của Việt Nam nếu Hà Nội quyết tâm có một FTA với Mỹ. Trong khuôn khổ những FTA mà Việt Nam đã ký với các nước khác, Việt Nam đã cam kết mở cửa khá mạnh cho nên bây giờ có mở cửa thêm nữa với hàng hóa Mỹ thì cũng không đảo lộn gì nhiều. Ví dụ, thịt bò Mỹ sẽ cạnh tranh với thịt bò Úc và các nước thuộc Liên minh Châu Âu trên thị trường Việt Nam. Điều này tất nhiên là càng tốt cho người tiêu dùng Việt. Đó là chưa kể đến những trường hợp mà hàng Mỹ sẽ giúp thay thế những mặt hàng kém chất lượng của nước khác trên thị trường Việt Nam. Ví dụ, nhập thịt nội tạng từ Mỹ thì sẽ an toàn vệ sinh thực phẩm hơn nhiều so với thịt nội tạng có xuất xứ từ Trung Quốc đang trôi nổi trên thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể cân nhắc để tăng cường mua các máy móc công nghệ hiện đại cũng như các thiết bị quân sự của Mỹ. Tổng thống Trump chắc chắn sẽ phấn khởi nếu điều này xảy ra. Đích thân ông đã “chào hàng” một số thiết bị quân sự với Hà Nội trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần rồi. Là người luôn nhấn mạnh yếu tố có qua có lại và thường hay cho cử tri biết về thành tích của mình để gây ủng hộ, ông sẽ cho đơn đặt hàng của Việt Nam một điểm cộng trên bàn đàm phán FTA giữa hai nước.

Và tất nhiên là khi đàm phán FTA, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, thì Mỹ sẽ có nhiều điểm thương lượng chi tiết khác với Việt Nam, ví dụ như các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, tính minh bạch, sở hữu trí tuệ… Những cam kết mạnh từ phía Việt Nam đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao vì các nhóm lợi ích bị ảnh hưởng sẽ tìm cách cản trở. Đàm phán và ký kết FTA với Mỹ sẽ tạo động cơ để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách nhằm tạo đà cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững hơn.

Tổng thống Trump đang đối mặt với nhiều chỉ trích về chính sách được cho là bảo hộ thương mại của mình từ nhiều nước khác cũng như ngay cả nhiều chính trị gia Mỹ thuộc đảng Cộng hòa của ông. Nhà Trắng muốn chuyển tải thông điệp rằng chính quyền Trump không chống lại thương mại tự do mà chỉ chống lại thương mại không công bằng và không có qua có lại đối với Mỹ. Một minh chứng tốt cho thông điệp này là việc xúc tiến đàm phán và ký kết các FTA song phương như Tổng thống Trump đã mời gọi. Nhưng hiện nay vẫn chưa thấy đối tác thương mại nào đáp ứng lời ông. Sẽ là một điểm tích cực nếu Việt Nam là nước đầu tiên chính thức ngỏ lời muốn đàm phán để đi đến một FTA với Hoa Kỳ trong thời chính quyền Trump.

Trần Lê Anh (GS Đại học Lasell)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội giao thương Việt-Mỹ thời Tổng thống Trump