Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, quy định khống chế chi phí lãi vay 30% của doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết đã không còn hợp lý.

Có nên bỏ trần chi phí lãi vay 30% của doanh nghiệp có giao dịch liên kết?

Tuyết Nhung | 13/11/2023, 08:00

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, quy định khống chế chi phí lãi vay 30% của doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết đã không còn hợp lý.

Theo Nghị định 132 năm 2020, chi phí lãi vay với DN có giao dịch liên kết không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ.

Trong đó, giao dịch liên kết được xác định là các giao dịch mua, bán, cho thuê, cho vay, chuyển nhượng tài sản... với một bên khác có quan hệ liên kết (tức DN này có vốn góp hoặc có nhân sự điều hành tại DN kia hoặc hai DN này cùng chịu sự điều hành, hay được góp vốn của một DN khác).

dn.jpg
Nhiều rủi ro về thuế đối với các doanh nghiệp do không hiểu rõ quy định về giao dịch liên kết - Ảnh: Internet

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị không nên và không cần thiết khống chế trần chi phí lãi vay của DN có giao dịch liên kết theo lợi nhuận, để phản ánh trung thực và kịp thời hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN.

Đối với các DN có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn thuế, HoREA đề nghị cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm. Trong giai đoạn hiện nay, theo hiệp hội chỉ nên khống chế mức trần lãi vay này với DN nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Trước vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) Tô Kim Phượng cho biết thực hiện Nghị quyết số 105, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132 trong quý 4/2023.

Thực hiện Nghị quyết số 105, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132 và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa ra các kiến nghị, đề xuất.

Qua đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132 và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng yêu cầu tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Theo bà Phượng, việc khống chế chi phí lãi vay đối với DN có giao dịch liên kết nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các DN có giao dịch liên kết, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10%-30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Theo đó, Nghị định số 132 quy định mức khống chế chi phí lãi vay theo mức cao nhất là 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế triển khai Nghị định số 132, việc khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp DN vay ngân hàng thời gian qua nhiều DN có kiến nghị bỏ quy định này.

Qua ý kiến phản ánh của DN, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát, thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là hoạt động thường xuyên và phổ biến. Trên cơ sở kiến nghị của DN, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi trên cơ sở kiến nghị của DN.

Bà Phượng cho biết theo quy định tại Nghị định số 132, DN có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết như cho thuê, mượn, vay tài sản hữu hình, tài sản vô hình,... thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này để tránh việc sắp xếp làm thay đổi thu nhập tính thuế dẫn đến ảnh hưởng nghĩa vụ thuế phải nộp của từng DN.

Trường hợp DN không có quan hệ liên kết, độc lập với nhau có phát sinh các giao dịch cho mượn kho, trang thiết bị, hay là đào tạo nhân lực... thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Như vậy, không phải tất cả các giao dịch đều là giao dịch thuộc phạm vị điều chỉnh của Nghị định số 132.

Giao dịch liên kết hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế, đặt biệt là trong vấn đề chuyển giá. Do đó, cơ quan thuế hàng năm đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, phòng ngừa sai phạm; cũng như nắm được những vướng mắc, bất cập để từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tính đến ngày 15.8 vừa qua, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 441 DN có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 905 tỉ đồng, giảm lỗ 8.830 tỉ đồng, giảm khấu trừ 28,1 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.632 tỉ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 294 tỉ đồng, giảm lỗ 7.078 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 940 tỉ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023, với danh sách 42 DN thuộc đối tượng kiểm tra thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau thuộc các lĩnh vực: bất động sản, xây dựng, dược, hóa mỹ phẩm...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu, trong những tháng cuối năm 2023, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, kiểm tra, rà soát các tờ khai, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là những DN được miễn giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.

Bài liên quan
LS.Trương Thanh Đức: Khống chế lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là bất hợp lý
LS.Trương Thanh Đức cho rằng quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý về nội dung khống chế lãi vay tại Nghị định 20 là không hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên bỏ trần chi phí lãi vay 30% của doanh nghiệp có giao dịch liên kết?