Theo Bộ Công an, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng chính phủ điện tử.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng kết nối, phục vụ xây dựng chính phủ điện tử

Thu Anh | 22/06/2021, 16:52

Theo Bộ Công an, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng chính phủ điện tử.

Bộ Công an cho biết đã cơ bản hoàn thành bước đầu tiến độ xây dựng, triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Bộ cũng đã xây dựng được Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an toàn, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí"; vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh, vừa làm vừa giám sát, kiểm tra, thanh-quyết toán, tránh lãng phí, tiêu cực…

co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-san-sang-ket-noi-phuc-vu-xay-dung-chinh-phu-dien-tu.jpg
Hệ thống Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được kích hoạt vận hành - Ảnh: VGP

Ngoài ra, Bộ cũng đã cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt 96,6%, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc; đã thu nhận hồ sơ để cấp hơn 52 triệu thẻ căn cước. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng chính phủ điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Công an, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án nêu trên, Bộ Công an đã xác định đây là một “chiến dịch”, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng, 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đặc biệt, đây cũng là 2 dự án CNTT lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan trung ương đến các tỉnh thành, địa phương trong cả nước...

Theo Bộ Công an, việc thực hiện 2 dự án đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực công tác. Trong đó có bài học về khai thác, ứng dụng KH-CN hiện đại trong xây dựng 2 dự án và chuyển đổi tư duy trong thực hiện các mặt công tác từ thủ công sang ứng dụng công nghệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH-CN là một xu thế tất yếu.

Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20.5.2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã xác định: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả”.

Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: “Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực”.

Bài liên quan
Cơ sở dữ liệu – tài nguyên quan trọng phát triển Chính phủ điện tử
Cơ sở dữ liêu (CSDL) là nguồn lực, tài nguyên quan trọng để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng kết nối, phục vụ xây dựng chính phủ điện tử