Hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở TP.HCM lâm vào cảnh khó khăn điêu đứng vì chưa được phép hoạt động trở lại.

Cơ sở kinh doanh karaoke kiến nghị cho hoạt động trở lại

02/06/2020, 18:03

Hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở TP.HCM lâm vào cảnh khó khăn điêu đứng vì chưa được phép hoạt động trở lại.

Dịch vụ karaoke ở TP.HCM đều đóng cửa từ ngày 15.3 đến nay - Ảnh: Tiểu Vũ

Đại dịch COVID-19 do coronavirus chủng mới gây ra được xác nhận lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23.1.2020. Sau khi dịch bùng phát, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, việc phòng chống dịch dài hơi và căn cơ hơn, đồng thời vẫn duy trì phát triển kinh tế xã hội.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 2.6, Việt Nam ghi nhận 328 ca nhiễm, trong đó có 298 bệnh nhân đã xuất viện và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bị nhiễm nào. Trong đó đáng chú ý nhất là từ ngày 16.4 đến nay, riêng tại TP.HCM chưa phát hiện có thêm ca nhiễm mới nào.

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, trong thời gian diễn ra bệnh dịch, TP.HCM đã thực hiện tốt các biện pháp biện pháp phòng chống dịch như cách ly, giãn cách xã hội, theo dõi và hạn chế người đến từ vùng có dịch, kiểm soát các cửa khẩu và triển khai việc thực hiện khai báo y tế. Nhiều hoạt động tập trung đông người tại TP.HCM cũng bị hạn chế,

Để siết chặt các biện pháp phòng chống COVID-19, từ ngày 14.3, UBND TP.HCM đã cho tạm ngưng hoạt động vui chơi giải trí như rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu.

Sau gần 2 tháng đóng cửa, ngày 9.5, UBND TP.HCM ra văn bản khẩn cho phép các quán bar, sân khấu, pub, điểm hát với nhau, cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, xông hơi; các khu vui chơi, giải trí… được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hai loại hình dịch vụ tương tự là karaoke và vũ trường vẫn buộc phải tiếp tục dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh.

Do phải dừng hoạt động quá lâu, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở TP.HCM bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn điêu đứng vì vẫn phải chi trả những khoản tiền rất lớn để duy trì cơ sở kinh doanh để chờ đến ngày được mở cửa hoạt động trở lại.

Mới đây, 7 chủ cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống karaoke Nnice đã gửi đơn “kêu cứu” lên UBND Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đề nghị xin cứu xét cho phép dịch vụ karaoke được phép hoạt động trở lại.

Đơn của 7 cơ sở kinh doanh karaoke gửi UBND TP.HCM

“Bị ảnh hưởng nặng nề bởi từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát và nhất là kể từ khi ngưng mọi hoạt động, đã gây thiệt hại nặng nề cho người lao động và doanh nghiệp chúng tôi, hàng trăm lao động phải nghỉ việc, thu nhập chỉ còn rất ít ỏi từ nguồn trợ cấp. Các doanh nghiệp karaoke Nnice chúng tôi cũng bị thiệt hại rất nặng nề, nguồn thu mất hoàn toàn lại phải vay mượn để chi hỗ trợ nhân viên, trả tiền thuê nhà, chi trả lãi vay... thiệt hại nhiều tỉ đồng mỗi tháng. Sau hơn 3 tháng chịu đựng. Nay chúng tôi thật sự đã kiệt sức!”, đơn của 7 chủ doanh nghiệp thuộc hệ thống karaoke Nnice nêu.

Dịch vụ karaoke ở TP.HCM đều đóng cửa từ ngày 15.3 đến nay

Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, không chỉ hệ thống karaoke Nnice bị ảnh hưởng mà hầu như tất cả cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ ở TP.HCM cũng bị thiệt hại nặng nề do ngừng hoạt động quá lâu.

Dịch vụ karaoke Idol tại Q.7 TP.HCM cho biết, trước khi dịch COVID-19 diễn ra, điểm karaoke này có 17 nhân viên phục vụ, đa số là những người trẻ từ các tỉnh thành lên thành phố tìm việc. Sau khi có lệnh đóng cửa, các nhân viên phải tứ tán khắp nơi để kiếm việc khác. Nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì không có việc làm, không có tiền trả tiền thuê nhà trọ. Trong khi đó, cơ sở cũng chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ để giúp các nhân viên duy trì cuộc sống.

Karaoke Idol ở Q.7 đóng cửa suốt 3 tháng nay

“Đó là chưa kể hệ thống máy móc lâu ngày không hoạt động có thể bị hư hỏng nặng, tiền thuê mặt bằng và các dịch vụ khác mỗi tháng cũng lên đến hơn 100 triệu đồng. Chúng tôi đang cố gắng duy trì và mong các cơ quan chức năng “chiếu cố” cho phép hoạt động trở lại, chứ tình trạng này kéo dài, nguy cơ phá sản là rất lớn”, anh Long quản lý dịch vụ Karaoke Idol bộc bạch.

Dịch vụ karaoke chưa được phép hoạt động trở lại cũng ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của những người lao động làm việc cho các dịch vụ này.

Khuyên, cô gái 26 tuổi đến từ Nghệ An, làm công việc pha chế tại karaoke Idol cho biết, cô phục vụ ở Idol hơn 3 năm, lương hướng cũng tạm ổn. Khi quán đóng cửa, cô bối rối không biết sẽ làm gì để sống vì đã quen với công việc pha chế. Rất may là gần đó có dịch vụ cho thuê đồ cưới nhận Khuyên vào làm. Trong thời gian này, Khuyên tạm làm ở đây để chờ karaoke mở lại sẽ trở về với công việc cũ.

Tương tự như Nnice và Idol, dịch vụ karaoke La Royal tại đường Trương Định Q.1, TP.HCM cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Anh Tùng quản lý điểm karaoke này cho biết, vì ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố nên giá thuê mặt bằng rất cao, mỗi tháng cơ sở phải trả đến cả trăm triệu đồng. Suốt 3 tháng đóng cửa, cơ sở phải trả tiền đều đặn. Ngoài ra, công ty phải chi ra nhiều khoản khác như dịch vụ bảo vệ, dọn vệ sinh, bảo trì máy móc…

Dịch vụ Karaoke La Royal tại đường Trương Định Q.1, TP.HCM vắng lặng, phía trước thành nơi để xe

Đa số các chủ cơ sở kinh doanh karaoke cho rằng hiện nay tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đã được kiểm soát tốt, người dân cũng ý thức và quen với các biện pháp phòng chống dịch. Trong khi đó UBND TP.HCM cũng đã cho phép các dịch vụ như quán bar, sân khấu, pub, điểm hát với nhau… hoạt động trở lại thì việc khôi phục lại vụ karaoke vào thời điểm này là hợp lý.

“Trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn của doanh nghiệp và người lao động như đã nêu trên, và trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ... đều đã được khôi phục, chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn Hóa và Thể Thao cùng các cơ quan chức năng thành phố có đề xuất kịp thời đến Chính Phủ và Thủ Tướng cho phép các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được phép mở cửa hoạt động trở lại, tiếp tục phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân, giúp người lao động có thu nhập, việc kinh doanh của các doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục ổn định”, đơn của các chủ doanh nghiệp thuộc hệ thống karaoke Nnice viết.

Tiểu Vũ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ sở kinh doanh karaoke kiến nghị cho hoạt động trở lại