Nhiều đứa trẻ được sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc trải qua các kỳ nghỉ ở các địa điểm ghi hình, và phụ huynh sẵn sàng chi tiền để giúp con mình có thể thành ngôi sao.

Con cái tầng lớp trung lưu Trung Quốc đua nhau học nghề diễn

Cẩm Bình | 08/08/2018, 17:12

Nhiều đứa trẻ được sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc trải qua các kỳ nghỉ ở các địa điểm ghi hình, và phụ huynh sẵn sàng chi tiền để giúp con mình có thể thành ngôi sao.

Guo Rui tuy chỉ mới 10 tuổi, nhưng cô bé đã xác định mình sẽ làm diễn viên. Và như nhiều đứa trẻ thuộc gia đình trung lưu khác, Rui đang nỗ lực để đạt được mục tiêu, bằng cách xuất hiện trước ống kính nhiều nhất có thể.

Bé chia sẻ: “Em luôn tự nói với mình rằng nếu có thể xuất hiện trên TV hoặc màn ảnh rộng, và diễn xuất của em được nhiều người xem, thì em sẽ cảm thấy rất tự hào”.

Guo đang tham gia một bộ phim có nội dung về vấn đề giao tiếp giữa con cái với cha mẹ. Đây là một trong nhiều phim có trẻ em góp mặt diễn xuất đang được sản xuất ở khắp Trung Quốc.

Trong một ngày nóng bức, các diễn viên nhí phải đóng đi đóng lại nhiều lần một phân cảnh ở một con hẻm ngoại ô thành phố Hàng Châu chỉ để đổi lấy 1- 2 phút xuất hiện trên phim. Giữa những lần đóng lại, các em lại bị cha mẹ hoặc thành viên đoàn làm phim la mắng vì thể hiện chưa tốt.

Danh đi cùng lợi

Trong khi bạn cùng lớp đi học thêm hoặc du lịch cùng gia đình khi được nghỉ hè, thì những diễn viên nhí như Rui phải cặm cụi học thoại và diễn xuất, mặc dù chỉ nhận được ít, thậm chí không có thù lao.

Phụ huynh cho biết họ cùng con cái mình chấp nhận như vậy, miễn sao được lên màn ảnh rộng. Người trong ngành chia sẻ chuyện này là bình thường khi tham gia sản xuất phim có kinh phí thấp.

Giống như người lớn, diễn viên nhí phải dành ra nhiều thời gian cho vai của mình. Cha mẹ cũng sẵn sàng trả tiền cho con tham gia mọi lớp học nếu cần thiết, cũng như chở con đến địa điểm ghi hình. Tất cả để giúp đạt được giấc mơ thành ngôi sao.

Liao Feifei, quản lý của một số nghệ sĩ trẻ ở Trung Quốc ký hợp đồng với một công ty phim truyện ở Thượng Hải, cho biết ngoài danh tiếng cùng địa vị xã hội, nhiều tên tuổi lớn trong ngành giải trí nước này cũng nằm trong danh sách kiếm được nhiều tiền nhất.

Công ty Liao làm việc thường giới thiệu trẻ em đóng 1 - 2 quảng cáo mỗi ngày, và ít nhất một phim/tháng. Cô chia sẻ: “Việc kinh doanh của chúng tôi phát triển rất nhanh, nhờ vào thành công của những ngôi sao trẻ như nhóm nhạc TF Boys. Trong quá khứ, các bậc cha mẹ không bao giờ tưởng tượng được con họ có thể đóng phim điện ảnh hay phim truyền hình. Nhưng với người quản lý diễn viên nhí cùng không ít trung tâm đào tạo tài năng hiện nay thì chuyện làm diễn viên trở nên khả dĩ”.

Các diễn viên nhí cũng phải bỏ nhiều thời gian, công sức cho vai diễn - Ảnh: SCMP

Mỗi năm, diễn viên nhí của công ty này phải đóng đến hàng chục nghìn Nhân dân tệ (10.000 tệ tương đương khoảng 1.500 USD). Phần lớn những trẻ mà Liao quản lý là con cái gia đình khá giả.

“Phần lớn thành viên công ty chúng tôi đều rất tập trung vào việc diễn xuất, vì vậy phụ huynh hỗ trợ bằng cách đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và sức lực cho quyền lợi con cái họ”, Liao chia sẻ.

Hai năm trước, Guo Rui được một chuyên gia săn tìm tài năng phát hiện và mời ký hợp đồng. Bây giờ Rui thường làm việc vào các kỳ nghỉ đông và nghỉ hè. Em đã góp mặt trong không ít phim.

Cha mẹ Rui đã chi hơn 200.000 tệ (gần 30.000 USD) cho con học lớp diễn xuất, đàn piano, múa. Số tiền này chưa tính chi phí ký hợp đồng với công ty và đưa em đi quay ở nhiều thành phố khác. Yang Wei, mẹ của Rui, làm việc trong đội ngũ quản lý một bệnh viện nên có thời gian linh động, có thể đưa đón con gái.

Trường hợp của gia đình Guo Rui không cá biệt. Phụ huynh của Huang Kai, sống tại thành phố tỉnh Giang Tây, cũng bỏ ra hàng trăm nghìn tệ cho cậu bé học nhảy, mong sau này Kai thành ngôi sao.

Thần tượng của Kai là Lộc Hàm, một ca sĩ nổi tiếng có vũ đạo tốt của Trung Quốc. Theo mẹ của em: “Tham gia lớp nhảy có thể giúp con đường thành danh của con tôi tốt hơn, đồng thời cũng dạy nó về sự kiên trì”.

Đi đóng phim là học thêm kỹnăng

Tham gia diễn xuất cùng Guo Rui còn có Li Jiahang (8 tuổi), Li Mingle (9 tuổi) và Gong Yanning (12 tuổi).

Mẹ của Mingle cho biết đây là bộ phim thứ ba con mình được đóng kể từ khi ký hợp đồng với một quản lý vào mùa hè năm ngoái. “Họ hàng thường khen Mingle đẹp trai, vì vậy tôi và chồng nghĩ để con sau này làm diễn viên cũng là điều tốt. Chúng tôi không biết phải bắt đầu như thế nào cho đến khi được nói chuyện với một quản lý”, bà chia sẻ.

Mingle vẫn chưa nhận được đồng thù lao diễn xuất nào, nhưng mẹ của em không cho đây là vấn đề lớn. Theo bà: “Chúng tôi đánh giá cao cơ hội này. Không phải chỉ vì con tôi thích, mà còn bởi những vai diễn dạy cho thằng bé phải biết chịu đựng khó khăn, như không được ngủ đủ hay phải chịu lạnh. Con tôi phải bận quần áo mỏng khi quay phim vào mùa đông. Tôi rất lo, nhưng thằng bé đã rất nỗ lực”.

Chuẩn bị cho một ngày quay phim - Ảnh: SCMP

Wang Bei, nhân viên cao cấp của công ty tư vấn Ái Mạn (Bắc Kinh), cho biết phim điện ảnh lẫn phim truyền hình về trẻ em đang ngày càng nhận được nhiều tài trợ. Theo bà, một trong những nguyên nhân cho chuyện này là các bậc phụ huynh muốn con được học thêm nhiều kỹnăng ngoài trường học, như nghệ thuật chẳng hạn.

Xiong Bingqi, Viện phó Viện nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21 (21cedu), đánh giá trẻ em đóng phim không có gì là sai trái cả, miễn là điều này xuất phát từ ý thích của các em. Hơn nữa, đây cũng là một con đường theo đuổi thành công khác ngoài con đường học tập.

Tuy nhiên, ông Xiong lo ngại trường hợp cha mẹ ép buộc con tham gia diễn xuất, chỉ vì mong sớm nổi tiếng.

Mẹ của Mingle không chắc lắm về việc cho con đi theo nghiệp diễn xuất, và lo rằng việc học tập của em sẽ bị ảnh hưởng. Phụ huynh của Guo Rui cũng có nỗi lo tương tự. Bà mong cô bé tập trung học hành trong 2 năm tới.

“Chúng tôi là kiểu gia đình truyền thống. Chúng tôi vẫn muốn con bé có một công việc bình thường thay vì làm diễn viên. Nhưng đây là sở thích của con gái tôi. Tôi sẽ cố thuyết phục nó thay đổi ý kiến”, mẹ của Rui chia sẻ.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan
Người Nhật đau đầu đối phó với nạn cát vàng đến từ Trung Quốc
Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
10 phút trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con cái tầng lớp trung lưu Trung Quốc đua nhau học nghề diễn