Nhắc đến chiếu Định Yên, hầu như không ai khỏi tiếc nuối cho khu Chợ ma làng chiếu một thời nổi danh miền sông nước nay chỉ còn là ký ức…

Còn đâu Chợ ma làng chiếu

Một Thế Giới | 09/11/2014, 10:37

Nhắc đến chiếu Định Yên, hầu như không ai khỏi tiếc nuối cho khu Chợ ma làng chiếu một thời nổi danh miền sông nước nay chỉ còn là ký ức…

Chợ ma chỉ còn trong ký ức

Tuy nếp sinh hoạt chợ ma làng chiếu đã dứt cách đây hơn 4 năm về trước, nhưng những hình ảnh đẹp ấy vẫn nằm lòng trong câu chuyện tiếp khách phương xa của các cao niên ở Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Vĩnh Khoan, 68 tuổi, ngụ ấp An Bình, một thợ dệt chiếu có thâm niên nhất trong làng tươi cười: “Giờ “chợ ma” đâu còn nữa. Nghĩ cũng tiếc, vì dân vùng khác biết đến Định Yên một phần cũng nhờ cái chợ này”. 
Gia đình ông Nguyễn Vĩnh Khoan, là một trong số những hộ theo nghề dệt chiếu truyền từ đời này qua đời khác tại Định Yên. Bởi thế, nên “chợ ma” từ lâu đã trở thành một phần trong nếp sống của cả dòng họ.

Theo lời ông Khoan, sở dĩ gọi là “chợ ma”, “chợ âm phủ” vì thời gian họp chợ bắt đầu từ nửa đêm đến khoảng 3 giờ sáng là tan hẳn. Thuở xưa, người bán chiếu chỉ dám xách theo những ngọn đèn mù u leo lét, nên cả khu chợ tối đen. Người mua kẻ bán ai cũng thì thầm, lặng lẽ.

Gọi là chợ, nhưng hoàn toàn không có kệ, sạp như bình thường. Người bán phải ôm, vác từng bó chiếu to, đi qua đi lại khe khẽ chào hàng. Thương lái muốn mua, chỉ cần ghé lại, lấy đèn soi, lật qua, trở lại để kiểm tra sơ sơ chất lượng chiếu rồi cứ thế định giá và vác xuống thuyền để chở đi khắp vùng.
cho ma lang chieu
 Khung cảnh mua bán trong đêm của chợ ma làng chiếu. Ảnh: Hữu Long
Ông Khoan gật gù kể tiếp: “Tuy họp chợ trong điều kiện thiếu ánh sáng và lặng lẽ như thế, nhưng hoàn toàn không có chuyện “mua gian bán lận”, vì dân làng chiếu sống bằng nghề từ rất lâu đời. Mỗi tấm chiếu dệt ra là niềm tự tôn riêng của mỗi gia đình, thế nên, không có chuyện lợi dụng đêm khuya để trà trộn những tấm chiếu dệt ẩu, kém chất lượng. Chắc cũng nhờ lẽ đó, nên chiếu Định Yên mới tồn tại được đến ngày hôm nay”.
Toàn khu chợ nếu đứng nhìn từ xa chỉ thấy những đốm đèn mù u lập lòe, đỏ ké, người dân lượn lờ, đi đứng nhẹ nhàng chậm rãi, thoắt ẩn thoắt hiện như những bóng ma. 
Ông Khoan hớp ngụm trà, chậm rãi giải thích: “Bởi vậy, nên người ta cứ quen miệng gọi là “chợ ma”, “chợ âm phủ”. Có nhiều người không biết, tới đây tìm hiểu còn tưởng là do khu chợ này có ma cỏ gì đó. Nhưng đâu có phải, họp chợ trong sân chùa mà, chốn đình chùa linh thiêng, có ma sao được”.
Và sở dĩ, người dân làng Định Yên phải họp chợ thầm lặng như vậy là để trốn “sưu cao, thuế nặng” của địa chủ, lệ làng. Cứ thế, nếp sinh hoạt “chợ ma” đã ăn sâu vào tâm hồn người dân làng chiếu hơn một thế kỷ trôi qua. Nên đến khi không còn phải chịu áp bức, bóc lột “sưu cao, thuế nặng”, thì thợ dệt chiếu vẫn nửa đêm thức giấc mang chiếu ra sân chùa chào mời thương lái. 
cho ma lang chieu
 Đường vào làng chiếu Định Yên rực rỡ màu lát nhuộm
Không còn người “điểm rồng, dệt phượng”

Có thể nói, bao nhiêu đời nay, dù kinh qua nhiều thăng trầm nhưng người dân làng chiếu hầu hết đều muốn bám trụ với nghề. Và vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết, luôn trăn trở bởi những giá trị truyền thống độc đáo của làng chiếu Định Yên đang dần bị mai một.

Gia đình bà Phạm Thị Thanh, 83 tuổi, vốn là hộ làm chiếu nổi tiếng nhất Định Yên và tiếng tăm còn lan ra cả những vùng lân cận. Sở dĩ vậy vì cha chồng đã quá cố của bà Thanh là ông Nguyễn Văn Dậu, thường gọi là ông Bảy Dậu vốn có tuyệt kỹ “rải bông, rải chữ” và tất cả các loại hình thù lên chiếu.

Theo bà Thanh, thì “rải bông, rải chữ”, nghĩa là các sợi chiếu màu được sắp xếp, đan xen với những sợi chiếu trắng sao cho thành hình hoa hồng, công phượng chứ không phải kiểu dệt chiếu xong rồi vẽ lên. Phải là thợ lành nghề, có kỹ thuật tỉ mỉ, khéo léo mới có thể dệt được loại chiếu này.

Và thợ dệt chiếu được liệt vào hàng nghệ nhân như ông Bảy Dậu, giờ cũng không còn được mấy ai. Bà Thanh ngùi ngùi: “Cha chồng tôi cũng có truyền nghề cho tôi, nhưng ngặt nỗi thời buổi này, cưới hỏi, lễ Tết người ta đâu có tặng nhau đôi chiếu rải bông tay gọi là quà giá trị nữa”.

Xen thêm cái tặc lưỡi tiếc nuối, bà Thanh nói tiếp: “Vả lại, chiếu rải bông phải được dệt bằng tay, vì máy dệt chạy nhanh quá, người thợ sẽ không tài nào chọn màu lát kịp, đã vậy còn phải se sợi bố căng làm sao cho thành hình nữa, phức tạp lắm nên giá thành loại chiếu này thuộc hàng cao ngất ngưởng”. Cũng do vậy mà giờ tìm khắp Định Yên, không biết còn có mấy ai biết “rải bông, rải chữ” lên chiếu.

Trước kia, mỗi dip lễ Tết, cưới hỏi, dân các vùng và cả thương lái khắp nơi đều ghé nhà ông Bảy Dậu để đặt đôi chiếu “rải chữ” song hỷ, phúc lộc, “rải hình” công, rồng phượng. Nhưng nay, bà Thanh đành phải gác lại khung tay.

Hầu hết người làng Định Yên bây giờ đều chuyển sang đầu tư máy dệt công nghiệp. Nếu dệt tay phải cần 2 người 1 khung, thì dệt máy chỉ cần 1 người điều khiển, năng suất có thể gấp 4 lần dệt khung tay. Bởi vậy, nên những tuyệt kỹ dệt chiếu thủ công nức tiếng một thời của Định Yên dần chìm vào quên lãng.
cho ma lang chieu
 Khung dệt chiếu máy chỉ cần 1 nhân công
Bà Thanh tâm sự: “Giờ tôi chỉ mong ai đó có tâm, về khôi phục lại nghề dệt chiếu tay. Để du lịch, hay để bảo tồn văn hóa, thì cũng đâu đến nỗi làm ra không bán được. Chỉ cần giữ được 1 – 2 người biết “rải bông, rải chữ” mới có cơ may tay nghề không bị mất đi”.
Không còn chợ ma làng chiếu một thời danh tiếng, cũng thưa dần những nghệ nhân điểm rồng, dệt phượng cho tấm chiếu lát thêm phần lộng lẫy. Không biết rồi mai mốt đây, những giá trị văn hóa độc đáo của làng nghề đã tồn tại hơn 100 năm qua sẽ còn hay cũng mất …
Bá Nguyễn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn đâu Chợ ma làng chiếu