Cha mẹ đẻ thường coi dâu, rể như khách nhưng con đẻ của mình thì phải “roi vọt”, chê trách, nắn chỉnh đủ đường.

Con đẻ thường 'bóc lột' cha mẹ đẻ rất kinh…

Theo Gia đình và Xã hội | 22/08/2016, 10:21

Cha mẹ đẻ thường coi dâu, rể như khách nhưng con đẻ của mình thì phải “roi vọt”, chê trách, nắn chỉnh đủ đường.

Cũng như vậy, con dâu thường tìm mọi cách để chiều chuộng bố mẹ chồng, còn con đẻ thì hở ra là tìm cách “bóc lột”, lợi dụng bố mẹ. Mấy cô đi lấy chồng rồi mà về nhà mẹ đẻ, mang về ít, khuân đi thì nhiều…

Con gái đi làm dâu, vừa được ba ngày, luống cuống chạy thẳng vào nhà mẹ đẻ, xô đổ cả phên cửa gài hờ chống nắng, cuống cuồng nói:

- Mẹ cho con xin cái chậu với chục bát

Mẹ đang nằm thiêm thiếp ngủ trưa, bật dậy ngơ ngác, chưa kịp hỏi gì đã thấy tiếng lạch cạch ở chạn bát trong bếp rồi tiếng dép đi ra ngoài sân vội vã. Mẹ gọi với ra hỏi, con gái đáp lời:

- Con rửa bát ngoài sông, trượt tay rơi vỡ cả chậu bát. Con sợ mẹ chồng chửi

- Ờ. Thế lấy cái chậu nào thì lấy

Lúc mẹ ra, không thấy con gái đâu, cái chậu to đẹp nhất cũng biến mất. Bữa tối, cơm soạn ra thiếu bát ăn. Hôm sau, mẹ phải gửi người mua giúp chục bát mới. Đấy không phải lần duy nhất con gái về nhà mẹ mang đồ đi. Khi thì cắt cỏ đánh mất liềm, chạy về nhà mẹ lấy liềm của mẹ. Khi thì cắt buồng chuối sắp chín, mớ rau non mơn mởn.

Ngày con gái lấy chồng, ai cũng chúc mừng, có phúc con lấy chồng gần/có bát rau cần, nó cũng bưng cho. Thế mà con gái mẹ lấy chồng gần, chưa bưng được về cho mẹ cái gì, chỉ thấy bưng của nhà đi.

Ngày giỗ chạp, nhà có cỗ, con gái chẳng đỡ đần mẹ được gì, chỉ chạy về khi cỗ bày ra xong xuôi, ăn xong gói ghém phần rồi tất bật chạy về, chẳng ở lại rửa bát hay dọn dẹp cho mẹ. "Con còn bận việc nhà con". Nghe mà chua xót.

Mấy chục năm sau, giờ con gái cũng gả con gái đi lấy chồng. Con gái trở thành "nhà ngoại" mới thấm thía hiểu mẹ. Con gái dứt ruột đẻ ra, vừa thương vừa xót, nói nặng một câu cũng không nỡ, miếng ngon nào cũng để phần cho, mặc quần áo cũ để nhường con may áo đẹp, cho con học hành đến nơi đến chốn, học xong đã cuốn gói theo chồng, chưa kịp báo hiếu cho mẹ ngày nào.

Để dành món ngon cho con, gọi năm lần bảy lượt con gái mới về vì "con bận việc nhà con". Đến lúc về, có khi chỉ tạt qua nhà, "vơ vét" được gì thì mang đi.

Con gái ở nhà với mẹ, ngày chủ nhật, mẹ cố đi nhẹ, nói khẽ, kéo rèm cửa để cho con ngủ thêm một chút. Ở với mẹ chồng, dù những ngày phải đi làm cũng phải lục đục dậy sớm nấu nướng dọn dẹp rồi mua đồ ăn sáng cho cả nhà rồi mới đi làm.

Ở nhà với mẹ đẻ, suốt ngày bị mẹ chê vụng thối vụng nát, nhưng sau lưng thì lại thanh minh, nói nó chỉ mải học, không biết làm gì. Ở với mẹ chồng, không bao giờ thấy mẹ chồng chê trước mặt, nhưng cả xóm biết con gái của mẹ vừa vụng vừa lười.

Ngày con gái có bầu, mẹ mừng mừng tủi tủi, vội vã đi mua đồ bổ cho con gái ăn, căn dặn đủ điều rồi lại ôn lại chuyện chửa đẻ ngày xưa như vừa mới hôm qua. Lúc nghe tin con sắp trở dạ, mẹ cuống cuồng chân nọ xọ dép kia, chạy đến bệnh viện chăm con. Cả đêm, mẹ bế cháu bước đi khẽ khàng, đung đưa, dỗ dành à ơi cho con gái ngủ. Hễ con gái có đòi tự bế, mẹ lại gạt đi, bắt con nghỉ ngơi.

Mẹ chồng lên thăm cháu một lúc rồi về, chỉ có mẹ ở lại tất bật với bỉm, sữa, tã rồi xoa lưng, xoa ngực cho con dịu cơn đau nhức sữa. Đêm khuya hay gần sáng, chỉ cần cháu ọ ẹ, mẹ lại bật ngay dậy ôm lấy cháu, bắt con ngủ tiếp cho đỡ mệt. Ra viện, mẹ lại cố chịu bất đồng và bất tiện đến nhà chồng con để giúp chăm con thêm mấy ngày để con bớt vất vả. Ra cữ, con mang cháu về với mẹ để mẹ chăm.

Mẹ làm tất cả mọi việc, không cho con đụng tay vào việc gì, bảo con chỉ cần chăm con là đủ. Nhưng lúc không làm gì, mẹ cũng giành cháu để bế ẵm, rửa ráy cho con đỡ mệt. Đến miếng cơm mẹ ăn cũng vội vàng để bế cháu thay cho con ăn. Mẹ lúc nào cũng vì con vì cháu.

Hết tháng, con lại bế con "về nhà con". Lần này, thương con thương cháu, mẹ còn bần thần hơn cả lúc tiễn con xuất giá. Con đi rồi, nước mắt mẹ lại chảy dài, đêm giật mình tưởng nghe tiếng khóc của cháu, ngày đi ra đi vào ngớ ngẩn buồn nhưng không làm gì được. Bởi vì con gái vốn dĩ là con người ta.

Theo Hàn Băng Vũ/Gia đình và xã hội
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con đẻ thường 'bóc lột' cha mẹ đẻ rất kinh…