Nhiều ý kiến băn khoăn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến.
Sáng 15.2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các tỉnh, thành phía Nam và TP.HCM.
LS Nguyễn Văn Hậu góp ý về điều 225 như dự thảo luật quy định thẩm quyền tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho TAND giải quyết. Theo ông, đây là tâm lý “làm không được thì đẩy qua tòa cho xong”.
LS Hậu đưa quan điểm, cần bám vào Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đất đai có nêu rõ phương châm “giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương”. Vì vậy, ông cho rằng dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền của người dân, bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng.
Đất đai là một đối tượng vô cùng phức tạp nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho TAND sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp giải quyết đất đai, trong khi vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND.
Do đó, LS Hậu đề xuất trao UBND thẩm quyền giải quyết tranh chấp vì hồ sơ đang được lưu giữ ở cơ quan hành chính. Như vậy, thủ tục cũng đơn giản hơn và người dân không cần đóng án phí 5% trên giá trị tài sản tranh chấp như khi ra toà.
Ở góc nhìn khác, LS Tô Văn Trung nêu quan điểm, nếu giao thẩm quyền cho UBND thì điểm thuận lợi là vấn đề được giải quyết nhanh hơn và có thể cấp luôn sổ hồng cho dân. Tuy nhiên, nếu UBND không thể giải quyết thì sự việc vẫn phải đưa ra toà.
Còn điều 226 dự thảo luật mới quy định tòa và UBND đều có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. LS Trung đề nghị nên giao thẳng việc này cho toà.
Theo Luật sư Trung, việc xử ở toà án sẽ tạo điều kiện để dân đối thoại trực tiếp với người ra quyết định hành chính. Toà cũng có luật hoà giải, khi hai bên có chung tiếng nói có thể rút ngắn thời gian giải quyết.
Ông dẫn chứng, luật hiện nay quy định nếu không đồng ý quyết định thu hồi đất, người dân có thể khiếu nại và khiếu kiện lên UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh tối đa hai lần. Nếu họ vẫn tiếp tục không đồng ý, sẽ khởi kiện ra tòa. Thực tế thì nhiều vụ khiếu nại hành chính qua cấp UBND không được giải quyết đúng thời hạn nên kéo dài vụ việc. Có những vụ UBND đã ban hành quyết định nhưng lại bị tòa án tuyên hủy.
"Do đó, bỏ khiếu nại qua UBND các cấp là phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế", ông cho hay.
Góp ý kiến dưới góc độ chính quyền, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Trần Văn Bảy đưa quan điểm, thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của tư pháp, không phải hành chính.
Theo ông, toà án hiện có quy trình "tiền tố tụng" rất hay, có hiệu quả là kênh hoà giải và đối thoại.
Vì vậy, không lo chuyện TAND xử lý thì không nắm vấn đề quản lý về đất đai, bởi hệ thống hồ sơ, dữ liệu đất đai đã được cải thiện nhiều so với trước đây.
“Chúng ta phải xuất phát từ nguyên lý tổ chức bộ máy Nhà nước để phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan để tính toán giao cho ai giải quyết cho "tâm phục, khẩu phục", đặc biệt là khiếu kiện", ông Trần Văn Bảy nhấn mạnh.
Ông Bảy cũng nêu ra một hạn chế khác của dự thảo luật là sự nhập nhằng trong phân định thẩm quyền chung, riêng khi giải quyết tranh chấp đất đai, gây hệ luỵ rất lớn.
Dự thảo luật hiện hành rất ít thẩm quyền của Chủ tịch UBND mà hầu hết giao chung chung, dẫn đến nhận thức tất cả đều là trách nhiệm tập thể.
Đơn cử, theo quy định, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của UBND. Tuy nhiên, tập thể UBND họp mỗi tuần một lần nên chỉ bàn những chủ trương hệ trọng, còn vấn đề cụ thể, cá biệt đều là Chủ tịch UBND xử lý. Đến khi UBND bị kiện ra toà thì vấn đề lại thành trách nhiệm tập thể, cơ quan tố tụng còn kiểm tra xem có biên bản họp nào của UBND bàn về vụ việc không.
Do đó, ông đề nghị Luật Đất đai cần rà soát để phân rõ thẩm quyền từng cấp và của thủ trưởng.
Cần quan tâm nhiều hơn về công tác tái định cư
Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
LS Hậu nói hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể về việc cấp tái định cư như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi thu hồi đất, nếu không hoàn thành phải có phương án bồi thường thay thế. Trong khi đó, nghị quyết 18 đã nêu chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước xong rồi mới tiến hành thu hồi đất.
Ngoài ra, cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng ở tạm thành ở thiệt.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh Tế Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, các quy định về vấn đề thu hồi đất bồi thường hỗ trợ tái định cư phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng được giải quyết một cách hài hòa. Người bị thu hồi đất, đặc biệt là người nông dân thường là phía chịu thiệt hơn khi nhà nước thu hồi đất. Theo ông, cần xác định rõ khu tái định cư thì phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.