Theo Tiểu dự án First-Nasati, cơ cấu các doanh nghiệp có và không có đổi mới sáng tạo sẽ được phân theo loại hình kinh tế...
Để thực hiện nội dung về tăng cường năng lực thống kê KH&CN, đổi mới sáng tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, từ tháng 7.2017 đến tháng 2.2018, Tiểu dự án First-Nasati đã tổ chức cuộc điều tra thống kê thử nghiệm về đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để có cách tiếp cận tiên tiến và áp dụng thử nghiệm phương pháp luận quốc tế trong điều tra đổi mới sáng tạo.
Theo đó, ngày 28.8,Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã tổ chức Hội thảo "Kết quả thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và đề xuất hoàn thiện công tác thống kê đổi mới sáng tạo ở Việt Nam".
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý, tiếp thị để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, Tiểu dự án First-Nasati cho biết có 4 loại ĐMST chính, bao gồm: Đổi mới sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ); Đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị (ĐMQT); Đổi mới tổ chức và quản lý (ĐMTC&QL); và Đổi mới tiếp thị (ĐMTT).
Theo kết quả điều tra từ 7.641 doanh nghiệp, bao gồm: 4.929 DN nhỏ (chiếm 26,25% tổng số DN nhỏ), 820 DN vừa (chiếm 90,01% tổng số DN vừa) và 1.892 DN lớn (chiếm 67,84% tổng số DN lớn), tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như tỷ lệ các DN có ĐMSP, ĐMQT, ĐMTC&QL, ĐMTT đều xếp vào thứ hạng khá cao so với những quốc gia được lựa chọn để so sánh.
Nhóm DN có quy mô lao động càng lớn thì tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo càng cao. Tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm các DN nhà nước là cao nhất, tiếp đến thuộc về các DN có vốn ĐTNN và cuối cùng là DN ngoài nhà nước.
Nhóm DN có tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên càng cao thì tỷ lệ % các DN đổi mới sáng tạo cũng càng cao. Xu thế này đúng với cả ba loại doanh nghiệp (nhỏ, vừa và lớn), nhưng thể hiện xu thế này rõ nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và lớn
Nhân lực nghiên cứu và phát triển chủ yếu có ở các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (95%). Bình quân nhân lực nghiên cứu và phát triển (trên mỗi DN) càng cao khi quy mô lao động của DN càng cao. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học trong doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là rất thấp (bình quân 3 tiến sĩ/100.000 lao động; 17 thạc sĩ/10.000 lao động). Cơ cấu cán bộ nghiên cứu trong khu vực DN của Việt Nam là 15% (2015), trong khi cơ cấu này của Hàn Quốc là 70% (2014)).
Trong khi đó, theo Tiểu dự án First-Nasati, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ chủ yếu ở tại các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 99%). Cơ cấu chi cho nghiên cứu và phát triển còn thấp (chỉ 12% so với chi đổi mới công nghệ 88%). Cơ cấu chi nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ phần lớn (>80%) thuộc về DN lớn, cũng như phần lớn thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài (70% tổng chi nghiên cứu và phát triển, 77% tổng chi đổi mới sáng tạo), DN ngoài nhà nước chiếm 27% chi nghiên cứu và phát triển, 19% chi đổi mới công nghệ, DN nhà nước chỉ chiếm 3% chi nghiên cứu và phát triển, 4% chi đổi mới công nghệ.
Doanh số sản phẩm do ĐMST mang lại chiếm 62% tổng doanh số sản phẩm của DN. Tỷ lệ này đạt cao nhất tại DN có vốn ĐTNN (65,6%); tại DN ngoài nhà nước là 59.1% và tại DN nhà nước là 43,3%. Trong tổng doanh số sản phẩm do ĐMST mang lại DN lớn chiếm 98%, DN vừa chiếm 7% và DN nhỏ chiếm 4%; DN có vốn ĐTNN chiếm 64%, DN ngoài nhà nước chiếm 32% và DN nhà nước chiếm 3%.
Các DN ĐMSP chủ yếu là nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm, nhất là tập trung vào cắt giảm chi phí sản phẩm, nhưng lại ít tập trung cho nghiên cứu để có được những tính năng hoàn toàn mới của sản phẩm. Tài chính cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu được huy động từ vốn tự có (khoảng 2/3 tổng đầu tư cho đổi mới công nghệ) và khoảng 1/3 từ vốn vay tín dụng.
Tỷ lệ DN nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước còn thấp. Tỷ lệ các DN được hưởng các chính sách về tín dụng hay chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ chỉ từ 10% đến 17%; tỷ lệ các DN được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật hay thực hiện nhiệm vụ KH&CN chỉ 3% đến 6%. Lý do DN không nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước là chưa biết về các chính sách đó; các hình thức hỗ trợ chưa sát với nhu cầu của DN; quy trình xét duyệt quá phức tạp; hoặc DN không biết bắt đầu từ đâu để liên hệ xin hỗ trợ.
Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được khoản tài trợ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới thông qua Hiệp định Tài trợ ký ngày 25.7.2013 (Khoản Tín dụng số 5257-VN) để triển khai thực hiện Dự án "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ" – Dự án First. Dự án có hiệu lực triển khai từ 22.10.2013 – 30.6.2019.
Mục tiêu của dự án First là hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thông qua việc thiết kế và thí điểm các chính sách KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển được dự án hỗ trợ, đồng thời khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Dự án sẽ hỗ trợ phát triển KH&CN ở Việt Nam thông qua 3 hợp phần:
Hợp phần 1: Hỗ trợ cơ sở để hoạch định chính sách và thí điểm chính sách KH&CN
Hợp phần 2: Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Hợp phần 3: Quản lý Dự án
Tiểu dự án "Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KH&CN và đổi mới sáng tạo", gọi tắt là Tiểu dự án First-Nasati, là tiểu hợp phần 1b của Hợp phần 1 củaDự án "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ".
Tiểu dự án First-Nasati có mục tiêu nâng cấp và hiện đại hóa việc thu thập, phổ biến và sử dụng các số liệu thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Các nhiệm vụ chính của Tiểu dự án bao gồm: Tăng cường công tác thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo theo phương pháp luận OECD và chuẩn mực quốc tế; Xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá các tổ chức KH&CN; Lập bản đồ công nghệ; Xây dựng Ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH&CN và Đổi mới sáng tạo.