Sáng 24.9, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3.7.2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đồng Nai có rất nhiều lợi thế. Trước hết là vị trí chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng và kinh tế. Dân số Đồng Nai với khoảng 3 triệu người là lợi thế thứ 2 khi có nhiều lao động trẻ và có khát vọng vươn lên. Đồng Nai là đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ cả 5 phương thức giao thông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng Đông Nam Bộ năng động.
Đồng Nai có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, rất phù hợp phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Và lợi thế quan trọng nữa là lịch sử, truyền thống hào hùng của vùng đất văn hóa hơn 300 năm.
Những lợi thế này được tỉnh Đồng Nai nỗ lực phát huy và đạt nhiều kết quả, nhất là vượt qua các khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần giải quyết. Quy mô nền kinh tế của tỉnh chưa tương xứng tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng, khâu kết nối và cải cách hành chính cần phấn đấu hơn. Việc phát triển KCN chuyên biệt và đào tạo nhân lực chất lượng lượng cao cần nỗ lực hơn...
Theo Thủ tướng, quy hoạch tỉnh Đồng Nai lần này là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, của giới khoa học, người dân, doanh nghiệp cũng như của cả nước. Quy hoạch tỉnh là động lực để Đồng Nai kết nối, hội nhập và cất cánh.
Để thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Đồng Nai tập trung vào: 1 trọng tâm, 2 tăng cường và 3 đột phá.
Theo đó, Đồng Nai xác định trọng tâm huy động mọi nguồn lực nhằm thực hiện quy hoạch tỉnh một cách đột phá. Thứ hai, tăng cường bao gồm yếu tố con người từ năng lực, trình độ đến vấn đề an sinh, trong đó đặc biệt quan tâm người yếu thế và tăng cường kết nối. Đồng Nai thực hiện kết nối quốc gia, quốc tế thông qua kết nối giao thông, kết nối các chuỗi cung ứng, cho đến kết nối văn hóa và giáo dục - đào tạo.
Thứ ba, đột phá đối với Đồng Nai, trước hết là đột phá về hạ tầng chiến lược; là đột phá về khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp bền vững; là đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, với tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao và nằm trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế của tỉnh sẽ phát triển năng động, đặc biệt đi đầu trong các lĩnh vực như kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững và giàu bản sắc, với trọng tâm là phát triển các đô thị sân bay và đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, bản sắc văn hóa được bảo tồn, môi trường sinh thái được bảo vệ và thích ứng với biến đổi khí hậu, quốc phòng và an ninh được đảm bảo vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao với hệ thống hạ tầng đồng bộ, thông minh và hiện đại. Tỉnh cũng sẽ trở thành trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, thu hút trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đồng Nai sẽ đảm bảo phát triển hài hòa các lĩnh vực xã hội, mang đến cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc cho người dân, cùng với việc bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết Đồng Nai có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế, với những điều kiện thuận lợi với người dân mến khách và lực lượng lao động chất lượng cao. Từ sự quan tâm của các cấp trung ương, Đồng Nai đã nhận thức sâu sắc về một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tận dụng cơ hội này để để phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, kiến tạo động lực phát triển mới, kết hợp thực hiện 5 đột phá chiến lược: khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các khu công nghiệp xanh, giảm phát thải carbon, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển tổ hợp giáo dục - đào tạo; triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai để sớm biến quy hoạch trở thành hiện thực, đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai cam kết lắng nghe, chia sẻ, nâng cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, kiến tạo phát triển, xây dựng môi trường sống và đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư tiếp cận quy hoạch, đề xuất ý tưởng và cạnh tranh lựa chọn nhà đầu tư trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai cam kết luôn gắn bó, đồng hành một cách trách nhiệm với doanh nghiệp, nhà đầu tư; lấy niềm tin, sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu hướng đến và thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mời gọi các nhà đầu tư hãy xây dựng chiến lược phát triển 100 năm tới tại Đồng Nai. Các thế hệ lãnh đạo Đồng Nai sẽ luôn tạo ra nhiều cơ hội vượt trội để các doanh nghiệp thành công vững chắc tại Đồng Nai - vùng đất đắc địa cho 100 năm tới.
Với chủ đề “Kết nối - Hội nhập - Cất cánh”, lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư rất được các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm bởi đây là địa phương có nhiều siêu dự án của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ.
Sau khi Quy hoạch tỉnh được công bố và triển khai, những vướng mắc trong thực hiện các dự án sẽ được khơi thông. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong tìm hiểu, tiếp cận thông tin về dự án trên từng lĩnh vực ở các huyện, thành phố. Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn những dự án phù hợp để đầu tư.
Dịp này, tỉnh Đồng Nai đã trao quyết định chấp nhận đầu tư cho 17 doanh nghiệp với tổng số vốn là hơn 6 tỉ USD.Các dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc các lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, bất động sản, khu đô thị, sản xuất công nghiệp...