Gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số tài khoản đăng tin rao bán chồn mướp, mèo rừng (động vật hoang dã quý hiếm bị cấm mua bán, săn bắt)… một cách công khai nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt.

Công khai rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội

Khải Trần | 01/11/2020, 09:40

Gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số tài khoản đăng tin rao bán chồn mướp, mèo rừng (động vật hoang dã quý hiếm bị cấm mua bán, săn bắt)… một cách công khai nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt.

1.jpg
Con mèo rừng mà tài khoản Đ.L. rao bán trên Facebook - Ảnh: Khải Trần

Rao bán mèo rừng công khai trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội Facebook gần đây xuất hiện tài khoản rao bán động vật hoang dã một cách công khai. Cụ thể, tài khoản có tên Đ.L. đã đăng hình ảnh 2 con mèo rừng (thường được gọi là chồn cáo mèo) kèm theo dòng trạng thái: “Có bác nào thích thú thì nhích thôi nào. Chồn cáo mèo con 1,2kg, con 2kg ngoài nhé”. Ngay sau khi Đ.L. đăng tải thông tin, có rất nhiều người vào bình luận. Một vài người hỏi bằng cách nào mà Đ.L bắt được mèo rừng, cũng có người trả giá mua mèo quý ngay trên “chợ mạng”.

Sau 2 giờ đăng tải mà Đ.L. vẫn chưa bán được cặp mèo rừng, lúc này tài khoản L.Đ. (chú của Đ.L.) vội chia sẻ hình ảnh kèm theo dòng tin: “Hiện tại thằng cháu nó mới bẫy được 2 con chồn cáo mèo, ai dùng liên hệ nhé, hơi bị hiếm”.

Trong vai người có nhu cầu mua chồn, PV liền nhắn tin hỏi giá thì được tài khoản L.Đ. cho biết giá bán là 800.000 đồng/kg. Đ.L. nói: “Con lớn 2,5kg quy ra tiền là 2 triệu đồng, con nhỏ 1,2kg là 960.000 đồng. Em muốn mua con nào?”. Khi PV hỏi chất lượng thịt con nào ngon hơn thì tài khoản này nói rằng con lớn thịt nhiều và săn chắc hơn.

4.jpg
Dòng trạng thái mà Đ.L. và L.Đ. đăng tin rao bán mèo rừng trên mạng xã hội - Ảnh: Khải Trần

PV giả vờ phân bua rằng có nhu cầu mua con lớn nhưng không biết vận chuyển bằng cách nào. Chẳng may nếu bị kiểm lâm hoặc lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ thì coi như mất trắng, lại còn bị phạt hành chính. Lúc này, tài khoản L.Đ. có hứa sẽ kêu người cháu giết thịt giúp mà không lấy tiền công và sẽ gửi xe khách quen vận chuyển đến địa chỉ của PV.

Khi PV thắc mắc về việc thịt mèo rừng có ngon như quảng cáo hay không thì tài khoản L.Đ. khẳng định: “Em an tâm, chồn hoang dã ngon hơn chồn nuôi gấp mấy lần. Con này anh đảm bảo ngon hơn thịt chồn hương nuôi luôn, chồn nuôi ăn thịt nhão nhẹt à, còn chồn này thịt dai ngon, ngọt mà săn chắc nữa, thơm lắm. Anh đảm bảo em ăn một lần là mê liền, an tâm”.

Được biết, cặp mèo rừng mà tài khoản Đ.L. và L.Đ đăng tin rao bán trên Facebook được tài khoản Đ.L. đặt bẫy ở khu vực thuộc rừng phòng hộ ven biển ở H.Phú Tân (Cà Mau). Tài khoản Đ.L. là người chuyên sống bằng nghề bẫy động vật hoang dã.

Bất chấp chế tài của pháp luật vì giá trị kinh tế cao

Chồn mướp, mèo rừng… là các loài động vật hoang dã thường sinh sống tập trung ở rừng sâu và có giá trị kinh tế khá cao. Vì vậy, nhiều thợ săn ở xứ rừng đã tìm cách đặt bẫy rồi đem bán cho dân sành ăn hoặc nhà hàng, quán nhậu. Thông thường để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện tịch thu và xử phạt, khi đặt bẫy dính chồn thì thợ săn đem bán hết cho mối quen biết của mình.

3.jpg
Đây là loại động vật hoang dã cấm mua bán- Ảnh: Khải Trần

Theo tìm hiểu của PV, chồn cáo mèo hiện có giá trên thị trường khoảng 800.000 - 900.000 đồng/kg. Đặc biệt, chồn hương hoang dã có giá khá đắt, khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/kg.

Ông D. (biệt danh D. chồn, ngụ H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết ông sống bằng nghề đặt bẫy mèo rừng, chồn… đến nay đã hơn chục năm. Thời gian đầu vào nghề, có ngày ông D. đặt dính vài ba con chồn cáo mèo là chuyện thường. Do có biệt tài đặt bẫy thú rừng giỏi nên ông D. được người dân địa phương đặt cho biệt danh là D. chồn.

Ông D. nói: “Hồi đó, ở đây ít người sống bằng nghề bẫy chồn lắm nên tôi mới có cơ hội trổ tài. Chồn cáo mèo rất thích ăn chuối, cá sống… chỉ cần tìm gặp lối mòn - nơi chúng thường đi mà đặt bẫy là bách phát bách trúng. Thời đó, chồn nhiều nhưng giá thì không cao như bây giờ nhưng cũng sống được lắm.

Bây giờ, do bị săn bắt nhiều nên chồn lại khan hiếm. Có khi cả tuần tôi mới bắt được 1 con, hên thì được con lớn, nặng ký mà ngay chồn hương nữa thì cũng có thu nhập khá. Con chồn bình thường thôi thì thấp gì cũng có tiền triệu trong tay”.

Theo ông D., tuy rằng rất “mát tay” với bẫy chồn nhưng có 1 điều kiêng kỵ mà ông không thể nào lý giải được - đó là trước khi đi đặt bẫy mà có người “đặt hàng trước” là coi như ngày hôm đó ông chẳng bẫy dính con thú nào. Ông D. chia sẻ: “Bình thường không ai đặt hàng thì mình dính 2-3 con liên tiếp thấy mà ham. Tuy nhiên, đến khi có người căn dặn thì coi như cả ngày hôm đó chẳng thu hoạch được gì, công cốc.

Lạ vậy đó, vài lần đầu người ta dặn dò như vậy thì mình cũng vui vẻ hứa với họ, nhưng những lần sau đó tôi để ý đúng là nên kiêng câu đó nên tôi có dặn khách nếu cần mồi thì gặp tôi cứ nói câu: “Có gì điện thoại cho tôi” là được. Quả thật, khi không còn người dặn trước thì công việc của tôi vô cùng thuận lợi, đặt bẫy dính hoài”.

2.jpg
Chồn cáo mèo được rao bán - Ảnh: Khải Trần

Nói về hành vi săn bắt, rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội, 1 cán bộ kiểm lâm địa bàn (thuộc lực lượng kiểm lâm Cà Mau) cho biết, đối với các loài động vật hoang dã thì pháp luật Việt Nam đã có quy định rạch ròi là không được giết thịt, săn bắt, vận chuyển, mua bán…

“Mèo rừng là động vật hoang dã bị cấm săn bắt, giết thịt, mua bán, ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Đối với những trường hợp nuôi thì khi vận chuyển, mua bán mà lực lượng chức năng kiểm tra thì phải xuất trình được giấy phép của cấp có thẩm quyền. Trường hợp không xuất trình được giấy phép sẽ bị lập biên bản, tịch thu toàn bộ lô hàng đó để thả về môi trường. Đồng thời người vận chuyển còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm của mình”, cán bộ kiểm lâm cho biết thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội