Việc Bing được Microsoft tích hợp công nghệ của OpenAI đã hướng người dùng đến với công cụ tìm kiếm từng ít được sử dụng và giúp nó cạnh tranh tốt hơn với công ty dẫn đầu thị trường Google về tốc độ tăng trưởng lượt truy cập trang, theo dữ liệu từ hãng phân tích Similarweb.

Công nghệ từ OpenAI giúp Bing tăng 15,8% lượt truy cập trong cuộc chiến với Google

Sơn Vân | 23/03/2023, 08:10

Việc Bing được Microsoft tích hợp công nghệ của OpenAI đã hướng người dùng đến với công cụ tìm kiếm từng ít được sử dụng và giúp nó cạnh tranh tốt hơn với công ty dẫn đầu thị trường Google về tốc độ tăng trưởng lượt truy cập trang, theo dữ liệu từ hãng phân tích Similarweb.

Lượt truy cập trang trên Bing đã tăng 15,8% kể từ khi Microsoft công bố phiên bản được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngày 7.2, so với mức giảm gần 1% của công cụ tìm kiếm Google do Alphabet sở hữu, theo dữ liệu tính đến ngày 20.3.

Những con số này là dấu hiệu ban đầu cho thấy Microsoft, nhà sản xuất hệ điều hành Windows, đã dẫn đầu trong cuộc đua với Google để giành vị trí thống lĩnh generative AI, nhờ vào công nghệ đằng sau ChatGPT, chatbot lan truyền mà nhiều chuyên gia gọi là "khoảnh khắc iPhone" của AI.

Generative AI là loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh đây là cơ hội hiếm có để Microsoft thâm nhập vào thị trường tìm kiếm trị giá hơn 120 tỉ USD, nơi Google đã thống trị trong nhiều thập kỷ với thị phần hơn 80%.

Gil Luria, nhà phân tích tại hãng D.A. Davidson & Co (Mỹ), cho rằng Bing sẽ giành được thị phần tìm kiếm trong những tháng tới, đặc biệt nếu Google tiếp tục trì hoãn việc tích hợp AI vào sản phẩm của mình.

Trong khi Bing chatbot đã có sẵn cho hầu hết người dùng trên toàn thế giới kể từ tháng 2, Google mới bắt đầu phát hành công khai chatbot Bard của mình hôm 21.3.

Gil Luria cho biết: “Bing chiếm chưa đến 1/10 thị phần của Google, vì vậy ngay cả khi nó có thêm được 1% hay 2% người dùng thì cũng sẽ có lợi về mặt vật chất cho Bing và Microsoft”.

Theo công ty nghiên cứu ứng dụng Data.ai, lượt tải xuống ứng dụng Bing cũng tăng gấp 8 lần trên toàn cầu sau khi tích hợp AI. Số lượt tải xuống ứng dụng tìm kiếm của Google đã giảm 2% trong cùng thời kỳ, dữ liệu cho thấy.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Google có thể vượt qua những thất bại ban đầu để duy trì vị trí dẫn đầu. Đầu những năm 2000, Google từng đánh bại Yahoo để trở thành công ty tìm kiếm thống trị thế giới.

"Thuật toán xếp hạng của Google có thể có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ", Yongjei Jeong, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities (công ty môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn nhất theo giá trị vốn hóa thị trường Hàn Quốc) cho biết, đề cập đến thuật toán đã giúp Google đánh bại Yahoo Search.

cong-nghe-tu-openai-giup-bing-tang-158-luot-truy-cap-trong-cuoc-chien-voi-google.jpg
Lượt truy cập trang trên Bing đã tăng 15,8% kể từ khi Microsoft công bố phiên bản được trang bị AI vào ngày 7.2, so với mức giảm gần 1% của công cụ tìm kiếm Google - Ảnh: Internet

Google hôm 21.3 đã bắt đầu phát hành công khai chatbot Bard với mong muốn thu hút người dùng và nhận được phản hồi để vượt qua Microsoft trong cuộc đua về công nghệ AI.

Bắt đầu từ Mỹ và Vương quốc Anh, người dùng có thể tham gia danh sách chờ để truy cập Bard tiếng Anh tại địa chỉ https://bard.google.com, chương trình trước đây chỉ dành cho những người thử nghiệm được phê duyệt. Google mô tả Bard là thử nghiệm cho phép hợp tác với generative AI.

Khi được hỏi liệu các động lực cạnh tranh có đứng sau sự ra mắt của Bard hay không, Jack Krawczyk, Giám đốc sản phẩm cấp cao Google, cho biết công ty tập trung vào người dùng.

Ông nói: “Những người thử nghiệm nội bộ và bên ngoài đã tìm đến Bard vì đã tăng năng suất, thúc đẩy ý tưởng và kích thích sự tò mò của họ”.

Trong buổi trình diễn trang web bard.google.com cho Reuters, Jack Krawczyk đã cho thấy cách Bard tạo ra các khối văn bản trong nháy mắt, khác với cách ChatGPT gõ từng từ để trả lời.

Bard cũng bao gồm tính năng hiển thị ba phiên bản khác nhau hoặc "bản nháp" của bất kỳ câu trả lời cụ thể nào mà người dùng có thể chuyển đổi và hiển thị nút Google it nếu người dùng muốn có kết quả web cho một truy vấn.

Tuy nhiên, độ chính xác vẫn là vấn đề đáng quan ngại. "Bard không phải lúc nào cũng đúng", lời cảnh báo của Google xuất hiện trong cửa sổ pop-up trong bài trình diễn.

Tháng trước, video quảng cáo cho thấy Bard trả lời sai một câu hỏi khiến vốn hóa thị trường Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm hơn 100 tỉ USD trong ngày.

Google đã nêu bật một số sai lầm trong bản demo tuần này với Reuters, chẳng hạn nói rằng Bard trả lời sai rằng dương xỉ cần ánh sáng mạnh để trả lời một truy vấn.

Bard cũng đưa ra 9 đoạn văn bản khi được hỏi về 4 đoạn trong một câu hỏi khác. Sau câu trả lời đó, Jack Krawczyk nhấp vào nút ngón tay chỉa xuống để đánh giá không tốt.

Chúng tôi hiểu rõ giới hạn của công nghệ và vì vậy chúng tôi muốn đưa ra một kế hoạch rõ ràng về tốc độ triển khai", ông nói.

Trong một tweet quảng cáo Bard hôm 6.2, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard trả lời các câu hỏi của người dùng, gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope. Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.

Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".

Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.

Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".

Giám đốc điều hành Alphabet - Sundar Pichai yêu cầu tất cả nhân viên Google dành 2 đến 4 giờ giúp thử nghiệm sản phẩm để chatbot này có thể sẵn sàng ra mắt.

"Tôi biết thời điểm này rất thú vị và đó là điều được mong đợi: Công nghệ cơ bản đang phát triển nhanh chóng với rất nhiều tiềm năng. Điều quan trọng nhất chúng tôi có thể làm lúc này là tập trung vào việc xây dựng một sản phẩm tuyệt vời và phát triển nó một cách có trách nhiệm”, Sundar Pichai viết cho nhân viên Google trong một bản ghi nhớ hồi tháng 2.

Google đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc phát hành các sản phẩm generative AI. Dù Google từ lâu đã được coi là tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu AI nhưng một số nhà phê bình cho rằng công ty quá chậm chạp trong việc tung ra các công cụ và dịch vụ của riêng mình để sẵn sàng cho công chúng sử dụng.

Bài liên quan
CEO Be My Eyes: GPT-4 có thể giúp các công ty phục vụ tốt cộng đồng người mù
Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đã thúc đẩy nhiều công ty đầu tư và sử dụng công nghệ để cải tiến sản phẩm, dịch vụ của họ. Giám đốc điều hành Be My Eyes trình bày cách mà "bước nhảy vọt trong công nghệ" này giúp các công ty hoạt động tốt hơn trong việc cung cấp dịch vụ của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
16 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ từ OpenAI giúp Bing tăng 15,8% lượt truy cập trong cuộc chiến với Google