Dưới áp lực của Mỹ, Trung Quốc đang thay đổi chiến lược và dựa vào một nhóm công ty được chọn lọc để định hình ngành chip trong nước.

Trung Quốc đặt hy vọng vào SMIC, Huawei, Hua Hong, Naura, AMEC để vực dậy ngành chip

Sơn Vân | 21/03/2023, 15:03

Dưới áp lực của Mỹ, Trung Quốc đang thay đổi chiến lược và dựa vào một nhóm công ty được chọn lọc để định hình ngành chip trong nước.

Theo trang FT, Trung Quốc đang cho phép một số công ty chip thành công nhất trong nước tiếp cận dễ dàng hơn các khoản trợ cấp và kiểm soát nhiều hơn với nghiên cứu do chính phủ hậu thuẫn. Mỹ thắt chặt kiểm soát tiếp cận công nghệ tiên tiến buộc Trung Quốc phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận hỗ trợ lĩnh vực này.

Việc nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với một nhóm công ty được chọn lọc diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc thay đổi chiến lược công nghệ trong tháng 3 khi thành lập một ủy ban khoa học mới và tái khởi động Bộ Khoa học và Công nghệ (tăng cường lại vai trò và hoạt động của Bộ này để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước).

SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc), Hua Hong Semiconductor, Huawei cũng như nhà cung cấp thiết bị Naura và Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China (AMEC) sẽ nằm trong số những hãng được hưởng lợi từ sự thay đổi chính sách, theo những người quen thuộc với vấn đề này.

Một số ít công ty được chọn sẽ có quyền tiếp cận nguồn tài trợ bổ sung của chính phủ Trung Quốc mà không cần phải đạt được các mục tiêu hoạt động cần thiết trước đây. Họ cũng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các dự án nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, làm giảm ảnh hưởng của các công ty và viện nghiên cứu học thuật thuộc sở hữu của chính phủ.

Chính phủ Trung Quốc sẽ trợ cấp cho các công ty này để sản xuất và triển khai các công cụ sản xuất chip được bản địa hóa mà không có bất kỳ giới hạn tài trợ nào, để vượt qua các hạn chế của Mỹ”, theo một người có kiến ​​thức trực tiếp về sự thay đổi chính sách.

Động thái này như sự thừa nhận ngầm rằng các chính sách trợ cấp ồ ạt và thường không có mục tiêu cụ thể cho ngành công nghiệp bán dẫn trước đây để xây dựng năng lực trong nước đã không thành công và không còn là một lựa chọn nữa. Trung Quốc cần có một phản ứng khác với những hạn chế cứng rắn từ Mỹ với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Một quan chức chính phủ hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất chip Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc lãng phí quá nhiều tiền vào các nghiên cứu phi chức năng để lách lệnh trừng phạt mà không có kết quả. Đã đến lúc loại bỏ những ảo tưởng và chuyển tất cả nguồn lực có thể vào các công ty, có khả năng dẫn dắt ngành công nghiệp thoát khỏi tình trạng khốn khó”.

trung-quoc-dat-hy-vongvao-smic-huawei-hua-hong-naura-amec-de-vuc-day-nganh-chip.jpg
Trung Quốc sẽ không còn ràng buộc việc tài trợ cho các nhà sản xuất chip hàng đầu trong nước với các mục tiêu hiệu suất và cho phép họ có tiếng nói lớn hơn trong nghiên cứu do chính phủ tài trợ - Ảnh: Bloomberg

Việc gửi gắm hy vọng vào một số công ty diễn ra khi Trung Quốc đang chứng kiến ngành công nghiệp bán dẫn của họ bị tê liệt do chính quyền Biden hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến, trong khi một thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan được thiết lập để ngăn nước này mua thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình phát triển những thiết bị thay thế trong nước, nhưng đó sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Lucy Chen, Phó chủ tịch công ty Isaiah Research có trụ sở tại Đài Loan, nói: “Chắc chắn sẽ có những khó khăn trong việc thay thế thiết bị bằng các giải pháp trong nước, nhưng điều đó là không thể tránh khỏi”.

Theo các quản lý ngành bán dẫn, sự can thiệp trực tiếp của Trung Quốc với các khoản đầu tư lớn đã không tạo ra được nhiều lợi thế về công nghệ. Nhà quản lý tại một hãng sản xuất chip trong nước đã lấy ví dụ về nỗ lực chế tạo thiết bị in thạch bản để sản xuất chip, trong đó nghiên cứu được tiến hành từ năm 2006.

Nhà quản lý này (giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề) nói: “Việc sản xuất thiết bị in thạch bản trong nước đã được kiểm tra và xác minh bởi các học giả, không phải các kỹ sư công nghiệp. Thiết bị này chỉ có thể sử dụng được trên lý thuyết và chưa có nhà sản xuất chip nào dám kích hoạt một cỗ máy như vậy trong nhà máy của họ”.

Các chuyên gia trong ngành vẫn thận trọng về mức độ nhận thức của chính phủ Trung Quốc về các mối lo ngại trong ngành.

Bước đầu có thể là khó nhất, đó là giải thích tình trạng khó khăn thực sự của ngành và nhu cầu của chúng tôi với các quan chức. Các quan chức và nhà đầu tư chỉ nghe tin tốt”, lãnh đạo một nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Trung Quốc nói.

SMIC, Hua Hong, Huawei, Naura và AMEC đều không trả lời câu hỏi tìm kiếm bình luận.

5 nhà cung cấp được hãng chip Trung Quốc đặt niềm tin sau khi Hà Lan - Nhật bắt tay với Mỹ

Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các công ty quan trọng nhất cung cấp thiết bị sản xuất chip. Vào tháng 1, chính quyền Biden đã nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản và Hà Lan để thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Đây là động thái được cho sẽ khiến các nhà cung cấp Hà Lan và Nhật Bản ngày càng khó bán hàng cho Trung Quốc.

Dù Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan vẫn chưa chính thức tiết lộ chi tiết về thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu của họ, nhiều người suy đoán rằng hệ thống in khắc tia cực tím sâu nhúng ArF (DUV) của ASML (Hà Lan) sẽ bị giới hạn ở Trung Quốc. Những máy này, sử dụng công nghệ laser để cơ bản khắc một mạch được thiết kế sẵn lên một đĩa bán dẫn, cho phép xử lý in thạch bản trong phạm vi từ 45 nanomet đến 7 nanomet.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ chiếm gần 90% thị phần cung cấp máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến, vốn đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2019.

Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế hơn nữa doanh số thiết bị sản xuất chip cũng sẽ che mờ triển vọng của các nhà cung cấp hệ thống DUV Nhật Bản cho Trung Quốc, chẳng hạn như Nikon và Canon. Trong khi đó, Tokyo Electron cạnh tranh ở các phân khúc khác của thị trường thiết bị sản xuất chip, chẳng hạn các công cụ khắc và phủ tiên tiến.

Việc nêu trên buộc các hãng sản xuất chip Trung Quốc phải chuyển sang các nhà cung cấp trong nước được liệt kê bên dưới.

Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE)
SMEE là nhà sản xuất máy in thạch bản duy nhất của Trung Quốc được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn. SMEE trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng duy nhất của Trung Quốc với ASML. Tuy nhiên, SMEE vẫn đứng sau ASML và các công ty Nhật Bản.

SMEE đã phát triển các máy có khả năng sản xuất chip ở tiêu chuẩn quy trình 90 nanomet. Công nghệ đó đã được hoàn thiện khoảng 20 năm trước và đủ dùng cho các chip cấp thấp hữu ích cho một số mục đích quản lý năng lượng.

Theo hãng tin Reuters, các nguồn tin trong ngành cho biết SMEE bán phần lớn máy in thạch bản của mình cho các nhà máy đóng gói chip, sử dụng cho nhiệm vụ đơn giản hơn nhiều so với kết nối các thành phần điện tử trên vi mạch bằng dây vào sản phẩm cuối cùng.

SMEE được thành lập vào năm 2002 bởi He Rongming, cựu Phó chủ tịch của Shanghai Electric Group Co. Cổ đông lớn nhất của SMEE (sở hữu 32% cổ phần) là Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước của Quốc vụ viện (SASAC), cơ quan chính phủ có trách nhiệm quản lý các tài sản nhà nước và các doanh nghiệp sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Naura Technology Group Co

Được thành lập vào năm 2001 và niêm yết năm 2010, Naura Technology Group Co Ltd chủ yếu sản xuất thiết bị ăn mòn để cạnh tranh với Applied Materials và Lam Research (Mỹ) cũng như Tokyo Electron (Nhật Bản).

Máy ăn mòn tiên tiến nhất của Naura Technology Group Co hỗ trợ công nghệ sản xuất chip 55 nanomet và 28 nanomet, đi sau các công nghệ sản xuất chip hàng đầu.

Naura Technology Group Co cũng tạo ra các máy lắng đọng, áp dụng hóa chất và khí cho các tấm silicon trong suốt quá trình sản xuất chip. Công ty tạo ra các máy có thể phục vụ quy trình xử lý từ 14 nanomet đến 28 nanomet trong quá trình sản xuất chip..

Beijing Sevenstar Electronics là cổ đông lớn nhất của Naura Technology Group Co, tiếp theo là một quỹ do chính phủ Trung Quốc lãnh đạo đầu tư vào ngành công nghiệp chip.

Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China (AMEC)

AMEC chế tạo thiết bị ăn mòn được sử dụng để loại bỏ vật liệu dư thừa khỏi bề mặt của tấm silicon.

Báo cáo thu nhập từ tháng 1 đến tháng 6.2022 cho thấy một số máy móc của AMEC đã đi vào dây chuyền sản xuất chip tiên tiến như sử dụng công nghệ 5 nanomet, giúp họ tiến gần hơn về mặt công nghệ so với các đối thủ ở Trung Quốc để cạnh tranh với Lam Research và Applied Materials (Mỹ).

Tuy nhiên, thị phần của AMEC bị lấn át bởi các đối thủ nước ngoài. Vào năm 2021, AMEC đã tạo ra doanh thu 3,1 tỉ nhân dân tệ (444,9 triệu USD), bằng khoảng 2,5% so với Applied Materials.

AMEC được thành lập vào năm 2003 bởi Gerald Yin, một công dân Mỹ nhập tịch. Quỹ lớn của Trung Quốc dành cho chip sở hữu khoảng 15% cổ phần AMEC. Một công ty đầu tư mạo hiểm công nghệ liên kết với chính quyền Thượng Hải cũng sở hữu 15% cổ phần AMEC.

Beijing E-Town Semiconductor Technology Co (BEST)

BEST sản xuất thiết bị tẩy tạp chất được sử dụng để loại bỏ các hóa chất cản quang trong quá trình in thạch bản. Phân khúc này chiếm hơn 47% doanh thu năm 2020 của BEST, theo một bản cáo bạch đầu tư.

Công ty cũng sản xuất máy khắc dù chúng chỉ chiếm phần trăm doanh thu ở mức một con số.

BEST được thành lập vào năm 2015. Cổ đông lớn nhất của nó là Beijing E-Town Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm trực thuộc chính quyền Bắc Kinh từng đầu tư vào một số hãng chip.

ACM Research (ACM)

ACM Research thiết kế thiết bị để làm sạch các tấm wafer (đĩa bán dẫn) cạnh tranh với Lam Research, Tokyo Electron, Screen Holdings Co Ltd (Nhật Bản) và Mujin Electronics Co Ltd (Hàn Quốc).

Hầu hết doanh thu của ACM Research Inc đến từ một số ít khách hàng ở Trung Quốc, cụ thể là Huahong, SMIC và YMTC, theo một hồ sơ chứng khoán. ACM cũng bán thiết bị cho SK Hynix (Hàn Quốc).

ACM Research Inc được David Wang (công dân Mỹ) thành lập vào năm 1998 tại bang California (Mỹ) và niêm yết cổ phiếu trên NASDAQ vào năm 2017. Công ty con của ACM Research Inc có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường STAR vào năm 2021.

ACM Research Inc sở hữu 80% công ty con ở Thượng Hải, trong khi Quỹ lớn của Trung Quốc và một số quỹ liên quan đến chính phủ khác nắm giữ cổ phần một con số. ACM Research và công ty con ở Thượng Hải có hội đồng quản trị khác nhau.

Trong khi trụ sở chính ACM Research ở Mỹ, gần 90% nhân viên của họ làm việc tại Trung Quốc và Đài Loan. Hầu hết hoạt động nghiên cứu, phát triển và bán hàng của ACM Research diễn ra ở những địa điểm đó, công ty cho biết trong báo cáo thường niên năm 2021.

Bài liên quan
Nhập khẩu chip 2 tháng đầu năm 2023 của Trung Quốc giảm 26,5% do lệnh trừng phạt từ Mỹ
Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 26,5% trong hai tháng đầu năm 2023 tính theo số lượng, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này được công bố hôm 7.3.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bão số 4 giật cấp 10, cách Đà Nẵng 200km
2 giờ trước Sự kiện
Sáng sớm nay (19.9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành cơn bão số 4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đặt hy vọng vào SMIC, Huawei, Hua Hong, Naura, AMEC để vực dậy ngành chip