Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Nhịp đập khoa học

Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'

Lam Thanh 25/04/2024 17:21

Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Cuộc đua bán dẫn ngày càng nóng và cơ hội của Việt Nam

Có thể thấy, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có, nhưng thời gian là vấn đề cốt yếu.

Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

7.jpg
Cuộc đua bán dẫn ngày càng nóng hơn

Nói với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng kinh tế số, đổi mới sáng tạo, trong đó có lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng chất lượng hơn, bền vững hơn.

Ông Thịnh cho biết nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặt nền tảng cho việc sản xuất chip bán dẫn, góp phần không nhỏ trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng với hàm lượng công nghệ lớn cho Việt Nam.

“Đây là thời cơ để Việt Nam có thể tận dụng để nâng cao năng suất lao động mới, làm thay đổi toàn bộ cấu trúc nền sản xuất tại Việt Nam. Qua đó cũng có thể thấy các nhà đầu tư quốc tế đã đánh giá rất cao vị trí của Việt Nam trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn”, ông Thịnh nêu.

Dù vậy, ông Thịnh cũng cho rằng để tận dụng được cơ hội, Việt Nam cần nhanh chóng đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Đây là bài toán khó cần phải giải quyết.

thinh.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.

Vì vậy, ông Dũng cho rằng việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược.

Theo ông Dũng, Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, đó là: Quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử; lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý; Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển…

“Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, ông Dũng nói.

Thế giới không chờ Việt Nam

Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành Google Việt Nam cho biết đã được tận mắt chứng kiến cuộc đổi mới sáng tạo tuyệt vời của Việt Nam. Trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên nhất của sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này.

“Chính việc thúc đẩy các luồng dữ liệu xuyên biên giới đáng tin cậy cũng sẽ bảo đảm cho việc chia sẻ các bộ dữ liệu, thông tin và chuyên môn cần thiết để nuôi dưỡng tài năng trí tuệ của Việt Nam”, ông Woo nói.

gg.jpeg
Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành Google Việt Nam

Ông Marc Woo cho rằng các nền kinh tế được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo yêu cầu phải có một lực lượng lao động thông thạo về trí tuệ nhân tạo.

“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các bộ ngành, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để tiếp tục làm việc và phát triển thị trường trí tuệ tại Việt Nam”, ông Marc Woo nói, và đề nghị Chính phủ nên đưa ra những chính sách mang tính hỗ trợ để thúc đẩy thành lập một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ, bao gồm những chính sách về ưu tiên điện toán đám mây.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia của Intel tại Việt Nam cho hay nguồn nhân lực nói chung của Việt Nam, nhìn một cách tích cực, là tính sẵn sàng rất cao.

“Nhưng tôi xin lưu ý là mặc dù tính sẵn sàng cao nhưng để làm việc được độc lập thì chúng ta có khoảng cách không nhỏ”, ông Thắng nói và nêu rằng nếu không đào tạo người giảng dạy, giáo viên hướng dẫn thì sẽ không thể đào tạo ra được những sinh viên giỏi. Tuy nhiên đào tạo như vậy chưa đủ mà cần sự thực hành.

Một điểm ông Thắng lưu ý là kết hợp giữa các trường đại học với các trung tâm nghiên cứu của các doanh nghiệp thay vì đặt ở doanh nghiệp, hoặc đặt ở đâu đó, thì có thể đặt gần trường đại học.

“Có rất nhiều mức độ phòng lab khác nhau, có thể là quy mô quốc gia, cũng có thể là quy mô trường đại học nhưng điều đặc biệt ở đây là cơ chế sử dụng phòng lab một cách có hiệu quả là điều vô cùng quan trọng. Điều này liên quan đến hợp tác đầu tư công-tư cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia. Đây là bài toán chung cần giải”, ông Thắng nêu.

Ngoài ra, ông Thắng cũng nhấn mạnh rằng bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là hai lĩnh vực không tách rời nhau và nếu chúng ta có chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn thì cũng cần có chính sách cụ thể để phát triển AI đi cùng.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “Cách đây một tuần trong buổi gặp với đại sứ Mỹ, đại sứ Nhật Bản, đại sứ Singapore, có vị đại sứ nói với tôi “ông không biết cơ hội của đất nước ông lớn thế nào đâu, nhưng các ông chỉ có 18 tháng thôi. Họ cũng không giải thích cho tôi vì sao lại vậy”.

binh.jpeg
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình

Theo ông Bình, thế giới sẽ không chờ Việt Nam, họ sẽ phải chọn đường khác nếu Việt Nam không đáp ứng kịp vì bằng mọi giá thế giới không thiếu chip được.

“Thời kỳ bị dịch COVID, thế giới đã đau khổ đến thế nào. Các hãng ô tô hàng đầu của Mỹ sản xuất ra không bán được. Hiệp hội Bán dẫn Mỹ đến các nước thúc đẩy, lập danh sách, xây dựng và bây giờ là bỏ tiền tấn để có thể sản xuất, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ Nhật Bản và các nước khác cũng như vậy”, ông Bình nêu ví dụ.

Ông Bình bày tỏ: “Ông Jensen Huang - CEO của Tập đoàn NVIDIA khi đến Việt Nam có nói Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn. Đột phá mới là quan trọng. Chúng ta phải đột phá về thể chế. Trong 18 tháng phải thể hiện: Việt Nam không phải có cơ hội mà còn cam kết với cơ hội đó”.

Bài liên quan
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
Phó thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 4.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản
3 giờ trước Sự kiện
Theo đặc phái viên TTXVN, tối 7.12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'