“Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam chậm hơn các nước cùng khu vực tới 40 năm” - TS. Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) nhấn mạnh.

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm hơn khu vực 40 năm, vì sao?

Trí Lâm | 17/09/2016, 15:48

“Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam chậm hơn các nước cùng khu vực tới 40 năm” - TS. Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) nhấn mạnh.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI – Nhật Bản) tổ chức ngày 16.9.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu năng lực công nghệ, thiếu quy mô và thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm phát triển.

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ của ta phần lớn mới chỉ đáp ứng được những đơn hàng đòi hỏi trình độ công nghệ vừa phải chứ chưa làm được những mặt hàng tinh vi như linh phụ kiện máy tính bảng, điện thoại di động…

Đồng tình với nhận định của các nhà nghiên cứu Việt Nam, TSYoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi nhận định, các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là tương đối đầy đủ, tuy nhiên, việc thực hiện và giám sát hiệu quả của chính sách còn hạn chế.

Cụ thể, theo TS Yoichi Sakurada, Việt Nam có nhiều đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên, việc hỗ trợ chủ yếu ở phần thủ tục hành chính, còn hai yếu tố quan trọng nhất là vốn và công nghệ thì rất hạn chế. Điều này khiến cho chức năng của các trung tâm bị trùng lặp và việc hỗ trợ không đi đúng vào nhu cầu của doanh nghiệp. Đó là sự lãng phí rất lớn về tài chính và nguồn nhân lực.

Do vậy, theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam chậm hơn các nước cùng khu vực tới 40 năm.

Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Mại cũng cho rằng,thời gian qua để thực hiện công nghiệp hỗ trợ các ngành như dệt may, cơ khí, ô tô hay điện tử, chúng ta đưa ra rất nhiều nghị định, nghị quyết, thông tư, chính sách ưu đãi vốn, đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... và sắp tới Quốc hội sẽ thông qua Luật Hỗ trợ các DNNVV nữa.

Chính sách thì rất tốt nhưng ở khía cạnh thực thi, theo ông Mại, Việt Nam kém nhất thế giới. Từ bộ đến địa phươngthành lập rất nhiều trung tâm hỗ trợ. Những trung tâm đó được lập ra với những nhiệm vụ quan trọng nhưng về cơ sở và con người thì chưa đáp ứng được nên đó là sự rất lãng phí.

Theo ông Mại, không nước nào có nhiều chính sách công nghiệp hỗ trợ như Việt Nam. Các nước không lập trung tâm tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ chung cho các ngành như Việt Nam mà chỉ có công nghiệp hỗ trợ riêng cho từng ngành một. Địa phương nào, ngành nào có lợi thế công nghiệp hỗ trợ thì họ lập trước, những gai góc thì lập sau.

"Các nước phát triển khi thực hiện công nghiệp hỗ trợ đều chọn cái "đinh" nhất, đó là cải cách các trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tại Nhật, họ lập hơn 600 trung tâm để trợ giúp các ngành nghề riêng. Trong khi đó, ở Việt Nam, các giải pháp đưa racái nào cũng rất hay, nhưng không giải quyết được vấn đề", GS Mại nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cũng cho biết thêm, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới kỹ thuậtcông nghệ.

"Chúng ta nên loại bỏ bớt các trung tâm trợ giúp, thành lập một trung tâm hỗ trợ có tính liên kết ở nhiều địa phương và có sự tham gia của nhiều bên", bà Tuệ Anh cho biết thêm.

Bàn về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, TS Sakurada cho rằngViệt Nam nên phát triển mô hình LPTC (Local Public Technology Center) – Trung tâm công nghệ công lập địa phương – để thay thế cho mô hình các trung tâm hỗ trợ DNVVN đang hoạt động không hiệu quả hiện nay.

LPTC là một cơ sở do chính quyền trung ương lập ra, đặt tại các địa phương. Chức năng chính của các trung tâm này là kiểm tra chất lượng các sản phẩm của doanh nghiệp trước khi tung ra thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp có thể liên kết sản xuất giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp của mình, cũng như với các tổ chức nghiên cứu và triển khai, phối hợp viện trường để cùng nghiên cứu, từ đó huy động nguồn lực để hỗ trợ.

Trao đổi với báo điện tửMột Thế Giới,bà Tuệ Anh cho rằngtrên thế giới cũng có nhiều mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ đáng để Việt Nam học tập. Trong số đó, mô hình của Nhật Bản được đánh giá phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không áp dụng hoàn toàn một mô hình nào mà cần phải có chọn lọc, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
20 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm hơn khu vực 40 năm, vì sao?