Giếng Xó La hay còn gọi là giếng Vua, giếng Gia Long, một giếng nước ngọt cổ độc nhất vô nhị nằm bên mép biển có từ hàng trăm năm nay ở huyện đảo Lý Sơn vừa được công nhận di tích cấp tỉnh Quảng Ngãi.

Công nhận di tích giếng nước ngọt hàng trăm năm trên đảo Lý Sơn

Lê Đình Dũng | 30/08/2017, 18:20

Giếng Xó La hay còn gọi là giếng Vua, giếng Gia Long, một giếng nước ngọt cổ độc nhất vô nhị nằm bên mép biển có từ hàng trăm năm nay ở huyện đảo Lý Sơn vừa được công nhận di tích cấp tỉnh Quảng Ngãi.

Chiều 30.8, UBND huyện Lý Sơn đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho 2 di tích: Giếng Xó La và Lân Vĩnh Hòa. Đây là những di tích gắn bó với cuộc sống và tín ngưỡng của người dân Lý Sơn từ hàng trăm năm nay.

Giếng Xó La hay còn gọi là giếng Vua, giếng Gia Long… là tên một giếng nước ngọt cổ nổi tiếng ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

Giếng có chiều sâu khoảng 10m, thành giếng xây đá ong, trát xi măng, cao 1,5m. Lòng giếng hình tròn, được kè bằng đá cuội, đá núi lửa, xen lẫn đá vôi. Tuy chỉ cách mé biển lúc triều lên cao nhất khoảng 5m - 7m, nhưng nước giếng luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không thua bất cứ giếng nước ngọt nào trong đất liền và là giếng có mạch nước ngầm ổn định nhất ở huyện đảo.

Dù nằm cạnh mép biển nhưng Xó La là giếng nước ngọt nhất đảo phục vụ sinh hoạt của người dân hàng trăm năm nay - Ảnh: Lê Đình Dũng

Về thời điểm xuất hiện của giếng Xó La, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giếng nước này xuất hiện thời Vương quốc Chăm còn tồn tại trên vùng đất nay là huyện đảo Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi, tức là khoảng thế kỷ XV về trước.

Người Chăm sống tập trung ở khu vực ven biển, hải đảo, giỏi nghề biển, có biệt tài chọn những nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng và bán cho các thương thuyền đi lại dọc theo ven biển. Khi người Việt đến, các giếng này vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay.

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, giếng Xó La đã cung cấp nước uống, nước sinh hoạt phục vụ đời sống cộng đồng cư dân trên đảo. Số liệu thống kê cho biết, trên toàn đảo Lớn của huyện đảo Lý Sơn hiện có chừng trên 1.000 giếng nước, trong đó có khoảng một nửa giếng nước ăn; số còn lại chỉ dùng để tắm giặt, tưới hoa màu, chủ yếu là hành và tỏi. Cũng có chừng 10 giếng có nước ngon trên đảo, nhưng vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, chỉ duy nhất giếng Xó La là còn nước ngọt.

Ngày nay, người dân trên đảo Lý Sơn vẫn dùng nước ở giếng Xó La để nấu nướng - Ảnh: Lê Đình Dũng

Lân Vĩnh Hòa ở thôn Đông, xã Anh Vĩnh là nơi phụng thờ thánh mẫu Thiên Y A Na,đồng thờinơi đây cũng là nơi tri ân những người đã có công khai khẩn, biến vùng đất Cù lao Ré hoang vu thành xóm, làng đông vui, trù phú, tạo tiền đề cho sự phát triển cả về ngư nghiệp và nông nghiệp của vùng đất này. Vì vậy, Lân Vĩnh Hòa đã trở thành một trong những di tích có giá trị cấu thành bề dày lịch sử của vùng đất An Vĩnh nói riêng và huyện đảo Lý Sơn nói chung.

Trải qua hơn 400 năm nay, tuy phải chịu nhiều thử thách của thời gian cùng với sự tác động của thiên nhiên và con người, nhưng Lân Vĩnh Hòa vẫn bảo tồn được giá trị lịch sử.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTT& DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, trên huyện đảo Lý Sơn có hơn 100 di tích, trong đó có 16 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa) và hơn 40 di tích kiến trúc nghệ thuật, cơ sở tín ngưỡng được kiểm kê và có kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận trong thời gian tới.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhận di tích giếng nước ngọt hàng trăm năm trên đảo Lý Sơn