Những lễ hội đếm ngược mừng năm mới, những sân khấu ca nhạc đêm giao thừa thu hút hàng trăm nghìn người đổ về trung tâm TP.HCM khiến những bãi rác khổng lồ xuất hiện giữa lòng thành phố. Sau giao thừa, khi mọi người trở về nhà và sum vầy bên gia đình thì những công nhân quét rác, dọn vệ sinh bắt đầu cặm cụi làm sạch cho thành phố.

Công nhân vệ sinh quá tải trong những ngày tết

Phan Diệu | 30/01/2017, 07:37

Những lễ hội đếm ngược mừng năm mới, những sân khấu ca nhạc đêm giao thừa thu hút hàng trăm nghìn người đổ về trung tâm TP.HCM khiến những bãi rác khổng lồ xuất hiện giữa lòng thành phố. Sau giao thừa, khi mọi người trở về nhà và sum vầy bên gia đình thì những công nhân quét rác, dọn vệ sinh bắt đầu cặm cụi làm sạch cho thành phố.

Khi đón giao thừa xong, dòng người qua đường đã vắng lại, lúc này những công nhân vệ sinh đường phố lại hối hả bắt đầu công việc quét dọn. Vào thời điểm các gia đình đang sum vầy bên nhau ăn mừng năm mớithì họ lặng lẽ làm việc xuyên suốt đêm đến sáng để giữ đường xá vào các ngày tết luôn sạch đẹp.

Vào các ngày bình thường, để thu gom, vận chuyển lượng rác thải đã là một công việc rất vất vả. Ấy vậy mà vào những tết, khối lượng rác thải đổ ra lạinhiều hơn khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Từ rác thải sinh hoạt bình thường cho đến rác thải của những buổi liên hoan, ăn nhậu rồi rác thải đường phố sau những chuyến du xuân càng khiến công việc của công nhân vệ sinh tăng đột biến. Chưa kể, những cành đào, cành mai, các chậu hoa cúc, gốc quất nằm chỏng chơ trên mọi ngõ ngách đường phố sau chiều 30 Tết cũngkhiến gánh nặng dọn dẹp tăng thêm trên hai vai người công nhân vệ sinh môi trường.

Hoa bị vứt lại sau chiều 30 Tết - Ảnh: P.D

Vào những ngày tết, mặc dù được trả lương gấp ba ngày thường nhưng công việc dọn vệ sinh đường phố lại vất vả hơn rất nhiều lầnvì sau giao thừa, người dân đi chơi sẽ xả rác nhiều hơn.

Một số công nhân vệ sinh trong đêm giao thừa phải “còng lưng” làm việc cật lực, dọn dẹp các bãi chiến trường nhưng rác vẫn đầy ắp khắp các nẻo đường. Thậm chí, không ít người phải tăng ca từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau với mong muốn thành phố sạch sẽ trong ngày mùng 1 Tết.

Trung tâm TP.HCM đầy rác sau các chương trình ca nhạc đêm giao thừa - Ảnh: P.D

Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán kết thúc, mọi người trở lại với công việc thường nhật sau những ngày dài xả hơi cộng với lượng lớn người dân đổ về thành phố thì công nhân vệ sinh môi trường lại phải tiếp tục vào guồng quay dọp dẹp. Những ngày sau Tết là thời gian mà lượng rác thải tăng lên rất nhiều so với ngày bình thường.

Rác thải khắp nơi sau đêm giao thừa - Ảnh: P.D

Chị L.T. Nhàn, công nhân dọn vệ sinh của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, nói rằng cả năm đi làm sợ nhất là mấy ngày tết bởi lượng rác thải tăng lên đột biến. Rác thải sinh hoạt thì nhiều vô kể, rồi thêm rác từ những công viên, các con đường – nơi bày bán các loại hoa tết khiến chị rất sợ hãi.

“Nhiều người bán hoa ế quá nên họ đổ luôn cả cây, thậm chí cả chậu trên vỉa hè, công viên. Nhiều gốc đào, gốc mai còn nguyên cả đất và cành to, muốn vận chuyển đi thì phải chặt nhỏ ra, vừa tốn thời gian vừa mệt. Năm nay hoa ế nên công việc dọn dẹp cũng cực hơn”, chị Nhàn chia sẻ.

Công nhân vệ sinh phải tăng ca nhiều trong dịp tết - Ảnh: P.D

Còn chị N.T.Dần thì cho biết vì cuộc sống mưu sinh nên chị phải đến với với nghề này. Quê chị Dần ở tận Thanh Hóa, 2 vợ chồng chị có 3 đứa con đang gửi ông bà nội ở quê. Chị Dần cùng chồng vào TP.HCM đã 7 năm và làm công nhân dọn vệ sinh để kiếm tiền nuôi con.

Lúc mới vào nghề, do không quen với cảnh thức trắng đêm và hít mùi hôi thối mỗi ngày nên chị Dần đã có ý định từ bỏ. Tuy nhiên, vì muốn con cái được học hành đàng hoàng nên chị đành cắn răng chịu đựng. Tết nào cũng vậy, 2 vợ chồng chị đều ở lại TP.HCM để tăng ca kiếm thêm thu nhập thay vì về quê quây quần bên gia đình.

“Làm mãi cũng quen, hít mãi cũng thấy bình thường. Khi làm việc, mặc dù được trang bị dụng cụ lao động, dụng cụ bảo hộ để không phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải, các chất độc hại và mỗi năm được khám tổng thể sức khỏe2 lần nhưng công việc nặng nhọc cũng khiến tôi nhiều khi muốn bỏ hẳn.

Nhiều người cứ nghĩ dọn vệ sinh tưởng chừng đơn giản lắm nhưng không phải vậy. Công việc này nhọc nhằn đủ đường, vất vả trăm bề. Mệt nhất là Tết. Người dân thì ai cũng mong Tết đến còn công nhân vệ sinh như chúng tôi thì sợ nhất là những ngày này. Tết đến dù làm việc gấp 3, gấp 4 ngày bình thường nhưng dọn mãi vẫn không hết rác. Tôi chỉ mong ai cũng có ý thức thêm một tí, bớt vứt rác bừa bãi cho công nhân tụi tui bớt khổ”, chị Dần tâm sự.

Một công nhân vệ sinh đang ngồi nghỉ ngơi sau khi dọn dẹp hết đống rác trên đường
Hàm Nghi (quận 1) sau đêm giao thừa - Ảnh: P.D

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, trong những ngày Tết Nguyên đán năm 2017, lượng rác thải tại TP.HCM tăng lên 13.000 - 14.000 tấn/ngày, gần gấp đôi ngày thường. Để thu gom hết lượng rác này, các xe vận chuyển rác thải đã hoạt động cả ngày lẫn đêm từ ngày 25.1 đến hết ngày 1.2.2017 (ngày 28 tháng chạp tới mùng 5 tháng giêng).

Ngoài ra, để đảm bảo môi trường sạch sẽ trong dịp tết, công ty này cũng đã bố trí 100% nhân lực, vật lực túc trực triển khai kế hoạch vệ sinh, nhất là tại những điểm phát sinh lượng rác lớn như trung tâm thương mại, hệ thống chợ truyền thống và các khu vực tập trung chợ hoa,với khoảng 2.000 xe vận chuyển rác và 7.000 công nhân tham gia.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân vệ sinh quá tải trong những ngày tết