Giữa tháng Chạp, chúng tôi về với vùng đất của những truyền thuyết thời mở nước. Lập xuân, dọc cung đường vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đỏ rực hoa trạng nguyên.

Về miền cổ tích tìm gà 9 cựa trong truyền thuyết Sơn Tinh

1 | 29/01/2017, 11:26

Giữa tháng Chạp, chúng tôi về với vùng đất của những truyền thuyết thời mở nước. Lập xuân, dọc cung đường vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đỏ rực hoa trạng nguyên.

Con đường như sợi chỉ mỏng mảnh, ôm quanh núi đưa chúng tôi rong ruổi qua các xã Minh Đài, Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn. Bấy lâu, người ta vẫn tin giống "gà chín cựa" cùng với “voi chín ngà, ngựa chín hồng mao” chỉ tồn tại trong truyền thuyết dân gian. Lần này, được mắt thấy, tay sờ, tôi mới tin truyền thuyết ấy đang hiện hữu ở vùng núi non thơ mộng này.
Bản Cỏi nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, giờ không còn heo hút như trước đây. Con đường bê tông xuyên rừng, uốn lượn như dải lụa mềm nối bản Cỏi với trung tâm xã. Hiện nay, gà nhiều cựa đã được hộ dân ở các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn nhân giống, phát triển, phần lớn, đều có từ 4 đến 8 cựa, gà 9 cựa mà lại màu trắng, mào đỏ rực như hoa trạng nguyên thì càng hiếm gặp hơn. Theo các già bản ở Xuân Sơn cho biết, trước đây, “bạch kê” 9 cựa dễ thấy hơn bây giờ. Gà trống lông trắng mượt, oai phong, uy lẫm khác thường. Sáng sáng, chỉ duy tiếng gáy của nó đã vang vọng núi rừng, đủ sức đánh thức cả bản. Chủ tịch UBND xã Hà Đức Minh cho biết: Xã Xuân Sơn có 4 bản là: Lấp, Cỏi, Dù, Lạng thì gần 100% hộ dân nuôi gà nhiều cựa, nhà nhiều thì trên trăm, nhà ít cũng vài chục con nhưng “bạch kê” rất hiếm!
Nghe nói gia đình ông Bàn Văn Hoàng ở xóm Dù có “bạch kê” nên chúng tôi tìm đến “mục sở thị”. Từ xa, “bạch kê” nổi bật giữa cả đàn bởi bộ lông trắng, mào đỏ rực. Mặc dù đàn gà nhà ông Hoàng trên trăm con song như một sự thỏa thuận ngầm, “bạch kê” đi tới đâu là những con trống khác tự động dạt ra tới đó. Muốn tận tay sờ, đếm số cựa gà nhưng mất cả tiếng dồn đuổi, cả chủ nhà và khách vẫn không bắt được “chúa gà”. Ông Hoàng phân bua: Vì nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên nên bọn gà rất “cảnh giác” với người lạ. Đến tôi là chủ cũng phải mất thời gian “dụ dỗ” chúng về lán mới bắt được. Đã nhiều lần tôi thực hiện nhân giống “bạch kê” nhưng không thành vì cả một ổ trứng trên hai chục quả chưa chắc đã được con nào lông trắng, mào đỏ!
Gà nhiều cựa ở Xuân Sơn chủ yếu được người dân nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, số trang trại, gia trại có quy mô lớn không nhiều. Vì thế gà nuôi chậm lớn, nhưng đẹp mã chắc thịt. Trung bình phải từ 6 tháng trở lên mới được 1kg thịt, con to có thể lên tới 3kg nhưng nuôi phải gần 2 năm. Cũng vì thế gà thịt chặt, thơm ngon như gà rừng. Được biết, trong tổng số gần 2.000 con gà được khảo sát của hàng trăm hộ dân tại 2 xã Xuân Đài và Xuân Sơn, Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật và Hội Chăn nuôi thú y tỉnh đã phát hiện chân của tất cả những con gà được nuôi ở đây đều có nhiều cựa, trong đó tới 82,7% có từ 6 đến 8 cựa, còn lại là từ 2-4 cựa. Chục năm trước, người dân chưa biết rõ về giá trị kinh tế của loài gà nhiều cựa nên họ chỉ chăn nuôi tự nhiên, không có ý thức chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng bệnh nên giống gà này có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc bảo tồn, phát triển giống gà quý này được Sở Nông nghiệp &PTNT triển khai thực hiện từ năm 2008. Từ chương trình này, những hộ tham gia dự án được hỗ trợ kinh phí để làm chuồng hợp vệ sinh và 5 triệu đồng mua giống, thức ăn, thuốc thú y.
Chị Phùng Thị Dung, khu Đồng Tào, xã Xuân Đài, người có đàn gà gần trăm con chia sẻ: Từ trước đến nay, việc phát triển gà nhiều cựa ở vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn vẫn chủ yếu là tự phát, người dân không xây dựng chuồng trại tập trung mà để thả rông trên rừng. Gà có nhiều cựa ở mỗi đàn đều chiếm tỷ lệ cao. Cả gà trống, gà mái đều có nhiều cựa, xuất hiện ngay khi gà mới nở. Do thấy được hiệu quả kinh tế nên 2 năm trở lại đây, người dân mới tập trung vào chăn nuôi, bảo tồn. Giống gà này, gà trống có trọng lượng từ 1,9kg, gà mái nặng 1,5kg. Giá bán trung bình, từ 250.000 đồng - 280.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao song vẫn được du khách tìm mua, vừa để thỏa chí tò mò vì được tận mắt nhìn thấy thứ gà kén rể của Vua Hùng, vừa được thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt của giống gà quý này. Ông Hà Hồng Trang - xóm Vượng - xã Xuân Đài cho biết: Qua báo chí giới thiệu, gà nhiều cựa trở thành đặc sản của địa phương, khách mua buôn từ dưới xuôi lên đặt hàng rất đông với giá trung bình từ 250 nghìn đến 300 nghìn/kg. Nếu mua gà giống, gồm 1 trống, 1 mái thì có giá 1 triệu đồng/cặp. Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều gia đình đã tập trung đầu tư. Người dân nuôi không đủ bán. Vì được nuôi trong điều kiện tự nhiên nên gà nhiều cựa có khả năng kháng bệnh rất cao, từ xưa đến nay giống gà này chưa bao giờ mắc một loại dịch bệnh nào, kể cả thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát thì gà nhiều cựa vẫn phát triển khỏe mạnh.
Giữa trưa, chúng tôi trở về nhà Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, cùng thưởng thức bữa cơm vùng sơn cước… Khác với người vùng xuôi bày thức ăn trên đĩa, người miền ngược dân dã, chỉ cần chặt mấy tàu lá chuối rừng, ghép lại đã thành mâm cỗ, góc mâm có mấy đĩa lá vả đựng muối dổi. Giống dổi thơm ngon được trồng ngay trên đất Xuân Sơn, giờ đang trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao với giá tại vườn đã trên triệu đồng một cân.
Giữa không khí hoang sơ, bảng lảng núi rừng, cả gia chủ và thực khách nhẩn nha chén rượu ngô rồi cùng xuýt xoa khi xé thịt gà nhiều cựa chấm với muối dổi dầm ớt mèo. Chủ tịch xã Hà Đức Minh khẳng định: Gà nhiều cựa đã giúp người dân cải thiện đời sống, phát triển kinh tế. Đến nay người dân các xã: Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng đều nuôi gà nhiều cựa với tổng đàn ước đạt khoảng 10 nghìn con. Chỉ tính số gà thương phẩm trong năm 2016 cũng cho doanh thu vài tỉđồng.
Hiện nay, các hạng mục Vườn Quốc gia Xuân Sơn dần hoàn thiện, gà nhiều cựa trở thành mặt hàng không thể thiếu đối với du khách khi đến thăm Vườn Quốc gia, đây cũng là hướng mở đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần thay đổi tập quán chăn thả của người dân. Để được chiêm ngưỡng con gà 7-8 cựa, chúng tôi phải đợi chủ nhà dồn đuổi rất lâu bởi gà đều thả trên núi, muốn bắt được chúng rất khó. Chính vì tập tính này mà người dân chưa chuyên nghiệp hóa trong chăn nuôi, vẫn giữ kiểu manh mún nên khó thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Tạm biệt cánh rừng Xuân Sơn đại ngàn, vượt qua những con đường rực đỏ hoa trạng nguyên, qua những con suối lượn vòng chân núi. Cùng với ẩm thực thôn dã như rêu đá nướng lá đu đủ, của những măng rừng, rau sắng tươi ngon; gà nhiều cựa hứa hẹn tạo cho du khách cảm giác như đang sống trong không gian văn hóa thời đại Hùng Vương lập nước.
Việt Hà/báo Phú Thọ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về miền cổ tích tìm gà 9 cựa trong truyền thuyết Sơn Tinh