Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov) được phát triển thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán.

Cổng PayGov – hỗ trợ thanh toán điện tử cho các dịch vụ công

24/07/2020, 16:09

Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov) được phát triển thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: BTC

Ngày 24.7 tại Hà Nội, Bộ TT-TT đã tổ chức lễ ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov). Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, việc Bộ TT-TT phát triển và sớm đưa vào sử dụng Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov), hỗ trợ các bộ ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng PayGov cũng là một trong các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Hệ thống được thiết kế để giải quyết các vấn đề chính về kết nối, tra soát, đối soát, quyết toán, giải quyết vấn đề về một địa chỉ thanh toán thống nhất. Cụ thể, Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ ngành, địa phương chỉ cần kết nối với Cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. Các trung gian thanh toán chỉ cần kết nối đến Cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Cổng PayGov cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc. Theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), Cổng PayGov không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến mà còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như y tế, giáo dục, điện, nước…

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng việc đưa vào sử dụng hệ thống PayGov chỉ mới là sự bắt đầu của một quá trình thúc đẩy thanh toán điện tử cho các dịch vụ công, để hệ thống PayGov sớm mang nhiều tiện lợi, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm”.

Ngoài ra, Cổng PayGov sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đặt ra “Đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%”. Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng hệ thống PayGov cần được phát triển để đáp ứng những nhu cầu về hỗ trợ thanh toán trực tuyến trong Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam,

Tính đến thời điểm hiện tại, Cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 trung gian thanh toán, gồm Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS); Tổng công ty Dịch vụ số Viettel; Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY); Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (M_SERVICE JSC); Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIETUNION); Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện – Công ty TNHH MTV (VTC); Công ty cổ phần Ngân lượng (NGANLUONG JSC); Công ty cổ phần Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS JSC); Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT TELECOM).

Ngoài các công việc liên quan đến nền tảng kỹ thuật, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Cục Tin học hóa cần nghiên cứu hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách về phí, giá sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổng PayGov – hỗ trợ thanh toán điện tử cho các dịch vụ công