Phát hiện những người Đà Nẵng xây công trình trái phép trên đất của mình ở mũi Cửa Khẻm, phía tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhiều lần làm việc và hối thúc phía TP.Đà Nẵng xử lý vi phạm, nhưng 3 năm nay vẫn chưa được hợp tác…
Xây dựng không phép ngay khu vực ‘tranh chấp’
Nguồn tin cho báo điện tử Một Thế Giới hay, công trình sai phạm này được xây dựng ở mũi Cửa Khẻm (phần nhô ra biển của núi Hải Vân, đoạn giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế).
|
Vị trí xây dựng trái phép theo bản đồ địa chính (nốt đỏ)- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Ngày 28.12, chúng tôi đã xuống trực tiếp tại hiện trường cụm công trình xây dựng trái phép trên. Từ đỉnh đèo Hải Vân xuống khu vực này khoảng gần 10km.
Theo thông tin từ phía Thừa Thiên-Huế, chủ công trình sai phạm này là ông Phạm Thương, người ở tổ 6, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng. Lúc chúng tôi có mặt, chỉ có ông Trần Văn Hùng (SN 1961, trú P.Hòa Hiệp Bắc, người quản lý xây dựng và trông coi công trình) đang ở cùng vợ.
|
Công trình có vẻ sắp xây dựng thêm- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Theo ghi nhận, khu vực này nằm ở gần bãi biển rất đẹp, có 2 nhà để ở đã được xây dựng và sử dụng. Ngoài ra các công trình phụ như nhà vệ sinh, nhà nghỉ mát với nhiều trụ bê tông. Khu vực được bố trí xây dựng như một khu nghỉ dưỡng, với nhiều lối đi được thiết kế thành bậc. Nhiều chòi che nắng dựng ở bãi biển cũng đã được hạ xuống đưa vào tập kết một chỗ, có nhiều phản rộng được bố trí dưới các bóng cây. Ở một nhà trụ thoáng đãng được che mái, rất nhiều chõng tre được xếp gọn lại. Quanh khu vực, nhiều gạch taplo được đúc để sẵn…
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bắc Hải Vân (Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế) khẳng định khu vực này thuộc Ban, và việc xây dựng ở khu vực này là không được phép. Dù vậy, giữa hai địa phương vẫn chưa thống nhất được nên khu vực này vẫn được gọi là khu vực tranh chấp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng nói: “Bên Đà Nẵng cấp phép thì mình mới làm chớ, tranh chấp thì tranh chấp thôi, đất của ai thì cũng của nhà nước. Tui làm ở đây để chăn nuôi trồng trọt”.
TT-Huế hối xử lý, Đà Nẵng cứ "bình chân"
Hồ sơ từ huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) cung cấp cho hay, vào ngày 28.3.2013, cơ quan chức năng phát hiện một công trình xây dựng trái phép ở mũi Cửa Khẻm.
Biên bản do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân và đội quản lý đô thị huyện Phú Lộc lập cho hay, tại thời điểm phát hiện, có hai công trình đang xây dựng gồm một nhà cấp 4 và một nhà gỗ tại khoảnh 7, tiểu khu 251 (rừng Bắc Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). Biên bản ghi nhận chủ công trình là ông Phạm Thương (trú P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Ngay sau đó, UBND thị trấn Lăng Cô đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, yêu cầu ông Phạm Thương (vắng mặt) và ông Trần Văn Hùng (người quản lý xây dựng và trông coi công trình) ngưng công trình xây dựng nêu trên.
Cũng trong ngày 28.3.2013, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đã có báo cáo lên các cấp về vụ việc trên. Báo cáo khẳng định: “Toàn bộ diện tích rừng trồng ở khu vực Cửa Khẻm thuộc 2 tiểu khu 251 và 252 của đơn vị đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Sau đó, các đơn vị có chức trách của huyện Phú Lộc đã mời ông Phạm Thương tới làm việc nhưng ông này không ra.
|
Nhà cửa xây ở cụm công trình. |
Đến tháng 5.2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên-Huế, UBND huyện Phú Lộc đã vào làm việc với quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) nhằm xác định rõ việc giao đất cũng như cấp phép xây dựng tại vùng giáp ranh phường Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu) và thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc).
Theo đó, UBND P.Hòa Hiệp Bắc khẳng định “đối tượng xây dựng công trình tại vùng giáp ranh chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất ở và cấp phép xây dựng, vùng này là đất lâm nghiệp”.
Huyện Phú Lộc yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý triệt để và kiên quyết đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quận Liên Chiểu đề nghị P.Hòa Hiệp Bắc và các bên liên quan mời đối tượng vi phạm đến và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng công trình, không được cơi nới xây dựng thêm.
Tuy nhiên, trong quá trình này đối tượng vi phạm vẫn tiếp tục xây dựng một nhà bếp, được lực lượng chức năng Lăng Cô phát hiện.
|
Những mái che mát đúc trụ bê tông- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Ngày 15.7.2013, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô đã có báo cáo lên cấp huyện về quá trình giải quyết vụ việc, có đoạn: “UBND thị trấn Lăng Cô đã chủ động nhiều lần đăng ký làm việc với P.Hòa Hiệp Bắc nhưng phường đã không bố trí được thời gian để làm việc”.
Đến tháng 8.2013, lãnh đạo thị trấn Lăng Cô và Đội quản lý đô thị huyện Phú Lộc phải vào P.Hòa Hiệp Bắc để giải quyết vấn đề trên.
Theo biên bản làm việc, hai bên đi đến thống nhất xác định hành vi xây dựng công trình tại khu vực giáp ranh là vi phạm, không được các cơ quan chức năng cấp phép. UBND P.Hòa Hiệp Bắc sẽ mời đối tượng đến cam kết và xử lý theo hình thức giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới xây dựng thêm, tự tháo dỡ khi nhà nước có yêu cầu và không được đền bù phần tài sản trên. Kết quả xử lý sẽ báo cho thị trấn Lăng Cô cùng phối hợp.
Vụ việc không dừng lại ở đó, đến 4.4.2014, UBND thị trấn Lăng Cô tiếp tục có một báo cáo về việc phát hiện sai phạm tiếp theo tại công trình trên.
Báo cáo ghi nhận vào ngày này cho hay, phát hiện 1 tượng Phật bà Quan âm bằng đá cao 2,2m mới được tập kết trên bãi biển; phần móng mới bằng đá cao 0,5m; nhà cấp 4 và nhà bếp đã xây xong đưa vào sử dụng; xây mới thêm nhà vệ sinh và nhà gỗ ở vị trí mới…Sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản, yêu cầu không cho dựng tượng tại khu vực.
|
Bãi biển nơi có công trình trái phép |
Đến nay, công trình trái phép trên vẫn yên vị. Ông Hùng còn cho biết vào mùa nắng thì có nhiều khách quen xuống tắm và nghỉ ngơi. Các cấp ngành có liên quan ở tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn yêu cầu cần xử lý để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhưng cho đến nay vẫn chưa có động thái rốt ráo sau nhiều năm từ phía Đà Nẵng.
Lê Đình Dũng