“Chúng ta giờ đang gia tăng mức độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan và nguy cơ tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện ở mức rất cao trong cấp độ toàn cầu.”

Covid-19: WHO nâng cảnh báo toàn cầu lên mức 'rất cao'

Anh Đủ | 29/02/2020, 05:59

“Chúng ta giờ đang gia tăng mức độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan và nguy cơ tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện ở mức rất cao trong cấp độ toàn cầu.”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/2 đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với chủng mới của virus corona (SARS-nCoV-2) lên mức “rất cao,” cho rằng việc tiếp tục gia tăng số ca nhiễm virus và số quốc gia ghi nhận bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do SARS-nCoV-2 gây ra là "mối quan ngại rõ ràng." P

hát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng ta giờ đang gia tăng mức độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan và nguy cơ tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện ở mức rất cao trong cấp độ toàn cầu.”

Dù chưa dùng tới từ “đại dịch” vào thời điểm này nhưng WHO nhấn mạnh rằng SARS-nCoV-2 có thể được khống chế bằng những biện pháp thích hợp và sự phối hợp của cộng đồng quốc tế. Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho biết thêm: “Hầu hết các trường hợp đều có thể được truy lần ra các sự tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc những trường hợp có liên quan. Chúng ta chưa thấy bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan dễ dàng trong các cộng đồng. Trong trường hợp này, chúng ta vẫn còn cơ hội để khống chế virus."

Cũng tại cuộc họp báo, Giám đốc điều hành của WHO, ông Michael Ryan, cho biết việc nâng mức độ cảnh báo ở cấp độ toàn cầu đồng nghĩa với việc các quốc gia cần phải hành động mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với nguy cơ dịch bệnh hiện nay. Ông nói: "Đây là một thực tế rằng tất cả các chính phủ cần phải có hành động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh." Theo các số liệu của WHO, hiện có hơn 82.000 người nhiễm SARS-nCoV-2, trong đó có 2.800 trường hợp tử vong, vượt qua tác động của dịch SARS năm 2002-2003.

Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, đến sáng nay trên toàn thế giới đã có 85.183 người mắc bệnh, 2.924 người tử vong, trong đó: Lục địa Trung Quốc: 2.835 người, Hồng Kông: 02 người, Đài Loan: 01 người.Phillippines: 01 người,Nhật Bản: 05người. Pháp: 02 người. Tàu Diamond Princess: 06 người,Iran: 34 người, Hàn Quốc: 16 người, Ý: 21 người.

WHO tuyên bố dịch bệnh COVID-19 đang trở nên nghiêm trọng hơn

Ngày 28/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra "đang trở nên nghiêm trọng hơn" sau khi Nigeria xác nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên tại quốc gia châu Phi phía Nam sa mạc Sahara này. Cơ quan của Liên hợp quốc cũng nhắc lại cảnh báo dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan tới hầu hết các quốc gia trên toàn cầu.

Phát biểu họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO Christian Lindmeier nhấn mạnh tổ chức này đang xem xét các báo cáo về một số trường hợp tái nhiễm cũng như cách thức xét nghiệm đã được thực hiện đối với những trường hợp này. Ông Lindmeier cho biết thêm một phái đoàn của WHO dự kiến sẽ tới Iran đầu tuần tới. Quốc gia Trung Đông này hiện ghi nhận tổng cộng 388 ca nhiễm COVID-19 và 34 ca tử vong.

Trong diễn biến cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nigeria Osagie Emmanuel Ehanire cho biết nước này hiện có 4 phòng thí nghiệm có đủ khả năng xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Cũng theo Bộ trưởng Ehanire, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria đã cử nhân viên tới thành phố Lagos để hỗ trợ điều trị bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 tại nước này là một người đàn ông quốc tịch Italy.

Người này đã bay tới Nigeria từ thành phố Milan vào tối 24/2, nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào tại thời điểm máy bay hạ cánh. Kế đó, ông đã di chuyển tới Lagos trước khi bị ốm và nhập viện điều trị. Hiện giới chức sở tại đang liên hệ với tất cả các hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân trên, cũng như xác định tất cả những người đã gặp và có khả năng tiếp xúc gần người này tại những địa điểm ông đã tới tham quan ở Lagos.

Bộ trưởng Ehanire cho biết thêm nhà chức Nigeria đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị nhằm ứng phó với nguy cơ dịch bệnh diễn biến xấu tại nước này.

Bốn nghị sỹ Quốc hội Iran dương tính với virus SARS-CoV-2

Ngày 28/2, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời nghị sỹ Quốc hội nước này, ông Mohammad Ali Vakili cho biết số thành viên Quốc hội Iran bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 4 người. Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn lời nghị sĩ Vakili nêu rõ mẫu xét nghiệm của 4 trong số 30 nghị sỹ đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo ông này, số nghị sỹ nhiễm SARS-CoV-2 có khả năng sẽ tăng thêm.

Trước đó, hai quan chức cấp cao Iran đã xác nhận nhiễm COVID-19 là Phó Tổng thống Masoumeh Ebtekar và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi. Trong khi đó, chuyên gia Alireza Jalali tại Đại học Y khoa Baqiyatallah của Iran cho biết nước Cộng hòa Hồi giáo đang trong quá trình phát triển vắcxin dành cho COVID-19. Theo ông Jalali, các ủy ban khoa học của Đại học Baqiyatallah đã triển khai hoạt động từ tuần trước để phát triển một loại thuốc hữu hiệu điều trị COVID-19. Trong tuần qua, 3 dự án mới đã bắt đầu được triển khai để mang đến những kết quả thực sự. Dự án đầu tiên là nghiên cứu sản xuất một loại thuốc dựa trên đặc tính di truyền học của virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Iran và cơ quan nghiên cứu thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang phối hợp triển khai dự án này. Dự kiến, dự án sẽ có những kết quả cụ thể trong vòng 3 đến 6 tháng. Dự án thứ hai là phát triển vắcxin dành cho COVID-19, dự kiến sẽ hoàn tất trong 3 đến 5 tháng, trong khi dự án thứ ba sẽ tập trung vào việc phát triển một loại thuốc được bào chế từ thảo dược dành cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết, các bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 do Bộ Quốc phòng nước này nghiên cứu chế tạo sẽ được kiểm nghiệm và thông qua lần cuối cùng trong vài ngày tới. Sau đó, các bộ kit xét nghiệm sẽ được sản xuất hàng loạt và cung cấp tới các cơ sở xét nghiệm y tế trên khắp cả nước. Cũng trong ngày 28/2, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki thông báo, toàn bộ các trường học ở nước này sẽ đóng cửa trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 29/2, do lo ngại về dịch COVID-19.

Phát hiện virus SARS-CoV-2 có trong nước mắt của bệnh nhân

Trong thông báo ngày 28/2, một nhóm chuyên gia y tế tại bệnh viện Đại học Chiết Giang cho biết, họ đã thu thập các mẫu dịch xét nghiệm của 30 bệnh nhân bị xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện này từ ngày 26/1 đến 9/2. Sau khi được xét nghiệm, 2 mẫu gồm nước mắt và dịch tiết kết mạc của một bệnh nhân mắc bệnh viêm màng kết đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo Phó Giám đốc bệnh viện trên, Shen Ye, thông qua phác đồ điều trị bệnh COVID-19, tình trạng viêm kết mạc của bệnh nhân trên đã được cải thiện và các kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong nước mắt của người này là âm tính. Sau phát hiện này, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua mắt và đường hô hấp có thể không phải là con đường duy nhất lây truyền virus nguy hiểm này. Ông Shen Ye khuyến cáo các nhân viên y tế đeo kính bảo hộ, khẩu trang khi tiếp xúc và khám chữa bệnh cho các trường hợp nghi nhiễm.

Virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Trung Quốc trước khi được phát hiện

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Milano cho biết virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Trung Quốc sớm hơn cả thời điểm giới chức y tế nước này ghi nhận một số trường hợp đầu tiên mắc bệnh “viêm phổi lạ.” Để mô phỏng lại những tháng đầu của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu dịch tễ học phân tử với 52 bộ gene virus hoàn chỉnh để xác định thời điểm xuất hiện mầm bệnh. Theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học xác định "nguồn gốc của dịch virus SARS-CoV-2 có thể bắt đầu vào giữa nửa cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11/2019,” trước thời điểm trường hợp "viêm phổi lạ" đầu tiên được xác định và dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019.

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu đã cho phép xác định thời điểm xuất hiện virus SARS-CoV-2 và dựng lại toàn bộ quá trình lây nhiễm trong những tháng đầu của dịch bệnh tại Trung Quốc, thông qua việc tính toán các thông số dịch tễ cơ bản. Nghiên cứu đã được thông qua để công bố trên Tạp chí Y tế virus học và kết quả đã được gửi đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Khoa Dịch tễ học và giám sát nhiễm khuẩn phân tử và Khoa Nghiên cứu y sinh và lâm sàng của Đại học Milan thực hiện tại phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm Dibic tại bệnh viện Sacco ở Milan.

T.H-TTXVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Covid-19: WHO nâng cảnh báo toàn cầu lên mức 'rất cao'