Dù các chuyên gia y tế khuyên người không bị bệnh thì không cần phải mang khẩu trang, toàn thế giới đang chạy đua quyết liệt mua - bán khẩu trang vì lo sợ dịch Covid-19 lây nhiễm quá nhanh.
Bên cạnh đó, các quốc gia bắt đầu trữ thuốc men, thiết bị y tế,khi các ca nhiễm dịch tăng nhanh trên toàn thế giới và niềm hy vọng khống chế được dịch ở Trung Quốc đã “bốc hơi”.
Tã lót, giấy vệ sinh cũng được bán sạch vì thiếu hàng khẩu trang
Theo hãng tin AP ngày 28.2, một số quan chức trong ngành nói sự thiếu hụt khẩu trang không chỉ do nhu cầu cao, mà còn do nguồn cung ứng mặt hàng này bị gián đoạn.
Đa số khẩu trang y tế mà thế giới sử dụng là do Trung Quốc sản xuất (50%, theo ước tính riêng của nước này) và một số xí nghiệp đang ở trong hoặc gần thành phố ổ dịch Vũ Hán.
Các xí nghiệp này đã phải đóng cửa suốt nhiều tuần qua vì cuộc khủng hoảng này. Nhưng họ cũng nói không thể rõ tác động lớn thế nào, vì các quốc gia, vùng miền khác cũng tăng sản xuất khẩu trang để đáp ứng nguồn cầu đang tăng.
Ở Hàn Quốc, hàng trăm người xếp hàng chờ mua khẩu trang từ một tiệm bán khuyến mãi. Còn có tin đồn giấy vệ sinh và tã lót trẻ em có thế dùng làm khẩu trang, đã khiến các quầy tiệm ở châu Á bị cạn sạch hai loại hàng hóa này chỉ trong tuần.
Tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã bán sạch hàng, trong khi các công ty khác đang hạn chế số lượng khẩu trang mà một khách hàng có thể mua. Công ty Home Depot chỉ bán 10 khẩu trang N95 cho mỗi khách hàng.
Sản phẩm hoạt tính này được lùng mua vì nó che kín mặt, chống bụi thủy ngân và lọc không khí độc hại, bụi mịn, ngăn ngừa bệnh về đường hô hấp và có thể tháo rời để dùng nhiều lần (suốt 4 tháng từ ngày mở hộp để lấy sử dụng).
Số 95 có nghĩa khẩu trang này có khả năng ngăn ngừa 95% các hạt có kích cỡ 0,3 micro. Nói chung, N95 sử dụng nhiều vật liệu lọc hơn các loại khẩu trang y tế bán đại trà.
Marc Jaconksi, chủ tiệm Stanley’s True Value Hardware and Rental ở Philadelphia, nói từ 2 tuần trước, ông đã nhận ra nguồn cầu khẩu trang tăng cao, nhất là loại N95.
Nhưng từ ngày 25.2, khi Trung tâm Kiểm soát - Phòng dịch Mỹ (CDC) cảnh báo nguy cơ Covid-19 gần như chắc chắn sẽ lan khắp Mỹ, doanh số bán khẩu trang của tiệm đã “tăng thủng nóc”.
Jaconski nói tiệm ông đã bán 1.000 chiếc khẩu trang thuộc đủ chủng loại trong 2 tuần qua, và ông đã đặt mua thêm N95, nhưng khách hàng đang lo sợ đến tuyệt vọng, nên họ chọn mua các loại khẩu trang chống bụi hạng nhẹ, hoặc mua cả loại mặt nạ phòng độc vốn bị đánh thuế cao và có giá bán 60 USD.
Tính đến ngày 28.2, toàn thế giới có 83.726 người nhiễm, trong đó có78.832 người Trung Quốc. Covid-19 cũng giết chết2.859 người, trong đó có2.788 người Trung Quốc.
Dù vậy, CDC tư vấn người đeo khẩu trang cũng không thể tự giúp mình tránh khỏi virus độc hại này. CDC nói người bị nhiễm - hoặc người có các triệu chứng như sốt, khó thở - thì nên đeo khẩu trang để không lây dịch cho người khác. CDC cũng nói các nhân viên ngành y tế cũng cần khẩu trang khi làm công việc của họ.
Không chỉ dân thường cố gắng tự bảo vệ chống dịch phải đối phó sự thiếu mặt hàng khẩu trang, một số nhân viên ngành chăm sóc sức khỏe cũng lo trang bị sản phẩm này.
Mike Gania của Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Mỹ (ASHP) nói vài nhà thuốc bệnh viện cho biết họ chỉ có nguồn cung khẩu trang đủ cho khoảng từ 1 đến 2 tuần, và các nhà bán sỉ lớn không thể đáp ứng đủ đơn đặt hàng.
Trong các bệnh viện, khẩu trang giải phẫu dành cho các nhóm mổ (bác sĩ, y tá, chuyên viên gây mê) và nhân viên chăm sóc các người bị mắc các bệnh lây nhiễm đeo khẩu trang N95.
Bác sĩ giải phẫu ung thư Sarah Boston ở Toronto (Canada) nói khi làm việc, mỗi tuần bà sử dụng từ 10 đến 15 khẩu trang giải phẫu. Nguồn cung cho bà thường sớm bị hết, nên bà phải chuyển qua dùng loại khẩu trang kém an tâm hơn. Bác sĩ Bolton nói: “Tôi đã nói chuyện với nhiều người vốn lo sợ chúng tôi sẽ bị mất nguồn cung, hoặc không thể có được chúng”.
Bà Bolton cũng đã trông thấy nhiều người đeo khẩu trang không đúng cách, ví dụ chỉ che miệng mà không che mũi. Bà hy vọng những người này hiểu những cách chống dịch có hiệu quả hơn, ví dụ như thường xuyên rửa tay.
Các công ty sản xuất khẩu trang chật vật đáp ứng nguồn cầu
Medicom Group, một công ty cung ứng y tế ở Montreal (Canada) thường sản xuất 150 triệu khẩu trang/năm tại xí nghiệp của họ ở Angers (Pháp). Từ đầu tháng 2, công ty nhận các đơn đặt hàng 500 triệu khẩu trang. Từ đó, đơn hàng lại càng tăng thêm, buộc công ty phải thuê nhân công mới và tăng khả năng sản xuất tại 2 xí nghiệp ở Thượng Hải (Trung Quốc) và 1 xí nghiệp ở Augusta, bang Georgia (Mỹ).
Nhà sản xuất 3M (trụ sở ở bang Minnesota, Mỹ) cũng tăng sản xuất mặt nạ chống độc ở các xí nghiệp ở Mỹ, Nam Mỹ, châu Á và châu Âu.
Ở khắp châu Á, nơi mà người dân thường đeo khẩu trang chống các loại bệnh dị ứng, cúm và khói mù, nhu cầu sử dụng khẩu trang đang tăng cao, khiến các nhà sản xuất khác chuyểnqua sản xuất khẩu trang.
Một thăm dò về khẩu trang có bán ở các tiệm thuốc ở Bangkok (Thái Lan) cho thấy trong nhiều trường hợp, các sản phẩm này không đạt đủ các tiêu chuẩn cần thiết để chống dịch Covid-19 một cách tốt nhất.
Nhà sản xuất đồ điện tử Foxconn (Đài Loan) cũng nói đã bắt đầu sản xuất khoảng 1 triệu khẩu trang/ngày ở các xí nghiệp của họ.
Tại Ý, ổ dịch Covid-19 lớn nhất ở châu Âu, chính phủ đã triệu tập một cuộc họp với giới vận động làm ăn, để lập một hệ thống phân phối khẩu trang đến các vùng bị nhiễm dịch nặng nhất. Cảnh sát tài chính Ý tuyên bố đã bắt 20 người ở Turin, vì họ đã bán một chiếc khẩu trang với giá cắt cổ 5.000 euro (5.500 USD).
Công ty Dealmed (ở New York) chuyên sản xuất và bán thiết bị y tế, nói trong tuần tới họ sẽ bắt đầu bán khẩu trang với số lượng lớn. Công ty hiện bán số khẩu trang còn sót lại cho người cần chúng như bệnh viện, phòng mạch của bác sĩ hoặc các cơ quan công quyền.
Chủ tịch Dealmed, ông Michael Einhorn nói doanh số bán khẩu trang “tăng khủng khiếp” mà ông chưa thể tính toán đủ, trong khi doanh số bán găng tay y tế cùng các mặt hàng khác đạt tối đa 300% trong tháng 2.
Dealmed cũng tạm ngưng nhận đơn đặt hàng khẩu trang của những khách hàng mới từ cách đây 1 tháng, và đã ngưng bán trên các trang bán lẻ điện tử Amazon và Walmart.com.
Trên Amazon, sản phẩm bán chạy nhất là các mặt hàng gia dụng và sức khỏe hôm 27.2, với một gói 3 mặt nạ bằng sợi bông có giá 19,99 USD. Các gói 10 khẩu trang 3M được bán sạch.
Giá bán cũng thay đổi mạnh trên Amazon. Vài nhà bán “hét” 98,50 USD hoặc hơn nữa khi bán 50 khẩu trang giải phẫu, nhưng các nhà bán khác lại ra giá 33USD cho mặt hàng này. Nước rửa tay kháng khuẩn cũngbán hết sạch.
Tiến sĩ tâm lý học John Huber là chủ tịch tổ chức bất vụ lợi Mainstream Mental Health ở bang Texas, nói các nhà bán lẻ cần làm tốt công việc giảm nhẹ nỗi sợ dịch cho khách hàng, và chia sẻ lời khuyên của CDC: “Đấy là sự lo sợ những điều chưa thể biết. Một khi chúng ta hiểu được điều gì đó, chúng ta sẽ có khuynh hướng không sợ nữa”.
Mỹ Trinh (theo AP)